Đàn ông cũng giống như cún, muốn ngoan thì phải dạy đúng bài!
Bạn không thể hy vọng một chú khỉ biết nhào lộn chỉ sau một buổi huấn luyện, cũng như không thể trông cậy một đức ông chồng biết thu dọn đống tất bẩn chỉ sau một lần tuyên dương khi hắn biết nhặt đúng một chiếc tất lên.
Trong lúc tôi đang vùi đầu trong đống chén đĩa vứt đầy bồn rửa, anh chồng ở đâu bỗng xuất hiện từ phía sau, giọng hằn học khó chịu.
"Em thấy chìa khóa của anh đâu không?". Vẫn cái giọng làu bàu ấy, cùng với tiếng thở dài hậm hực, anh giã từng nhát gót giày xuống sàn bước ra khỏi phòng. Còn Dixie – chú chó của chúng tôi, nhìn có vẻ khép nép lo sợ trước cơn giận dữ của ông chủ thân yêu.
Nếu như trong quá khứ, chắc tôi sẽ bỏ dở mọi việc đang làm, vội chạy theo sau Dixie và tham gia cuộc truy tìm báu vật thất lạc ấy, mồm thì xuýt xoa an ủi gã đàn ông cáu kỉnh kia: "Đừng lo, rồi đâu sẽ vào đó mà". Tuy nhiên, làm như thế chỉ tổ khiến hắn càng thêm thịnh nộ, rồi từ một chuyện đơn giản là mất chìa khóa sẽ ngay lập tức bùng lên thành cuộc chiến tranh hạt nhân tưng bừng khói lửa với diễn viên chính là đôi vợ chồng trẻ cùng vai quần chúng là chú chó tội nghiệp.
Còn bây giờ á, cứ tập trung vào đám bát đĩa ngổn ngang đã. Không cần để ý, chẳng nói một lời. Tôi đang áp dụng kỹ năng cực kỳ đặc biệt mà tôi học được từ một người huấn luyện cá heo.
Tôi yêu chồng tôi chứ. Anh ham đọc sách, cũng là một kẻ phiêu lưu mang chất giọng Bắc Vermont mị hoặc mà dù đã trải qua 12 năm hôn nhân vẫn làm tôi cảm thấy run rẩy.
Nhưng anh có tật đãng trí, hơi chậm chạp và có chút đồng bóng. Anh hay quẩn quanh tôi, liến thoắng liên tục về việc tôi đã đọc mẩu tin này nọ trên tờ The New Yorker chưa, trong khi tâm trí tôi thì đang tập trung vào cái chảo đang sủi dầu. Mỗi sáng thức dậy là anh lại rải một đống giấy vo viên khắp nhà, và thường xuyên tự động điếc mỗi khi vợ cằn nhằn, nhưng rất nhanh chóng lấy lại thính lực siêu phàm khi tôi buột miệng càu nhàu gì đó phía bên kia căn nhà.
"Em nói cái gì cơ?", anh sẽ hét toáng lên.
Thực tế những điều khó chịu nhỏ nhặt ấy không dẫn đến ly thân, hay thậm chí là ly hôn, nhưng tích tiểu thành đại, chúng dần làm hao mòn tình yêu mà tôi dành cho Scott. Tôi muốn, tôi cần, phải uốn nắn anh từng chút một cho đến sự hoàn thiện tròn trịa, biến anh thành một người bạn đời bớt làm phiền tôi một chút, không để tôi phải đợi dài cổ ở nhà hàng, một người chồng mà tôi sẽ dễ dàng để yêu thương hơn.
Thế là, như mọi bà vợ trước kia, tôi bỏ qua các cuốn sách mang tính tư vấn và rẽ lối tắt trong hành trình hoàn thiện hóa chồng mình. Tất nhiên là bằng phương pháp nạt nộ, gắt gỏng nhiếc móc, và cũng tất nhiên, thái độ của anh càng trở nên tồi tệ hơn: anh sẽ lái xe nhanh hơn thay vì đi chầm chậm, râu ria lởm chởm không thèm cạo, quần áo vứt tung tóe khắp phòng mặc kệ vợ nói sao.
Rồi để cuộc hôn nhân êm ấm hơn, chúng tôi dắt tay nhau đến dịch vụ tư vấn. Cô tư vấn viên không hiểu nổi lý do vì sao chúng tôi có mặt ở đây, liên tục tấm tắc khen ngợi việc chúng tôi giao tiếp với nhau tuyệt vời ra sao. Tôi bỏ cuộc. Có lẽ cô ta nói đúng, cuộc hôn nhân của chúng tôi đúng là tốt hơn rất nhiều so với đống hỗn độn mà người ta phải chịu đựng ngoài kia. Tôi cũng dần rút mình khỏi sự phẫn uất âm ỉ và những lời móc máy mỉa mai lẫn nhau.
Và rồi điều kỳ diệu xảy ra. Đợt ấy tôi viết một cuốn sách về ngôi trường của những người huấn luyện thú đại tài. Tôi bôn ba suốt từ Maine tới California, ngắm nhìn các sinh viên thực hiện điều tưởng như không thể: dạy linh cẩu xoay tròn chỉ bằng một chân theo mệnh lệnh, dạy báo giơ chân để được cắt móng và dạy khỉ trượt ván.
Tôi say sưa lắng nghe những nhà huấn luyện chuyên nghiệp giải thích cách họ dạy cá heo bật nhảy, hay dạy đám voi trổ tài hội họa. Bất chợt tôi nghĩ, có khi nào phương pháp này có thể áp dụng cho một giống loài đáng yêu, nhưng cũng vô cùng cứng đầu khác – chính là đám đức ông chồng Mỹ hay không nhỉ?
Bài học quan trọng nhất mà tôi tiếp thu được từ các nhà huấn luyện là nên có khen thưởng cho những hành vi tốt và nên tỏ ra phớt lờ khi đối tượng thể hiện hành vi mang tính tiêu cực. Suy cho cùng thì bạn làm sao có thể khiến một con hải cẩu xoay bóng trên mũi chỉ bằng cách nạt nọ nó, cũng thế đối với các đức ông chồng thôi.
Trở về Maine, tôi bắt đầu cảm thấy biết ơn Scott nếu anh tự biết bỏ một chiếc áo bẩn vào sọt. Nếu anh bỏ vào đó hai chiếc, tôi sẽ hôn anh. Ngược lại, tôi sẽ dịu dàng giẫm qua đám quần áo bẩn thỉu lổn nhổn trên sàn mà không một lời ca thán, đôi khi tôi sẽ nhẹ nhàng đá nó vào gầm giường. Đến khi anh bắt đầu đằm chìm trong những lời khen ngợi của tôi, đống quần áo cũng vơi dần.
Tôi sử dụng phương pháp mà các nhà huấn luyện gọi là "cải thiện từ từ", khen thưởng từng bước nhỏ nhằm mục đích cải thiện toàn bộ thái độ. Bạn không thể hy vọng một chú khỉ biết nhào lộn chỉ sau một buổi huấn luyện, cũng như không thể trông cậy một đức ông chồng biết thu dọn đống tất bẩn chỉ sau một lần tuyên dương khi hắn biết nhặt một đúng chiếc tất đơn lên.
Như với con khỉ, bạn có thể khen thưởng với một cú nhún nhảy nhỏ, rồi cú nhảy cao hơn, rồi lại cú nhảy cao nữa. Với ông chồng Scott, tôi bắt đầu tuyên dương từng hành động nhỏ theo thời gian: khi anh lái xe chậm lại một tị, biết ném một đôi tất bẩn vào sọt, hoặc đúng giờ cho bất cứ việc gì.
Tôi cũng bắt đầu nhìn nhận chồng tôi dưới con mắt của một nhà huấn luyện đang đứng trước con vật hoang dã. Các nhà huấn luyện đại tài nghiên cứu tất cả những gì họ có thể, từ giải phẫu học cho đến cấu trúc xã hội giống loài, thứ gì thu hút được chúng và thứ gì không. Như voi chẳng hạn, chúng là sinh vật sống bầy đàn, thế nên chúng tuân theo cái gọi là phân chia giai cấp. Chúng không thể nhảy, nhưng lại có thể trồng chuối. Chúng là loài ăn cỏ.
Con vật mang tên Scott thì lại là cá thể đơn độc, nhưng lại mang thiên hướng con đực đầu đàn. Thế nên hệ thống thứ cấp khá quan trọng, nhưng Scott không cần phải vào bầy đàn. Anh ta có sự cân đối của một vận động viên nhưng lại di chuyển chậm chạp, nhất là khoản ăn mặc. Trượt tuyết là bản năng, nhưng đúng giờ thì lại là khái niệm xa vời. Scott là thể loại động vật ăn tạp, là đối tượng mà các huấn luyện viên gọi yêu là "chết vì ăn".
Một khi tôi bắt đầu suy nghĩ kiểu này, tôi chẳng thể nào dừng lại được. Ở ngôi trường tại California, tôi hí hoáy ghi chép từng chiêu để dắt bộ chim đà điểu, hoặc làm sao để bọn chó sói chấp nhận mình như một thành viên của bầy đàn, nhưng trong lúc ấy tôi lại nghĩ rằng: "Không thể chờ đợi để áp dụng đống này với Scott".
Trong chuyến đi thực tế với các sinh viên, tôi lắng nghe nhà huấn luyện chuyên nghiệp thuyết giảng về cách mà anh ta dạy một con Sếu mào Châu Phi đậu lên đầu và vai mình. Anh ta thực hiện điều đó bằng cách dạy con chim đậu lên tấm thảm trải sàn. Thứ mà anh ta giải thích được gọi là "hành vi không tương thích", một ý tưởng đơn giản thôi nhưng lại quá đỗi tuyệt vời.
Thay vì dạy con sếu đậu lên người mình, người huấn luyện lại dạy nó hành vi khác, cái hành vi khiến cho dục vọng không thể kiềm chế của con sếu trở thành hư vô. Con chim không thể cùng một lúc đậu lên thảm và đầu của anh ta.
Ở nhà, tôi áp dụng phương pháp "hành vi không tương thích" này để khiến Scott không lượn lờ loăng quăng khi tôi đang nấu nướng. Để dụ anh ta tránh xa khỏi lò nướng, tôi vất cho Scott đám mùi tây và nhờ anh ta cắt hộ, hoặc "đày" anh ta ra góc bên kia bếp bào phô mai. Hay đơn giản, tôi rải mấy tô chất đầy đồ ăn vặt khắp phòng, thế là không còn tình trạng Scott đi rông làm phiền tôi nữa.
Tôi theo các sinh viên đến khu Thế giới nước San Diego, ở đây tôi được tiếp cận với một phương pháp huấn luyện mới. Khi một con cá heo làm điều gì sai, người huấn luyện sẽ bơ lác không thèm phản ứng bất cứ gì. Anh ta đứng yên trong một lúc, cố không ngó ngàng gì tới con cá heo và rồi lại quay về làm việc. Cốt lõi cho phương pháp này là về phản ứng của người đối diện, kể cả tích cực hay tiêu cực góp phần kiến tạo hành vi. Nếu như hành vi đó không kích thích được phản ứng nào, tự khắc nó sẽ tiêu biến.
Ở phía bản lề của tờ ghi chú, tôi viết nho nhỏ: "Thử áp dụng với Scott".
Tất cả chỉ là vấn đề thời gian trước khi Scott lại bắt đầu lồng lộn khắp căn nhà lùng sục chùm chìa khóa của hắn. Tới lúc ấy tôi sẽ im lặng và tiếp tục làm những gì mình đang làm. Phải mất khá nhiều nỗ lực tôi mới duy trì được sự bình tĩnh, thế nhưng kết quả lại đến khá nhanh và thực sự bất ngờ. Cơn thịnh nộ của Scott hạ xuống nhanh bất thường, tiêu biến bất ngờ như trận mưa hè, vội đến rồi lại vội ra đi. Đáng ra phải thưởng cho Scott một con cá thu mới phải.
Ở thời điểm hiện tại anh ta lại bắt đầu điên tiết. Tôi nghe tiếng Scott đập cửa ầm cái, sục sạo đống giấy tờ cất trong tủ phía ngoài sảnh và giậm thùm thụp bước lên lầu. Tôi thì vẫn yên vị nơi bồn rửa. Và rồi, khi đã điên đủ, mọi thứ lại trở về với im lặng. Một lát sau, Scott bước vào phòng bếp, với chùm chìa khóa trên tay, phì một câu nhẹ nhàng: "Tìm thấy rồi".
Không quay đầu lại, tôi nói với ra: "Tốt, gặp anh sau".
Thế rồi anh rảo bước thong dong với chú chó, hiện cũng đang rất bình thản của chúng tôi.
Sau 2 năm huấn luyện thú hoang, hôn nhân của tôi yên bình hơn rất nhiều, chồng tôi cũng trở nên đáng yêu hơn. Tôi từng bực tức với các lỗi lầm của anh theo chiều hướng cực kỳ cá nhân: đống quần áo vứt đầy trên sàn như một sự lăng mạ, một cách để anh phỉ vào mặt tôi rằng anh ta chả quan tâm đến tôi lắm. Nhưng khi nhìn nhận ông chồng mình như một con thú hoang, tôi biết cách nhìn nhận sự khác biệt giữa hai người một cách khách quan hơn.
Tôi được thừa hưởng tư tưởng của giới nuôi dạy thú: "Lỗi không bao giờ là của con vật". Khi nỗ lực huấn luyện của tôi không đem lại kết quả như ý muốn, tôi không trách Scott. Thay vào đó tôi vắt óc nghĩ ra các chiến thuật khác, áp dụng các phương pháp đã học theo một chiều hướng khác. Tôi mổ xẻ, phân tích chính hành vi của mình, cân nhắc xem có khi nào mình đã sơ suất tạo điều kiện cho hành vi sai của Scott. Tôi cũng biết cách chấp nhận rằng có một số hành vi đã thuộc về bản năng và không thể cải tạo nổi. Bạn không thể bắt một lửng ngưng đào bới, cùng như không thể khiến chồng tôi ngưng làm mất chìa khóa hay ví tiền.
Các chuyên gia nói rằng động vật có thể thấm nhuần được kỹ năng huấn luyện và đôi lúc còn áp dụng lại chính chiêu đó lên người huấn luyện. Con thú của tôi cũng thế. Khi các phương pháp huấn luyện phát huy tác dụng tuyệt vời, tôi không thể cưỡng lại việc nói với chồng mình cái mà tôi đang nhắm đến. Anh không cảm thấy bị xúc phạm, chỉ hơi kinh ngạc một tí. Khi tôi bắt đầu giải thích phương pháp mình đang theo đuổi và nguyên lý của nó, anh hiểu ngay lập tức, nhanh hơn tôi tưởng rất nhiều.
Mới mùa thu năm trước, khi tôi bắt đầu biết mình đã hơi có tuổi, tôi nhận ra mình phải đi niềng răng. Lắp khung thép vào mồm không chỉ là sự sỉ nhục vẻ bề ngoài mà còn là cực hình đau đớn. Trong nhiều tuần liền, cả lợi, cả răng, cả hàm rồi xoang mũi của tôi như trộn thành một đống lổn nhổn. Tôi liên mồm càu nhàu, to tiếng. Scott thì kiên nhẫn an ủi tôi rằng sớm thôi, tôi sẽ quen với cái khung sắt úp trong bộ phận tiếp nhận thực phẩm của mình. Nhưng mà không phải thế.
Một sáng nọ, tôi lại lên cơn lồng lộn về sự khó chịu mà mình đang phải chịu đựng, Scott ngồi đấy trân trân nhìn tôi. Anh chẳng nói chẳng rằng, chẳng thèm cảm nhận sự giận dữ đang bủa vậy, còn không thèm gật đầu một cái.
Tôi lại nhanh chóng hạ nhiệt và bắt đầu bỏ đi ra ngoài. Sau đó tôi nhận ra chuyện gì đang diễn ra, quay lại lên tiếng hỏi: "Này, anh đang huấn luyện em đấy à?".
Im lặng.
"Đúng rồi chứ gì".
Cuối cùng anh cũng mỉm cười, nhưng chính phương pháp im lặng của anh đã phát huy tác dụng. Anh đã bắt đầu công cuộc huấn luyện tôi, công cuộc huấn luyện một cô vợ Mỹ.
(Theo: Nytimes)