Đám tang kích nổ quả bom virus corona, đây là cách Covid-19 tàn phá những cộng đồng ở Mỹ

31/03/2020 15:30 PM | Xã hội

Vài ngày sau khi đám đông đến dự một đám tang ở Albany, bang Georgia, Mỹ, quả bom virus bùng lên và tán phá cuộc sống của 90.000 người.

Đó là một đám tang theo kiểu truyền thống ở miền nam nước Mỹ, tang lễ của Andrew Jerome Mitchell, một người bảo vệ đã về hưu. Ông ấy có 9 anh chị em. Trong đám tang, họ ôn lại kỷ niệm rồi tiếp tục tranh luận xem vì sao Mitchell, người anh em quá cố của họ, lại có biệt danh Doorface.

Mọi người lau nước mắt, ôm lấy nhau trong tiếng sụt sịt. Họ cười, họ nhắc lại những kỷ niệm về người quá cố. Đây là một lễ tang lớn với 200 người tham gia. Nhà nguyện chật đến mức nhiều người phải đứng ở ngoài. Đó là những gì đọng lại trong tâm lý của Dorothy Johnson trong tang lễ anh trai bà hồi tháng trước. Đến bây giờ, Johnson vẫn chưa thể biết ai mang virus đến lễ tang.

"Chúng tôi không biết đó là ai. Mong ai đó giúp tôi biết được điều ấy", bà Johnson nói.

Quả bom Covid-19 quét qua cộng đồng

Vài tuần sau đám tang, căn bệnh liên quan tới virus corona xé toạc quê hương của bà. Với khoảng 20 người thân bị bệnh, trong đó có 6 anh chị em, bà Johnson được đưa vào cách ly. Sau khi vượt qua chuỗi thời gian đó, người phụ nữ này tiếp tục nhận tin giữ khi biết con gái Tonya của mình đang nguy kịch vì Covid-19. Đó là lúc bà như chết lặng.

Giống như hội nghị ở Biogen, bang Boston hay bữa tiệc sinh nhật lần thứ 40 tuổi của ai đó ở Westport, bang Connecticut, đám ma của ông Andrew Jerome Mitchell hôm 29/2 được ghi nhận như một sự kiện siêu lây nhiễm theo cách gọi của các nhà dịch tễ học, nơi mà số ít người mang virus có thể lây nhiễm cho nhiều người.

 Đám tang kích nổ quả bom virus corona, đây là cách Covid-19 tàn phá những cộng đồng ở Mỹ  - Ảnh 1.

Hiện tại, quận nông thôn ở tây nam Georgia, cách thành phố gần nhất gần 70 km, là ổ dịch Covid-19 lớn bậc nhất ở nước Mỹ. Với dân số 90.000 người, hạt Dougherty đã ghi nhận 24 trường hợp tử vong vì Covid-19, nhiều hơn bất cứ cộng đồng cùng cấp nào khác trong bang. Ngoài ra, còn 6 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. 90% số ca tử vong là người gốc Phi, một quan chức địa phương cho biết.

Bệnh viện trong khu vực đang lâm vào tình trạng quá tải với những người bị bệnh và những người sắp chết. Nơi đây đã có 600 trường hợp dương tính. Tuần trước, Thống đốc bang Brian Kemp đã phải cử lực lượng Vệ binh Quốc gia tới hỗ trợ chống dịch ở hạt này, nơi mà các y tá và bác sĩ gần như đã kiệt sức.

Mọi thứ diễn ra với tốc độ kinh hoàng. Ngày 10/3, địa phương này ghi nhận ca dương tính với Covid-19 đầu tiên. Sau vài ngày tưởng chừng như yên tĩnh, một quả bom dịch bệnh đã nổ ra và tàn phá cộng đồng này. Mỗi ngày sau đó, người ta đều ghi nhận những trường hợp nguy kịch vì dịch bệnh.

Lượng trang thiết bị cơ quan y tế địa phương chuẩn bị cho 6 tháng đã nhanh chóng cạn kiệt. Cụ thể, nó chỉ đủ dùng trong 7 ngày khi dịch bệnh bùng lên. Ban đầu, đội ngũ y tế tiếp nhận những ca bệnh bao gồm những người có tình trạng tương đối tốt, chỉ ho và sốt. Tuy nhiên, sau đó, hiện tượng suy hô hấp xảy ra. Phổi của họ đầy dịch.

"Tất cả các bệnh viện đều chật kín người. Đó là những ngày mà chúng tôi phải đặt nội khí quản cho 5 người liên tiếp một lượt, hết phòng này đến phòng khác. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời bác sĩ của mình tôi cảm thấy thực sự choán ngợp", Enrique Lopez, 41 tuổi, bác sĩ chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo ở hạt Dougherty, kể lại.

Tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng tới mức những nhân viên y tế đã dương tính nhưng chưa có biểu hiện bệnh lý vẫn được yêu cầu cấp cứu các bệnh nhân. Tuy nhiên, điều này đã được thay đổi vào tuần trước, khi nhà chức trách yêu cầu cách ly 1 tuần đối với những nhân viên y tế dương tính. Điều này khiến tình hình càng tồi tệ hơn.

Bác sĩ Lopez đã 2 tuần không được gặp vợ con. Nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, ông ngủ trong xe tải. Đồ ăn được vợ mang tới nhưng họ hạn chế tới mức tối thiểu nguy cơ tiếp xúc.

Trong khi đó, những người mắc bệnh phải cầu xin sự giúp đỡ từ đội ngũ y tế, vốn đã hoạt động với cường độ cực đại trong suốt nhiều ngày. Thiếu thốn trang thiết bị, nhiều bệnh nhân đã không nhận được sự hỗ trợ y tế. Điều này khiến nhiều gia đình phải vật lộn để chăm sóc người bệnh tại nhà. Cùng với đó là cảm giác hoảng loạn xuất hiện.

Trong vòng xoáy bệnh tật, những đám tang ở Dougherty giờ chỉ có dưới 10 người tham gia theo quy định của nhà chức trách. Ở nơi đây, mọi chủ đề đều chỉ xoay quanh bệnh tật. Các hoạt động kinh doanh gần như đã bị đóng băng hoàn toàn. Người ta chẳng còn thời gian để suy nghĩ xem cuộc sống mình sẽ ra sao khi dịch bệnh qua đi.

Nước Mỹ trả giá như thế nào cho đại dịch?

Mỹ hiện đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với gần 164.000 người nhiễm bệnh và 3.148 trường hợp tử vong. Nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus cũng đồng nghĩa với việc đóng băng cả nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chứng khoán Mỹ đã giảm ¼ so với đỉnh hồi tháng 2, thổi bay kết quả của 3 năm tăng trưởng.

Tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đạt 3,28 triệu, con số cao nhất từng được ghi nhận. Tình trạng thất nghiệp ở Mỹ đang tăng nhanh và mạnh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rơi vào suy thoái.

Để hiểu tác động của Covid-19 với nền kinh tế, cần xem xét ảnh hưởng của nó với các ngành công nghiệp khác nhau. Tiêu dùng tạo ra 70% GDP của Mỹ nhưng nó đang gặp vấn đề nghiêm trọng khi các doanh nghiệp đóng cửa và các gia đình tích trữ đồ để chống dịch. Những lo sợ về tài chính và công việc của người dân khiến lĩnh vực này càng chịu thiệt hại.

 Đám tang kích nổ quả bom virus corona, đây là cách Covid-19 tàn phá những cộng đồng ở Mỹ  - Ảnh 2.

Đầu tư chiếm 20% GDP của Mỹ nhưng các doanh nghiệp đang ngừng đầu tư vì họ còn chưa thể xác định thiệt hại do Covid-19 gây ra với hoạt động kinh doanh của mình. Nghệ thuật, giải trí và nhà hàng chiếm 4,2% GDP của Mỹ nhưng hiện nay, chúng cũng lâm vào tình trạng đình trệ hoàn toàn vì đại dịch bùng phát.

Sản xuất chiếm 11% GDP của Mỹ nhưng phần lớn trong số này cũng sẽ bị gián đoạn. Dịch bệnh bùng lên ở Trung Quốc khiến một phần chuỗi cung ứng toàn cầu bị thiệt hại. Khi lan sang châu Âu và Mỹ, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Khi cả nguồn cung và nhu cầu đều sụt giảm, sản xuất sẽ gần như bị đóng băng.

Khi các doanh nghiệp đóng cửa để ngăn thiệt hại, tình trạng sa thải xảy ra. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ đặc biệt gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động khi thu nhập của họ sụt giảm. Các nước như Đức đang tiến hành nhiều động thái nhằm ngăn chặn sự sa thải hàng loạt và Mỹ cũng đang làm như vậy.

Quốc hội Mỹ vừa thông qua gói kích thích khổng lồ trị giá 2.000 tỷ USD, trong đó một phần được cung cấp để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp và phát tiền mặt cho những người thu nhập thấp và trung bình của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng số tiền này vẫn chưa đủ.

Hiện tại, câu hỏi được nhiều người chú ý là khi nào kinh tế Mỹ sẽ phục hồi. Câu trả lời nằm ở việc khi nào dịch bệnh lây lan chậm lại và các doanh nghiệp có thể tái hoạt động. Tổng thống Trump từng gợi ý rằng ông sẽ nới lỏng các lệnh hạn chế vào trung tuần tháng tư nhưng tình hình dịch bệnh lây lan đã buộc ông chủ Nhà Trắng phải thay đổi kế hoạch.

Tuy nhiên, doanh nghiệp càng đóng cửa lâu thì sẽ càng có nhiều người bị sa thải và hậu quả của khủng hoảng sẽ càng cao. Cùng với đó, thất nghiệp sẽ tăng lên, tiêu dùng giảm sút và khả năng phục hồi ngay lập tức sau khi đại dịch quét qua cũng thấp đi.

 Đám tang kích nổ quả bom virus corona, đây là cách Covid-19 tàn phá những cộng đồng ở Mỹ  - Ảnh 3.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM