Bé gái bị điếc bẩm sinh, lần đầu nghe thấy tiếng mẹ gọi sau 17 tháng sống trong tĩnh lặng: Nếu trẻ không giật mình trước âm thanh lớn, cha mẹ đừng chủ quan

07/06/2022 16:23 PM | Sống

Tiếp nhận những âm thanh đầu đời tưởng chừng là điều vô cùng đơn giản nhưng đối với những trẻ khiếm thính bẩm sinh thì lại trở thành điều kỳ diệu.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Khiếm khuyết bẩm sinh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt xã hội, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các bé. Trẻ bị điếc nặng và sâu thường kèm theo câm do không tiếp nhận được âm thanh, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ.

Như trường hợp của bé Minh Khuê (17 tháng tuổi) là một ví dụ điển hình đã được điều trị tại bệnh viện. Theo lời kể của phụ huynh, bé khi mới sinh vẫn phát triển tốt, ăn ngoan, ngủ ngoan. Nhưng khi đến mốc các bé cùng tuổi biết "trò chuyện" ê, a,..hay nhoẻn cười khi nghe âm thanh cha mẹ gọi thì Minh Khuê lại không đáp ứng.

Tuy nhiên, thấy con vẫn phát triển đúng tiêu chuẩn "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi" nên cha mẹ bé chưa nghi ngờ nhiều, chỉ nghĩ con chậm nói.

Chỉ đến khi bé qua ngưỡng 1 tuổi, sự trầm lặng đến đáng sợ của con khiến chị Ngọc Lan- mẹ của bé cảm nhận rõ con mình có điều bất thường nhưng phần nhiều chị vẫn nghĩ con chậm nói, chứ không nghi ngờ gì đến thính lực của con. Khi con 15 tháng tuổi, chị đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để kiểm tra. Kết quả khám cho thấy, bé bị điếc sâu cả hai tai.

Bé gái bị điếc bẩm sinh, lần đầu nghe thấy tiếng mẹ gọi sau 17 tháng sống trong tĩnh lặng: Nếu trẻ không giật mình trước âm thanh lớn, cha mẹ đừng chủ quan - Ảnh 1.

Bé Minh Khuê hiện đã nghe, nói được nhiều hơn và sắp tới đây con sẽ được đến trường mẫu giáo như bao bạn nhỏ cùng trang lứa. Ảnh: BV Nhi TW

"Cầm kết quả trên tay, cả gia đình tôi thực sự bị sốc, tôi chưa bao giờ nghĩ con mình có thể bị điếc vì nhà tôi chưa từng có ai bị như vậy… Tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng cho tương lai của con", chị Lan ngậm ngùi kể lại.

Sau đó, khi bé được 16 tháng tuổi, chị Lan đã quyết định cho bé Minh Khuê làm phẫu thuật điều trị khiếm thính, cấy ốc tai điện tử như một tấm vé cứu vớt niềm hi vọng của chị và tương lai của con.

May mắn, gần một tháng sau phẫu thuật, con đã lắng nghe, tiếp nhận những âm thanh đầu tiên. Với những trẻ bình thường thì điều này thật giản đơn, nhưng với những bé khiếm thính như Minh Khuê, đây là sự kỳ diệu, là niềm vui lớn lao khó diễn tả thành lời.

"Sau 17 tháng sống trong sự im lặng, từ khi bắt đầu nghe được, con không lúc nào muốn tháo bỏ máy hỗ trợ, chỉ muốn đeo mãi để có thể nghe mọi âm thanh xung quanh mình… Ở giây phút con quay đầu lại khi nghe thấy tiếng mẹ gọi, tôi đã vỡ oà trong tim vì hạnh phúc, khoảng khắc đó tôi sẽ nhớ mãi không bao giờ quên", chị Ngọc Lan xúc động chia sẻ.

Các dấu hiệu nhận biết sớm khiếm thính ở trẻ nhỏ

Các dấu hiệu bị điếc ở mỗi trẻ có thể khác nhau và thay đổi tùy theo các mức độ suy giảm thính lực. Về bản chất, các dấu hiệu cảnh báo có thể thoáng qua và không khiến bố mẹ lo lắng. Trong trường hợp này, bố mẹ cần liên hệ với bác sĩ của trẻ ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu báo động được liệt kê bên dưới.

1. Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi

Thính giác của trẻ sơ sinh đến khi được 3 tháng tuổi đã khá hoàn thiện và có thể lắng nghe được các âm thanh thông thường. Nếu gặp phải một trong các dấu hiệu sau, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa:

- Không giật mình trước những âm thanh lớn, đột ngột

- Không phản hồi trước âm thanh, nhạc hoặc giọng nói của bố mẹ

- Không được xoa dịu bởi những âm thanh nhẹ nhàng

- Không di chuyển hoặc thức giấc khi có giọng nói hoặc tiếng động gần đó khi trẻ ngủ trong phòng yên tĩnh sau 2 tháng tuổi

- Không phát ra nguyên âm như "ohh" sau 2 tháng tuổi

- Không trở nên yên lặng khi nghe những giọng nói quen thuộc

2. Trẻ từ 4 đến 8 tháng tuổi

- Không quay đầu hoặc nhìn về nơi mà âm thanh được phát ra

- Không thay đổi biểu cảm khi có âm thanh của giọng nói hoặc tiếng ồn lớn khi trẻ ở trong một không gian yên tĩnh

- Không cố gắng bắt chước âm thanh nào đó

Bé gái bị điếc bẩm sinh, lần đầu nghe thấy tiếng mẹ gọi sau 17 tháng sống trong tĩnh lặng: Nếu trẻ không giật mình trước âm thanh lớn, cha mẹ đừng chủ quan - Ảnh 2.

Hình ảnh các bác sĩ đang phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho bệnh nhi. Ảnh: BV Nhi TW

- Chưa bắt đầu bập bẹ ê a một mình hoặc quay lại khi những người khác nói chuyện với trẻ

- Không trả lời "không" và thay đổi giọng nói

- Chỉ chú ý đến những tiếng động có thể cảm nhận được do tạo ra sự rung động hoặc dịch chuyển của đồ vật.

- Với những tiếng động chỉ có thể nghe thấy, trẻ dường như không có bất kỳ phản ứng nào.

3. Trẻ từ 9 đến 12 tháng tuổi

- Không quay nhanh hoặc hướng người trực tiếp về phía phát ra tiếng ồn nhỏ

- Không trả lời tên của trẻ

- Không thay đổi cao độ của trẻ khi ê a.

- Không tạo ra nhiều phụ âm khác nhau khi bập bẹ (m, p, b, g, v.v.)

- Không phản hồi âm nhạc bằng cách nghe, bật hoặc hát theo khi trẻ được 1 tuổi

- Không nói những từ đơn lẻ, như "da-da" và ma-ma " ở 1 tuổi

- Không phát âm nhiều phụ âm khác nhau ở đầu từ

- Không hiểu các từ ngữ chỉ các đồ vật thông dụng như giày, mũ, hoặc không hiểu các mệnh lệnh đơn giản mà bố mẹ đưa ra như "nói tạm biệt", "lại đây"

Trẻ bị khiếm thính nếu được phát hiện sớm và quan tâm kịp thời thì khả năng hồi phục cao, đặc biệt đối với trẻ dưới 2 tuổi. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bị khiếm thính, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở, bệnh viện uy tín để kiểm tra thính lực, từ đó đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM