Đàn ông Trung Quốc khó cưới vợ vì thách cưới cao: Chú rể vừa phải có nhà, có xe, chưa kể hơn 1 tỷ đồng tiền sính lễ

16/06/2022 15:38 PM | Sống

Hiện thực này đang xảy ra ở Trung Quốc, nơi nhiều đàn ông “đau đầu” vì tiền thách cưới bằng 15 năm đi làm mới đủ.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ kết hôn ở đất nước này đã giảm trên toàn quốc. Chỉ có 8,14 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2020, giảm mạnh so với con số 13,47 triệu vào năm 2013.

Số liệu của NBS cho thấy tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đã giảm xuống mức 7,52 ca sinh trên 1.000 người vào năm ngoái - con số thấp nhất kể từ năm 1949 thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Một phần do "chính sách một con" và quan niệm trọng nam khinh nữ dẫn đến việc phá thai để chọn giới tính, số đàn ông ở Trung Quốc đã chênh lệch hàng chục triệu người so với phụ nữ.

Sự mất cân bằng giới tính cùng với tiền sính lễ ''thách cưới'' quá cao đang trở thành rào cản đối với đàn ông nếu muốn lập gia đình.

Đàn ông nông thôn khao khát lấy vợ

Tình trạng mất cân bằng giới tính được ghi nhận đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn và các làng, bản kém phát triển. Số nam giới tại đây cao hơn nữ giới nhiều lần, khiến cuộc khủng hoảng dân số có nguy cơ thêm trầm trọng.

Ngay khi bước sang tuổi 20, nam nữ thanh niên tại các làng quê Trung Quốc sẽ bị hối thúc lập gia đình. Nhưng đây cũng là thời điểm họ bắt đầu rời quê, tìm đến các thành phố lớn làm việc. Đối với các cô gái, người chồng lý tưởng của họ không phải những anh chàng ở nông thôn mà là những người ở thành phố hoặc tỉnh thành khác giàu có hơn.

Chia sẻ trên Zaobao, giáo sư Jiang Quanbao cho rằng đối với nhiều phụ nữ nông thôn, hôn nhân chính là cách thức để thay đổi cuộc đời. Họ mong muốn đi xa lập gia đình, chuyển từ miền núi xuống đồng bằng, từ làng mạc lên thành phố và từ tầng lớp nghèo khổ sang tầng lớp khá giả hơn. Chính bởi vậy, đàn ông nông thôn càng khó có thể lấy vợ.

Đàn ông Trung Quốc khó cưới vợ vì thách cưới cao: Chú rể vừa phải có nhà, có xe, chưa kể hơn 1 tỷ đồng tiền sính lễ - Ảnh 1.

Trung tâm mai mối được ông Chen Changqin mở tại nhà. Ảnh: Yomuiri Shimbun.

Anh Xu (tỉnh Giang Tô, 28 tuổi) cho biết, làng của anh chỉ có khoảng 800 người. Trong đó, những nam thanh niên sinh năm 1980-1990 đông hơn gần 40 người so với nữ giới cùng độ tuổi.

Xu hiện làm nghề sửa chữa đường trong thị trấn và kiếm được 8.000 nhân dân tệ (tương đương 1.250 USD) mỗi tháng. Dù được xếp vào nhóm có thu nhập trên trung bình của làng, anh vẫn không kiếm được người yêu. Đối với anh, mức lương này là không đủ hấp dẫn đối với nữ giới.

Ông Chen Changqin (huyện Bí Dương, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, 60 tuổi) quyết định thành lập trung tâm mai mối ngay tại nhà để giúp giải quyết khủng hoảng hôn nhân trong làng.

Số đàn ông trong độ tuổi kết hôn ở huyện Bí Dương cao gấp 10 lần phụ nữ và hơn 80% người sử dụng dịch vụ của ông cũng là nam giới. Đa số phụ nữ trẻ trong làng đi làm ăn ở thành phố, nên Chen chỉ có thể bàn chuyện mai mối khi họ về thăm nhà. "Hầu hết phụ nữ không muốn lấy chồng ở quê, nên tỷ lệ mai mối thành công rất thấp", ông nói.

Bi kịch không lấy được vợ vì tiền sính lễ quá cao

Sau khi hẹn hò vài năm, người đàn ông họ Qin ở Đông Bắc Trung Quốc đã phải chia tay bạn gái vì không thể trả nổi khoản sính lễ gần 300.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 tỷ đồng) mà nhà gái đưa ra khi thảo luận việc kết hôn.

"Tôi hỏi người địa phương và họ nói khoản tiền này là phổ biến. Tôi hy vọng các ngài có thể loại bỏ những hủ tục này", Qin viết trong mục "Lời nhắn gửi tới các nhà lãnh đạo" trên trang báo people.com.cn (kênh trực tuyến dành cho các khiếu nại công khai ở Trung Quốc).

Được biết, tại huyện Chính Ninh, tỉnh Cam Túc, nơi Qin sinh sống, thu nhập trung bình hàng năm chỉ hơn 20.000 nhân dân tệ vào năm ngoái, tức là phải mất 15 năm mới kiếm đủ số tiền mà nhà bạn gái yêu cầu.

Tài xế giao hàng Zhao Liang chia sẻ, nếu bây giờ ông mới hơn 30 tuổi thì sẽ không vội lấy vợ bởi quá trình này hiện "thiên về vật chất" nhiều hơn so với thời điểm ông kết hôn trước đây.

"Nhà gái yêu cầu chú rể phải có nhà và xe hơi, chưa kể đến quà đính hôn. Số tiền đó phải ít nhất 500.000 đến 600.000 nhân dân tệ", ông Zhao nói.

Trở lại với nam thanh niên tên Xu, theo anh, để xây một ngôi nhà ở phía bắc Giang Tô, chi phí phải trả là khoảng 200.000 nhân dân tệ. Nếu căn nhà hiện ở còn tốt, chú rể cũng cần phải chi hàng chục nghìn USD để cải tạo.

Vào năm ngoái khi cưới vợ, ngoài mức sính lễ 180.000 nhân dân tệ, anh phải chi số tiền không nhỏ để sửa sang lại ngôi nhà của mình. Riêng số tiền thách cưới đã tương đương 20 tháng lương của anh.

Đàn ông Trung Quốc khó cưới vợ vì thách cưới cao: Chú rể vừa phải có nhà, có xe, chưa kể hơn 1 tỷ đồng tiền sính lễ - Ảnh 2.

Đàn ông Trung Quốc khó lấy vợ vì sính lễ quá cao

Số tiền thách cưới này có được tặng lại cô dâu, chú rể hay không là phụ thuộc vào gia đình nhà gái. Một số cha mẹ cho phép con gái mình lấy lại tiền sính lễ và sử dụng cùng chồng. Nhưng nhiều nhà khác sẽ giữ lại số tiền và dùng để làm sính lễ trong đám cưới của người em trai cô dâu.

Vào những năm 1990, số tiền sính lễ của một cô dâu ở Giang Tô chỉ là vài nghìn nhân dân tệ (1.000 nhân dân tệ tương đương 156 USD). Hiện tại, bên cạnh các yêu cầu về nhà ở, các gia đình các cô dâu còn đòi hỏi mức sính lễ cao kỷ lục, dao động từ 150.000 đến 200.000 nhân dân tệ.

Việc thách cưới quá cao đã dẫn đến không ít mâu thuẫn trong xã hội. Tại Ninh Thiểm, một quận có 70.000 dân của tỉnh Thiểm Tây, các vụ kiện pháp lý liên quan đến tranh chấp giá cô dâu có xu hướng tăng trong những năm gần đây, từ 21 vụ vào năm 2019 lên 59 vụ vào năm 2021.

Theo Yang Shanshan, một trợ lý thẩm phán tại quận Ninh Thiểm, giá trung bình của các cô dâu đã tăng từ 76.000 nhân dân tệ lên 135.000 nhân dân tệ. Giá cô dâu tăng đã góp phần làm gia tăng các vấn đề xã hội khác nhau, bao gồm cả đàn ông đi trộm cướp.

"Có một số phụ nữ trẻ đã lợi dụng tâm lý muốn lấy vợ của đàn ông để lừa đảo tiền sính lễ, sau khi nhận được tiền liền biến mất. Cũng có trường hợp phụ nữ bị bán đến địa phương để kết hôn với đàn ông ở đây", ông nói.

Sự nỗ lực cải thiện từ chính quyền

Năm 2021, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã chọn một quận từ 32 thành phố được chỉ định trên khắp đất nước làm "khu vực thử nghiệm" cải cách đám cưới. Tại đây, cộng đồng dân cư được yêu cầu ban hành các nguyên tắc riêng để kiểm soát sính lễ và chi phí đám cưới.

Đàn ông Trung Quốc khó cưới vợ vì thách cưới cao: Chú rể vừa phải có nhà, có xe, chưa kể hơn 1 tỷ đồng tiền sính lễ - Ảnh 3.

Trung Quốc đang tìm cách dẹp bỏ hủ tục "sính lễ" lạc hậu và tốn kém khi các cặp đôi kết hôn.

Giới chức Trung Quốc cũng khuyến khích phụ nữ nông thôn ở lại quê hương của họ và kết hôn với người bản địa. Song, hành động này đã gây ra một cơn bão chỉ trích trên mạng xã hội và giá sính lễ vẫn được đưa ra ngày càng cao. Các nhà chức trách đã lên tiếng giải thích rõ rằng họ không cố ý ép buộc mọi người ở lại.

Tại huyện Chính Ninh, chính quyền đã đưa ra mức giới hạn cho sính lễ cô dâu là 80.000 nhân dân tệ đối với các gia đình nông thôn và 60.000 nhân dân tệ đối với công chức nhà nước. Tuy nhiên, huyện này cũng nói thêm việc thay đổi là "một quá trình lâu dài và phức tạp", cũng như rất khó dùng quy tắc cứng nhắc để áp dụng.

Còn tại một số ngôi làng ở Hà Nam, tiền ''thách cưới'' lên đến 160.000 nhân dân tệ thì nay quan chức bắt đầu giới hạn con số này ở mức 66.000 nhân dân tệ để giảm bớt gánh nặng cho nam thanh niên ở vùng nông thôn.

Yang Hua, nhà nghiên cứu tại Trường Xã hội học thuộc Đại học Vũ Hán, người tập trung vào nghiên cứu ở vùng nông thôn Trung Quốc, cho biết mô hình này sẽ không hiệu quả nếu không có đủ phụ nữ để kết hôn với nam giới cùng độ tuổi ở vùng nông thôn.

"Chừng nào chênh lệch giới tính còn tồn tại ở vùng nông thôn, giá cô dâu cao ngất trời sẽ vẫn còn tiếp tục xuất hiện. Ngay cả khi số tiền này không thể hiện dưới dạng giá cô dâu, nó cũng sẽ tồn tại dưới hình thức phí khác trong hôn nhân", ông nói.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM