Đàn ông 30 tuổi vẫn chưa đủ tiền mua nhà, sắm xe là do quá kém cỏi? Đừng lo lắng, chỉ cần hiểu 5 câu chuyện này bạn sẽ hiểu ra chân lý
Đến tuổi 30, nhiều người bỗng hoảng hốt và lo sợ khi nhìn lại bản thân chưa có gì. Để tự trấn an bản thân, họ đành kiếm đại một niềm hy vọng mong manh nào đó như trò chơi giành chỗ. Chẳng cần biết chỗ đó có vừa vặn, thoải mái hay không, chỉ cần có một chỗ để bớt run sợ là tốt lắm rồi.
(01)
Chắc hẳn, mỗi người khi nghĩ về tương lai đều mơ ước rằng, đến năm 30 tuổi nếu chưa có một cơ ngơi vững chãi thì ít ra trong tài khoản ngân hàng cũng có một khoản kha khá.
Nhưng thực tế, khi đặt chân tới ngưỡng cửa tuổi 30, rất nhiều người ở trong tâm thế "hoảng loạn". Họ hoảng loạn đơn giản chỉ vì, số tuổi ngày càng tăng lên, trong khi số tiền trong tài khoản thì quanh quẩn mãi cũng chỉ có dăm ba đồng. Nhìn đi nhìn lại cái hiện tại chẳng đâu vào đâu này, họ chẳng thấy gì ngoài một tương lai mờ mịt đang chờ đón phía trước.
Có khoảng 206 triệu kết quả tìm kiếm cho cụm từ "tuổi 30" trên Google. Hẳn rằng, cũng có không ít người mang tâm trạng đầy lo lắng khi họ bước sang cái tuổi mà ai cũng giục cưới, giục mua nhà, giục mua xe,… nhưng trong tay lại chưa có gì.
Có một vài kết quả cho thấy, khi tuổi 30 ai cũng thực tế hơn rất nhiều. Không còn những câu hỏi "làm sao khi chênh vênh" hay "làm gì để hết buồn."
Thay vào đó, hàng loạt những bài viết được tìm đọc liên quan đến các chủ đề về "Nên gửi về nhà bao nhiêu tiền khi ở tuổi 30?", "Tuổi 30 chưa kết hôn có phải đã ế?", "30 tuổi nhưng bạn trai tôi vẫn chưa có sự nghiệp ổn định, tôi có nên tiếp tục mối quan hệ này không?"…
Trong một cuộc khảo sát nhỏ, những người ở thế hệ 9X đầu đời cho biết, nếu 30 tuổi họ vẫn chưa gặt hái được chút thành tích nào thì thực sự cảm thấy bản thân quá vô dụng.
Người lớn chẳng ai muốn vội trưởng thành. Nhưng thực tế thì phũ phàng. Bạn có 10 năm tuổi trẻ trước khi bước vào mốc 30 để cố gắng hết sức, nỗ lực hết mình kiếm tiền, sống có chút thành tích gì đó. Đến "tuổi ba mươi", những gì ta làm, ta cố gắng sẽ là chiếc gương để phản chiếu lại.
Có người, đến 30 tuổi đã có khoản tiền kha khá, đã lo được phần nào cho ba mẹ, vợ con cũng ổn cả. Cũng có người mới bắt đầu dư dả được chút ít. Nhưng lại cũng có bộ phận khi soi lại tấm gương ấy, chỉ thấy trong gương một tấm hình già nua hơn, trong tay vẫn chưa có gì, họ sợ và xấu hổ với bản thân, với ba mẹ và sự dòm ngó của xã hội.
(02)
Xã hội hiện nay không thiếu những người phụ nữ bản lĩnh, tự tin và thành công. Thậm chí, có những người thành công còn vang dội hơn cả đấng nam nhi.
Nhưng bước sang tuổi 30, có một điều duy nhất có thế đánh bại họ chính là hôn nhân.
Bạn tôi vốn là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, công việc cũng ổn định đúng kiểu "con nhà người ta". Ngấp nghé tuổi 30, cô vẫn sáng đi chiều về một mình mà chẳng mảy may đến những chàng trai xung quanh. Công bằng mà nói, với một cô gái như vậy, tôi cũng thấy cô nói đúng khi thốt lên rằng "Tớ vẫn còn trẻ, tiền kiếm ra cũng cần thời gian để hưởng thụ, chuyện chồng con cứ để từ từ."
Nhưng rồi, rong chơi mãi thì cũng phải dừng lại. Khi cắm cây nến thứ 32, cô bỗng nhận ra rằng mình không còn trẻ nữa để nay đây mai đó hoài.
Cô nhìn lại những người trước kia từng theo đuổi thì người ta cũng yên bề gia thất. Lúc này, cô hốt hoảng thực sự. Hốt hoảng vì sợ sau này sẽ thành một cô gái già nua, không ai ngó tới và bị xã hội gắn cho cái mác "gái ế’.
Cô mau chóng tìm mối này mối kia để xem mặt, chỉ sợ không gặp được ai vừa ý. Thực tế rằng, khi 30 tuổi, chẳng cần ai thúc giục phải lấy chồng, sinh con, tuổi tác tự biết cách để biến phụ nữ thành những người vội vã.
Hơn thế nữa, khi đã quá tuổi cập kê, khi mà mọi mối xem mặt đều không ưng ý thì những yêu cầu về nửa kia cũng phải hạ xuống quá mức. Trước đây, cô bạn nói với tôi rằng cô sẽ tìm một người lương cũng vài chục triệu một tháng, công việc ổn định, phong độ thần thái. Nhưng bây giờ, chỉ cần một người đàn ông có mức lương vừa đủ, công việc ổn định là có thể kết hôn được rồi.
Tôi tự hỏi, trên thế giới này, có biết bao người phụ nữ giống bạn tôi. Liệu rằng, những cuộc hôn nhân quá chóng vánh như vậy có giữ được hạnh phúc về sau?
Tôi nhớ trong một bài phát biểu từng đọc được, có một cô gái đã đề cập đến vấn đề này. Rằng có rất nhiều người tưng tửng như bạn tôi và khi ngẩng mặt lên nhìn lại thấy mình đã 30 tuổi thì mau chóng chọn đại một chỗ để "giữ phần chống ế". Mặc dù không biết rằng, phần mình giữ được có thoải mái hay không, có phù hợp với mình hay không, có chật chội hay không, miễn là đến tuổi 30 phải có được một phần cho đúng trình tự.
Phụ nữ mải mê kiếm tiền, đến tuổi 30 họ vội vàng ngoảnh mặt lại thì thấy chưa có mối tình vắt vai. Họ chọn cách đi theo lối mòn là xem mắt. Đường tắt này tuy nhanh nhưng bao nhiêu người được hạnh phúc về sau?
(03)
Áp lực của tuổi 30 về sự nghiệp, thành tích khiến nhiều người đàn ông rơi vào khủng hoảng. Những người chưa kịp thành công thậm chí còn không dám gặp mặt bạn bè.
Những thành tích của bạn bè đồng trang lứa qua những câu chuyện kể khiến những áp lực này ngày một lớn thêm. Đôi khi còn khiến người đàn ông đi chệch hướng.
Có một độc giả đã từng tâm sự với tôi thế này: Anh nợ xã hội đen với khoản vay nặng lãi 500 triệu khi ở tuổi 35. Anh đã gom tất cả tài sản của mình để chơi bài bạc với mong muốn đổi đời trong một đêm. Kết cục, anh tay trắng, xung quanh cũng chẳng còn bạn bè nào giữ mối quan hệ với anh nữa.
Trước đây, anh là một người làm công ăn lương bình thường. Trong cuộc chuyện phiếm với người bạn, anh nhớ mãi một câu "Hai mấy tuổi đầu chưa có gì trong tay thì chẳng sao, nhưng đến 30 tuổi mà không có nổi ba bốn trăm triệu trong tài khoản thì quá kém."
Năm 22 tuổi ra trường anh bắt đầu đi làm, lương sinh viên vỏn vẹn chỉ 5 triệu đồng. Đến năm 25 tuổi, lương tăng được 8 triệu. Đến 28 tuổi, trừ chi phí cá nhân, anh tiết kiệm được chưa tới 8 triệu một tháng.
Dù anh có nhịn ăn nhin mặc thì 1-2 năm nữa cũng không thể nào kiếm đủ số tiền còn lại. Liều mình, anh điên cuồng đốt tiền vào sòng bạc khiến những nỗ lực trước kia mất sạch lại còn gắn thêm mác đỏ đen. Chỉ vì vài phút suy nghĩ sai hướng, anh đã mất đi cơ hội tiết kiệm được số tiền lớn hơn trong vài năm tới.
Nếu không rõ khả năng của mình ở đâu, bản thân cần nhất điều gì thì chỉ cần vài câu nói của dư luận sẽ khiến chúng ta gục ngã hoặc lầm đường lạc bước. Bạn không phải là bất kì ai và cũng không ai hiểu rõ hoàn cảnh của bạn hơn chính bản thân. Đề ra mục tiêu quá cao so với sức mình chỉ khiến bản thân thêm áp lực mà kết quả thu về lại khiến ta thêm phần thất vọng.
(04)
Hầu hết, chúng ta được giáo dục theo cách mà đã được lập trình sẵn. 18 tuổi lên đại học, 22 tuổi ra trường, đi làm hoặc học cao học, 25 tuổi lấy chồng, sinh con, 30 tuổi gia đình ổn định,… Trong mỗi bước đi này đều có sự cổ vũ từ gia đình, sự hy sinh thầm lặng của ba mẹ.
Lúc còn là một đứa trẻ, điều gì cũng vô cùng mới mẻ và muốn tìm hiểu. Nhưng càng lớn, nhìn đâu cũng thấy những quy tắc giáo điều khiến trí tưởng tượng, sự sáng tạo dần bị thu hẹp lại. Các bạn trẻ tuổi đôi mươi không ít lần chùn chân trước sóng gió cuộc đời. Vài năm sau, nhìn lại vẫn chưa có thành tựu gì đáng kể, đôi khi họ lại buồn tủi và lắc đầu ngán ngẩm.
Nhưng, tiền bạc chưa có thì có thể làm ra. Quyền lực chưa có thì có thể gây dựng. Có điều, dù thế nào cũng phải sống với một thái độ chân thành, ham học hỏi và nỗ lực hết sức vì cuộc đời.
(05)
Nỗi lo về tiền bạc song song với nỗi lo về tuổi tác khi người ta bước đến tuổi 30.
Tuy nhiên, lại có một nghịch lý rằng, hầu hết những người quan tâm quá nhiều đến tuổi tác lại là những người có sự nghiệp không mấy thành công. Những người miệt mài trên con đường làm giàu, thực chất chỉ quan tâm đến kế hoạch đã vạch ra và nỗ lực thực hiện cho đúng kế hoạch đó dù thời gian có trôi đi.
Một ví dụ điển hình về ông Vương Đức Thuận - diễn viên kịch với hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề. Nhà không có điều kiện nên ông phải bươn chải từ nhỏ và cũng chưa bao giờ học qua trường lớp diễn viên nào. Sáng đi làm, tối ông tranh thủ học được lớp bổ túc văn hóa.
Đến năm ông 24 tuổi, ông bén duyên với nghệ thuật trong vai trò diễn viên kịch nói. Cứ thế đến năm 50 tuổi, ông vẫn miệt mài tới Bắc Kinh để nghiên cứu kịch câm và rèn luyện sức khỏe.
Vì đam mê của ông lớn hơn nỗi sợ hãi về tuổi tác nên chẳng bao lâu, ông đã góp công lớn trong việc truyền bá kịch câm Trung Quốc ra thế giới. Cũng vì luyện tập thể hình, chăm lo đến sức khỏe mà ông còn được biết đến với danh xưng "Nam thần tuổi 83".
Hay cũng một trường hợp khác là bà cụ 84 tuổi có ước mơ cùng con trai phượt Tứ Xuyên - Trung Quốc. Dù tuổi cao và gặp phải rất nhiều sự ngăn cản từ người thân, hàng xóm nhưng bà vẫn quyết tâm cùng con trai Tống Kiện Huy lên đường. Tổng cộng hai mẹ con đã đi được hơn 5000 cây số.
Tuổi 30, tuy là đem đến rất nhiều áp lực nhưng hầu hết mọi áp lực đều do ta tự hình dung và bị chi phối bởi những người xung quanh. Khởi điểm của mỗi người không giống nhau. Có người sinh ra đã luôn may mắn gặp cơ hội tốt. Có người thì gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác. Nhưng chung quy lại cũng là do sự kiên trì mà thành bại. Đừng để tuổi 30 cản lối con đường dẫn đến thành công. Dù ở tuổi nào, chỉ cần không từ bỏ ước mơ làm giàu, bạn vẫn có cơ hội để bước đến nấc thang danh vọng.