Dân buôn hàng Trung Quốc hoảng hốt vì Taobao.com bất ngờ không thể truy cập được ở Việt Nam

07/12/2017 11:47 AM | Công nghệ

Họ lo ngại, nếu tình trạng này diễn ra lâu dài, công việc kinh doanh trên Taobao.com sẽ bị ảnh hưởng.

Từ sáng nay (7/12), mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều bài đăng, bình luận của người dùng liên quan đến hiện tượng không thể truy cập vào trang TMĐT Taobao.com từ máy tính, điện thoại tại Việt Nam.

Qua kiểm chứng của PV, địa chỉ world.taobao.com đúng là không thể kết nối được. Các trình duyệt thông dụng như Chrome, Firefox hay Edge đều trả về một phản hồi chung là: Không thể truy cập trang web này.

Theo một số chuyên gia, có vẻ như world.taobao.com đang từ chối các kết nối có IP xuất phát từ Việt Nam. Trong khi đó, nếu sử dụng IP quốc tế, hoặc các công cụ chuyển đổi IP thì vẫn truy cập được bình thường.

Hiện tại, vẫn chưa rõ nguyên nhân Taobao không cho phép các IP Việt Nam truy cập. Tính cho đến thời điểm hiện tại (11h30 phút), world.taobao.com vẫn chưa thể truy cập được.

Một số ý kiến cho rằng, rất có thể Taobao đang ngắt truy cập, để bảo trì hệ thống trước thời điểm ngày sale 12.12 quan trọng trong năm. Và nhiều khả năng Việt Nam hiện nằm trong diện cần được bảo trì.

Còn về phía các cá nhân, hộ kinh doanh Việt Nam chuyên nhập xuất hàng Trung Quốc, việc world.taobao.com bất ngờ ngắt kết nối là một tín hiệu xấu. Họ lo ngại, nếu tình trạng này diễn ra lâu dài, công việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Do lâu nay, hình thức đặt, nhập hành thông qua Taobao đang rất thịnh hành, và là nguồn thu chính của nhiều cá nhân, tổ chức.


Giao diện mua hàng Taobao

Giao diện mua hàng Taobao

Về Taobao, trang TMĐT này được Alibaba thành tập năm 2003. Taobao (theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là "tìm kiếm kho báu") là một trong những hệ thống website thương mại điện tử hàng đầu tại Trung Quốc và hoạt động với mô hình tương tự eBay và Amazon.

Giống như eBay, Taobao không tự bán bất cứ thứ gì, đơn giản nó chỉ là sân chơi cho những người mua và những người bán dưới hình C2C (kết nối người tiêu dùng với nhau) và B2C (kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng). Từ khi mới ra đời, website này cho phép người bán hàng có thể đăng tải thông tin bán hàng trực tuyến hoàn toàn miễn phí, chính nhờ vậy nó thu hút một số lượng người dùng khổng lồ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Đây chính là sân chơi chung cho mọi doanh nghiệp và cá nhân nhằm phục vụ và cung cấp mọi mặt hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc, HongKong, Ma Cao và Đài Loan.

Cả người bán và người mua đều được hưởng những tiện ích khá hữu hiệu từ những công cụ trên Taobao như: công cụ Aliwangwang giúp người bán và người mua hàng trên Taobao liên hệ với nhau, công cụ Alipay hỗ trợ việc thanh toán, giúp việc chi trả giữa người mua và người bán diễn ra đơn giản, dễ dàng hơn...

Chỉ trong vòng 2 năm sau đó, Taobao đã chiếm lĩnh vị trí hàng đầu đại lục với 59% thị phần thị trường thương mại điện tử và đẩy eBay xuống rất thấp, chính vì lý do này mà sau đó website riêng của eBay tại Trung Quốc đã phải đóng cửa vào năm 2006.

Tháng 11/2011, Jack Ma CEO và chủ tịch HĐQT của Alibaba đã quyết định chia Taobao thành 3 công ty nhỏ là eTao.com (chuyên tìm kiếm), Tmall (B2C) và Taobao.com (C2C).

Càng về sau việc mua bán trên Taobao đã diễn ra càng thuận lợi hơn và mở rộng ra toàn cầu nhờ việc khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ Visa quốc tế và thẻ MasterCard thay vì chỉ có thể chuyển tiền để thanh toán đơn hàng Taobao qua các ngân hàng trong nước được hỗ trợ bởi Alipay như trước đây.

Sau 7 năm thành lập và phát triển, đến năm 2013 Taobao đã cán mốc 500 triệu người dùng và ghi tên mình trong danh sách 20 trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới, thậm chí còn vượt mặt cả hai "ông lớn" là eBay và Amazon.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM