Đam mê là yếu tố quan trọng đưa startup đến thành công

30/01/2017 10:11 AM | Công nghệ

Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley Thạch Lê Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư quyết định đầu tư mạo hiểm vào startup không phải là ý tưởng hay sản phẩm, dịch vụ mà chính là con người, những người khởi nghiệp có đam mê và biết cách làm.

“Thời cơ vàng” cho khởi nghiệp IoT

Năm 2016 vừa qua được Thủ tướng Chính phủ chọn là năm quốc gia khởi nghiệp. Tại Hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp hồi cuối tháng 4/2016, cùng với việc nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, Thủ tướng cũng khuyến khích khởi nghiệp để Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp sáng tạo giữ vai trò quan trọng.

Đặc biệt, ngày 18/5/2016, tại Quyết định 844, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) quốc gia đến 2025” ( Đề án 844 ) đã được phê duyệt, hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và mở rộng cơ hội để doanh nghiệp KNĐMST Việt Nam hội nhập với khu vực, quốc tế. Quyết định 844 đã ghi dấu lần đầu tiên Việt Nam có một Đề án quốc gia về KNĐMST.

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện Techfest 2016, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Trưởng Ban điều hành Đề án 844 chia sẻ: “Là người đang theo dõi quản lý về hoạt động khởi nghiệp, tôi cho rằng hiện đang là thời điểm rất thuận lợi cho phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua các chỉ đạo của Đảng, văn bản của Chính phủ, Nhà nước và các Bộ, ngành đều nói về khởi nghiệp… Bên cạnh đó, trong tâm lý của xã hội hiện nay mọi người nói đến khởi nghiệp rất nhiều, các cơ quan truyền thông cũng đề cập nhiều về khởi nghiệp”.

Với riêng lĩnh vực IoT, các chuyên gia về khởi nghiệp và công nghệ đều có chung nhận định hiện đang là thời điểm thuận lợi cho các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT. TGĐ Công ty công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho rằng: “Kết hợp sự bùng nổ của làn sóng khởi nghiệp và “cơ hội vàng” từ làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với IoT là cơ hội tuyệt vời để tạo ra các khởi nghiệp thành công, đồng thời đóng góp vào giai đoạn mới của ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam”.

Có cùng quan điểm với ông Trung, bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam” (Vietnam Silicon Valley - VSV) do Bộ KH&CN khởi xướng và bảo trợ cho biết: đứng vai trò là một nhà đầu tư, VSV cũng đã nhìn thấy cơ hội để đầu tư vào những doanh nghiệp startup về IoT, đặc biệt là IoT cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo bà Lê Anh, tại thung lũng Silicon (Mỹ), từ năm 2013 - 2015, tỷ lệ đầu tư cho startup IoT đã tăng gần gấp đôi. Riêng với IoT trong nông nghiệp, cũng tại Silicon Valley, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup IoT nông nghiệp trong năm 2014 là 2,36 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư cho startup công nghệ. “Số liệu thống kê này cho thấy khởi nghiệp IoT trong nông nghiệp đang thu hút được sự quan tâm của nhiều người, là một xu hướng của thế giới”, bà Lê Anh nói.

Con người là yếu tố quan trọng nhất

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ KH&CN cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, phong trào khởi nghiệp cũng như khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là việc làm sao để các startup “hiểu và biết” khởi nghiệp đúng nhất.

“Ngoài việc có tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp nhất thiết phải có kiến thức về khởi nghiệp. Trong quá trình học tập tại các trường đại học, các kiến thức về kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, về hoạt động quản lý thị trường và tiền tệ nhiều khi không được dạy một các đầy đủ… Ví dụ, các trường về khoa học dạy các kiến thức về chuyên môn nhưng không dạy cho sinh viên những kiến thức về pháp lý, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và làm thế nào để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường”, ông Tùng nói.

Theo bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley, các startup công nghệ Việt Nam tuy có nền tảng kỹ thuật tốt nhưng còn thiếu và yếu về kiến thức kinh doanh. (Ảnh minh họa. Nguồn: siliconvalley.com.vn)
Theo bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Vietnam Silicon Valley, các startup công nghệ Việt Nam tuy có nền tảng kỹ thuật tốt nhưng còn thiếu và yếu về kiến thức kinh doanh. (Ảnh minh họa. Nguồn: siliconvalley.com.vn)

Từ thực tế triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện, đầu tư vốn mồi, tổ chức những sự kiện hỗ trợ các startup công nghệ Việt kết nối với khách hàng và nhà đầu tư tiềm năng… trong khuôn khổ Đề án VSV, bà Lê Anh cũng cho rằng các startup công nghệ Việt Nam tuy có nền tảng kỹ thuật tốt nhưng lại không có kiến thức về kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn trên, giải pháp được VSV đưa ra là các startup nhận được sự hỗ trợ, đầu tư của Đề án phải tham gia chương trình đào tạo khởi nghiệp của VSV với các học phần về: quản lý công nghệ và đổi mới; phát triển trước khi có doanh thu; chiến lược marketing; quản lý rủi ro; phát triển khởi đầu; các kỹ năng đàm phán chiến lược; tìm kiếm người cộng tác; cách thức ra những quyết định hiệu quả cho người làm chủ doanh nghiệp; giới thiệu, trình bày kế hoạch/dự án kinh doanh…

Một hạn chế nữa của startup IoT Việt, theo đánh giá của bà Lê Anh, chính là sự thiếu hụt cơ sở nghiên cứu nhu cầu thực tiễn: “Tham gia chấm một vài cuộc thi khởi nghiệp IoT, xem xét các ý tưởng, dự án khởi nghiệp dưới góc nhìn một nhà đầu tư, chưa bao giờ các bạn trẻ khởi nghiệp trình bày được với chúng tôi vấn đề của thực tế mà các bạn muốn giải quyết. Để tránh rủi ro khi khởi nghiệp, các bạn trẻ cần đi thực tế nhiều hơn, nghiên cứu thị trường kỹ hơn để có thể xác định xem ý tưởng, sản phẩm mình làm có giải quyết được một “nỗi đau” của thị trường không? Nếu không phải thì dù sản phẩm, dịch vụ có tốt cũng không ai quan tâm, không ai cần”.

Đáng chú ý, từ kinh nghiệm đầu tư vào khoảng 40 startup công nghệ với tỷ lệ gọi vốn thành công là 35%, bà Lê Anh nhấn mạnh: “Nguyên tắc của đầu tư mạo hiểm chính là đầu tư vào con người. Do đó khi quyết định đầu tư vào một startup, đầu tiên chúng tôi nhìn vào con người chứ không phải vào sản phẩm, dịch vụ. Tôi cho rằng, không phải ý tưởng là cái quan trọng nhất mà yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Nếu chúng ta chọn được người khởi nghiệp có đam mê, quyết tâm và biết cách làm thì dù có thất bại ở ý tưởng, sản phẩm này, họ cũng có thể thành công với sản phẩm khác”.

Lấy dẫn chứng từ trường hợp của nhóm 5 bạn trẻ làm nền tảng online về tìm kiếm địa điểm đồ ăn uống tiện lợi Lozi.vn, một trong những startup thành công từ hỗ trợ ban đầu của Đề án VSV, bà Lê Anh cho biết: trong sự kiện Demo Day đầu tiên của VSV năm 2014, nhóm Lozi khi đó còn rất thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách thuyết phục nhà đầu tư và ý tưởng của nhóm cũng không thật xuất sắc; tuy nhiên các thành viên của startup này rất quyết tâm làm, đã truyền được đam mê của mình cho những người khác.

“Đây chính là lý do VSV quyết định hỗ trợ Lozi tiếp cận với thị trường theo một cách khác với Foody. Đến nay, Lozi đã là mạng xã hội về ẩm thực và mua bán đồ thời trang và điện tử. Sau 4 tháng được VSV chọn hỗ trợ, Lozi đã được đầu tư 2 triệu USD, tiếp đó là nhận đầu tư của nhà đầu tư Singapore và đến giờ sau khoảng 2 năm phát triển Lozi đã được định giá khoảng 5 triệu USD”, bà Lê Anh cho biết.

Giai đoạn 2012 - 2016 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về cả số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo, 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Các mô hình này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam.

Theo Minh Tú

Cùng chuyên mục
XEM