Đại gia chây nợ bị tịch thu tài sản: Hết thời ôm tiền tấn bỏ trốn
Hàng loạt các vụ việc chây ì trăm, ngàn tỷ tồn tại nhiều năm qua đang bắt đầu được giải quyết. Đã hết thời đại gia ôm tiền vay nợ, chây ì hay bỏ trốn ra nước ngoài mà vẫn sung sướng, để lại gánh nợ và tù tội cho người khác.
Thu nợ ngàn tỷ
Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa tiến hành thu giữ tòa nhà cao thứ 3 Sài Gòn - Sài Gòn One Tower (tên cũ là Sài Gòn M&C Tower) tại trung tâm quận 1, TP.HCM để xử lý khoản nợ 7 ngàn tỷ đồng của nhóm khách CTCP Sài Gòn One Tower.
Đây có thể là vụ thu nợ lớn nhất sau khi Nghị quyết về xử lý nợ được Quốc hội thông qua và vừa có hiệu lực.
Việc thu giữ tài sản được thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng ; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện Nghị quyết số 42.
Danh mục tài sản đảm bảo sẽ thực hiện thu giữ bao gồm quyền sở hữu và quyền khai thác kinh doanh toàn bộ công trình xây dựng tầng hầm; khu trung tâm thương mại; khu văn phòng cho thuê và các công trình phụ. Cùng với đó là quyền sở hữu gần 15 ngàn mét vuông diện tích khai thác kinh doanh thực tế của khu căn hộ cao cấp thuộc dự án.
Trước đó, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ các tổ chức tín dụng đối với khoản nợ của nhóm khách hàng bao gồm: CTCP Sài Gòn One Tower (trước đây là CTCP Địa Ốc Sài Gòn M&C); CTCP Đầu tư Liên Phát; CTCP TVĐT và XD Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck M&C, với tổng dư nợ (gốc và lãi) đến nay đã lên trên 7 ngàn tỷ đồng.
VAMC cũng đã có yêu cầu CTCP Sài Gòn One Tower bàn giao tài sản bảo đảm trước ngày 5/5, để xử lý nợ, nhưng công ty chưa thực hiện.
Thông tin từ CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) cũng vừa cho biết tập đoàn này đăng ký bán ra 32 triệu cổ phiếu OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay mà OGC 2 năm không trả được cho Ngân hàng Quốc dân (NCB).
OGC có khoản vay NCB trị giá 445 tỷ đồng đã quá hạn từ tháng 6/2015, thuộc khoản vay đã được xếp vào nhóm 5, có khả năng mất vốn. Đây là khoản vay được bảo đảm bởi 32 triệu cổ phiếu OCH và 2,5 triệu cổ phiếu OceanBank.
Thời điểm cho vay, cổ phiếu OCH có giá khoảng 25 ngàn đồng/cp. Nhưng hiện giá cổ phiếu OCH đang được giao dịch tại mức dưới 9 ngàn đồng/cp. Còn cổ phiếu OceanBank đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng từ năm 2015.
Sau biến cố hồi cuối 2015, khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT của cả OGC và OCH vướng vòng lao lý, giá cổ phiếu OCH lao dốc giảm sâu và thanh khoản thấp. Việc bán OCH thu nợ có lẽ sẽ cũng không dễ dàng.
Hết thời đại gia chây ì
Trong vài năm qua, hoạt động thu nợ của các ngân hàng vẫn được rốt ráo tiến hành sau khi hệ thống ngân hàng thực hiện tái cơ cấu lần thứ nhất bắt đầu từ 2011. Tuy nhiên, tổng khối nợ ở các ngân hàng quá lớn và nhiều khoản phức tạp, không dễ xử lý.
Trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, khá nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh xử lý nợ xấu và cũng đã thu được những kết quả ban đầu. Nhiều đại gia đã buộc phải thực thi nghĩa vụ trả nợ của mình.
Gần đây, giới đầu tư đã chứng kiến trường hợp Quốc Cường Gia Lai (QCG) của nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) phải tạm ứng tiền bán tài sản ngàn tỷ để thanh toán khoản nợ ngân hàng BIDV vào thời điểm cuối tháng 3.
Hai doanh nghiệp của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức): Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và HAGL Agrico (HNG) cũng đã bán nhiều tài sản trong đó có mảng mía đường cho tập đoàn của nhà ông Đặng Văn Thành để trả nợ các ngân hàng.
Trước đó, một trong số ngân hàng có dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhà Bầu Đức đã thực hiện hoạt động siết nợ. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - chi nhánh Gia Lai từng thực hiện bán giải chấp cả chục triệu cổ phiếu HNG của HAGL cầm cố để thu hồi nợ vay.
Thị trường còn chứng kiến những cú ngân hàng siết nợ cả siêu thị điện máy, mặt bằng bán lẻ, siết nợ cả nhà của nghệ sỹ… để thu hồi nợ. Tuy nhiên, một phần nợ xấu lớn mới chỉ chuyển từ ngân hàng sang VAMC mà chưa xử lý được triệt để.
Việc thu nợ của các ngân hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn do con nợ chây ì không chịu hợp tác, tài sản đảm bảo giả mạo, hàng tồn kho khống, hàng tồn kho rác bẩn… thậm chí chạy trốn bỏ lại những khoản nợ ngàn tỷ như một số đại gia thủy sản ở phía Nam.
Hoạt động thu nợ biến tướng trở thành những hình ảnh xấu như: tự ý lấy tài sản đảm bảo, gửi thư, nhắn tin đe dọa, chặn các nguồn tiền, chặn hàng hóa…
Theo những quy định mới, nghĩa vụ trả nợ đã trở nên rõ ràng hơn. Quyền thu giữ và sở hữu tài sản đảm bảo được xác định và các thủ tục nhanh gọn hơn. Hoạt động thu hồi nợ dự kiến sẽ diễn ra mạnh hơn, ban đầu có thể tập trung vào các khoản nợ lớn, của các đại gia chây ì, sau đó sẽ là các món nợ nhỏ hơn.
Những khó khăn của nền kinh tế cách đây gần chục năm và rồi cú vỡ bóng trên thị trường bất động sản đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ chồng chất. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân làm ăn kinh doanh không có lẽ, mất vốn chây ì không trả nợ. Một số khác vay tiền sử dụng không đúng mục đích cũng chây ì do ngân hàng rất khó xử lý.
Tuy nhiên, giờ đây tình hình đã khác. Hàng loạt các đại gia ngân hàng cho vay không đúng quy định đã và đang phải trả giá. Nỗ lực tái cấu trúc cùng với những quy định mới sẽ buộc người vay tiền phải thận trọng và có trách nhiệm hơn với khoản vay của mình. Quy luật có vay có trả là tất yếu.
Sự dễ dãi của cả ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ khiến họ phải gánh hậu quả và còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Sự ổn định là cần thiết đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.