Đạn trở thành "hàng xa xỉ" ở Venezuela, tội phạm chẳng muốn nổ súng vì dân không có tiền để cướp
"Những ngày này, không ai kiếm được tiền cả, kể cả những tên tội phạm,"
Không còn gì để cướp
Tay cướp đường phố El Negrito luôn ngủ với một khẩu súng ngắn ở dưới gối và nói anh ta không còn nhớ mình đã sát hại bao nhiêu người. Nhưng mặc cho thái độ lạnh lùng ban đầu, El Negrito bắt đầu chia sẻ "nỗi buồn" vì việc nền kinh tế suy thoái của Venezuela đã ảnh hưởng lớn tới "thu nhập" mọi khi của các băng đảng.
Bắn một viên đạn trở nên rất tốn kém và xa xỉ. Mỗi viên đạn ở đây có giá 1 USD. Và khi trên đường phố ngày càng có ít người có tiền hơn, những kẻ trộm cắp cũng không muốn dùng tới súng nữa.
Đối với El Negrito, mọi chuyện đều có thể hiểu một cách đơn giản rằng: thậm chí cuộc sống của những tên tội phạm cũng bị ảnh hưởng bởi cái nghèo.
"Nếu bắn hết ổ đạn, thì tức là tôi đã bắn đi 15 USD," El Negrito nói. Tên cướp này đồng ý trả lời AP với điều kiện được giữ kín danh tính, chỉ dùng biệt danh và mặc áo có mũ trùm, khăn che mặt khi lên ảnh để tránh bị nhận diện.
Tay cướp đường phố có biệt danh El Negrito. Ảnh: AP Photo/Rodrigo Abd
"Nếu làm mất khẩu súng, bị cảnh sát tịch thu, thì tức là tôi đã quẳng đi 800 USD," El Negrito tính toán.
Từ lâu nay, chính phủ Venezuela của tổng thống Nicolas Maduro đã không còn cung cấp số liệu về tình trạng tội phạm ở quốc gia này. Tại Cơ quan Nghiên cứu về Bạo lực - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Venezuela, các nhà nghiên cứu ước tính các vụ giết người đã giảm tới 20% trong 3 năm qua dựa trên số liệu từ phương tiện truyền thông và nguồn tin tại các nhà xác địa phương.
Sự sụt giảm này được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết tại quốc gia nhiều dầu mỏ nhất thế giới.
Tỉ lệ lạm phát đã vượt qua 1 triệu % vài năm ngoái, khiến đồng bolivar gần như không có giá trị. Các máy ATM cũng không có đủ tiền để người dân có thể rút khoản tiền có giá trị hơn 1 USD. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men đã khiến 3,7 triệu người dân rời khỏi đất nước để tới các đất nước láng giềng như Colombia, Panama và Peru.
Rất nhiều nam giới trẻ đã rời đi - đây cũng là đối tượng thường được các băng nhóm tội phạm "tuyển dụng" nhất. Ngày làm việc ở Venezuela bị cắt ngắn bởi tình trạng đình công xảy ra liên miên.
Một cậu bé thả diều ở Caracas. Ảnh: AP
Các hoạt động phạm tội khác
Khi quốc gia chìm trong khủng hoảng, ngay cả những tên tội phạm ở Venezuela cũng cảm thấy khó khăn và phải tìm những hướng khác để kiếm tiền bất chính. Mặc dù các vụ nổ súng và giết người đã giảm mạnh, nhưng hoạt động trộm cắp lại tăng cao, từ dây đồng cho tới gia súc.
Trong khi đó, những tổ chức tội phạm có tổ chức đều đồng loạt tham gia vận chuyển ma túy và khai thác vàng trái phép.
Khi đêm xuống, các con đường ở Caracas hầu như đều vắng người bởi luật "bất thành văn" là không ra đường để đảm bảo an toàn cho bản thân. Mặc dù các vụ giết người đã giảm mạnh, nhưng người dân Venezuela vẫn hạn chế xem điện thoại khi đang đi trên đường.
Nhiều người cất nhẫn vàng, trang sức đá quý ở nhà và thường có thói quen nhìn trước nhìn sau để xem có bị theo dõi hay không.
"Venezuela vẫn là một trong những quốc gia có nhiều bạo lực nhất trên thế giới ," Dorothy Kronick - giảng viên môn khoa học chính trị tại Đại học Pennysylvania - chia sẻ kết quả nghiên cứu.
Về phần mình, El Negrito nói hiện đang cùng băng đảng thực hiện những vụ bắt cóc để kiếm tiền.
Theo AP, chúng sẽ giữ con tin trong vòng 48 giờ và yêu cầu người thân nộp tiền chuộc càng nhanh càng tốt, không quá chú trọng vào tổng số tiền. Ngoài ra, khoản tiền chuộc sẽ được "định giá" dựa trên giá trị chiếc xe ô tô mà gia đình nạn nhân đi.
Tuy nhiên, hiện El Negrito đang cân nhắc sẽ rời khỏi Venezuela và sang nước ngoài sinh sống. El Negrito tiết lộ nhiều tội phạm đã "rửa tay gác kiếm" và làm những việc chân chính ở các quốc gia khác bởi lo ngại bị trừng trị nặng theo pháp luật của quốc gia sở tại.
Robert Briceno, giám đốc Cơ quan Nghiên cứu về Bạo lực, nói tỉ lệ sát hại dân thường giảm ở Venezuela chủ yếu là do kinh tế: khi người dân có ít tiền, thì cũng đồng nghĩa rằng không có tiền để trộm.
"Những ngày này, không ai kiếm được tiền cả, kể cả những tên tội phạm," ông nói.
Một đồng phạm của El Negrito nói mua đạn trên chợ đen không phải là việc quá khó khăn. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất là trả được tiền mua đạn ở quốc gia mà người dân thường chỉ kiếm được trung bình 6,5 USD 1 tháng.
El Negrito và đồng phạm trong cuộc phỏng vấn với AP. Ảnh: AP
"Một viên đạn hồi trước chỉ có giá bằng một tờ 10 bolivar. Còn bây giờ tờ tiền này chả có giá trị gì cả," tên tội phạm lắc đầu ngao ngán.