Làm ngân hàng: Nếu bạn chưa dám dấn thân, chưa dám bắt đầu thì ước mơ thật đẹp vẫn mãi chỉ là những ước mơ

24/08/2017 09:03 AM | Nghề nghiệp

Sau khi cho đi một phần tuổi trẻ của mình tại công việc ngân hàng, khoảng chừng hơn 3 năm công tác (qui tắc 10.000h), cho đi những sự tận tâm, nhiệt huyết, hăng say công hiến cho công việc, bạn khi đó sẽ không còn là những anh chàng, cô nàng cử nhân “ngây thơ” nữa, mà thay vào đó là một con người mới, trưởng thành.


Được và mất, cho và nhận, sống đam mê là những cụm từ có thể người ta đã lặp lại nhiều lần, những bạn trẻ cũng suy tư và những người trưởng thành cũng đang suy nghĩ.

Mới bước chân vào ngành ngân hàng, các bạn trẻ như bước chân vào chốn phồn hoa, nhìn khắp nơi đâu cũng là náo nhiệt, nhìn khắp nơi đâu cũng là sự xinh tươi - cũng giống như ngày đầu các bạn nhập học tại các thành phố lớn.

Xin được trích dẫn câu nói trong bộ phim Three idiots (Ba chàng ngốc) của Ấn Độ để mở đầu cho bài viết này: “Đừng chạy theo thành công mà hãy theo đuổi sự ưu tú. Khi đó, thành công sẽ theo đuổi bạn”.

Các bạn sinh viên tốt nghiệp thường mong ước mình sẽ làm việc tại công ty lớn, môi trường làm việc tốt, mức lương hậu đãi…..những mong ước đó là tốt nhưng quan trọng hơn cả các bạn cần một nơi bắt đầu để các bạn bắt đầu.

Lửa thử vàng, nhiệt độ càng cao thì vàng càng tinh luyện

Các bạn có thể làm phép thống kê nhanh thì sẽ thấy tuổi nghề của cấp lãnh đạo tại các chi nhánh/PGD ngân hàng ít thì cũng là 5 đến 7 năm, cấp lãnh đạo cao hơn có thể là hơn 10 năm tuổi nghề, còn các CEO ngân hàng thì là từ 15 đến 20 năm tuổi nghề. Để trưởng thành, tinh luyện trong bất cứ ngành nghề nào thì cũng cần có thời gian, có những khó khăn thử thách luôn đồng hành mà mỗi người chúng ta luôn cần nỗ lực để vượt qua.

Khi mới bước chân từ giảng đường đại học vào lĩnh vực ngân hàng, vẫn mang trong mình hừng hực khí thế để mang những kiến thức đã học áp dụng thực tế, nhưng thực tế thì khắc nghiệt hơn, khiến cho nhiều bạn không vượt qua được 2 tháng học việc, 3 tháng thử thách. Những thử thách ban đầu đó nếu không được vượt qua sẽ làm cho nhiều bạn gục ngã, làm cho các bạn không thể tiến xa hơn. Việc cần làm đối với mỗi một nhân viên ngân hàng mới đi làm là đừng vội kết luận mọi thứ quá khó khăn mà hãy chuẩn bị cho mình thật tốt tinh thần, dám chấp nhận đối mặt với các thử thách sắp tới, vượt qua và bước lên trên những thử thách. Khi các bạn có từ 1 năm đến 1,5 năm trải nghiệm các bạn sẽ thấy không có một khách hàng nào thực sự khó tính, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”.

Hãy bắt đầu bằng niềm yêu thích và điểm mạnh của mình…

Bản thân người viết hiện đang quản lý 1 phòng giao dịch ngân hàng và cũng có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các cử nhân mới tốt nghiệp ứng tuyển phỏng vấn, các bạn sinh viên thực tập, điểm nhận thấy nhiều nhất nơi các bạn phần nhiều là chưa nắm được hết các thế mạnh của bản thân, chưa thực sự biết mình muốn trở thành ai và như thế nào?

Câu hỏi là tại sao bạn học ngành ngân hàng? Câu trả lời: em thi và học theo nguyện vọng của bố mẹ, em thi ngân hàng vì lúc đó thấy ngành đó “hot”, em theo học vì không biết mình học ngành gì phù hợp...nhiều, nhiều lắm những câu trả lời tương tự. Từ xuất phát điểm đó khiến cho các bạn tốt nghiệp ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng khó có thể tìm được niềm yêu thích đối với công việc ngân hàng, từ không yêu thích thì sẽ dẫn đến việc không sống hết mình cho công việc, không hết mình tận tâm với khách hàng và không thể coi công sở là gia đình thứ 2 của mình.

Đó cũng là một gian nan cho những ai đang đi tuyển dụng nhân sự cho ngành ngân hàng. Để thoát bài toán quả trứng – con gà như trên, thì mỗi bạn khi ứng tuyển phỏng vấn ngân hàng, hãy xem xét kỹ nơi bản thân mình tính phù hợp và niềm yêu thích. Niềm yêu thích, tính phù hợp kết hợp thêm thái độ tích cực của mỗi bạn thì các bạn sẽ có một khởi đầu tốt hơn.

…để trưởng thành nhanh hơn, sống trách nhiệm hơn

Môi trường ngân hàng mang lại rất nhiều trải nghiệm thú vị cho mỗi người đã từng công tác trong ngành ngân hàng. Áp lực từ công việc, từ khách hàng, từ các bộ phận phòng ban sẽ làm cho bạn ngày trở nên một con người chuyên nghiệp hơn, ngày càng chín chắn hơn, uy tín hơn. Nếu như bạn là một người thường hay hứa mà không giữ lời thì bạn khó có thể làm tốt công việc ngân hàng. Trong công việc thường ngày của nhân viên ngân hàng thì mỗi chữ ký, mỗi lời hứa đó là sự cam kết đồng hành của bạn, trách nhiệm của bạn, mỗi quyết định của bạn có thể ảnh hưởng tới một hay nhiều người. Nếu bạn đã công tác được một thời gian, bạn chưa thực sự say mê công việc ngân hàng thì sự trưởng thành & trách nhiệm của bản thân với công việc sẽ giúp bạn hoàn thành chỉ tiêu cá nhân (KPI), công việc được giao phó.

…để sống bao dung, vị tha hơn

Vị trí bán hàng trực tiếp tại các đơn vị có thể là sẽ hiểu và trải nghiệm điều này cách rõ rệt nhất. Có những khách hàng dễ thương, có những khách hàng nóng nảy, có những khách hàng hiểu biết, có những khách hàng hỗ trợ, có khách hàng không hợp tác... Phản ứng khách hàng khi chưa đáp ứng được đúng nhu cầu có thể là tức giận, có thể là yêu cầu gặp lãnh đạo hay liên hệ tổng đài…Những sale bán hàng bản lĩnh thường sẽ không ghi nhớ những câu chuyện đó lâu, họ vượt qua được các bất đồng với khách hàng để rồi sau đó chốt giao dịch thành công và triển khai những mối quan hệ bền lâu với khách hàng. Sale thành công thì họ học được cách tha thứ, cách lắng nghe để hiểu hơn nhu cầu khách hàng, họ biết cách làm việc dựa trên vấn đề đang cần giải quyết chứ không đồng nhất vấn đề/công việc với con người.

Còn nếu ai đó đang công tác tại các phòng ban hội sở/hỗ trợ thì cũng gặp những yêu cầu luôn gấp từ phía đơn vị kinh doanh – những khách hàng nội bộ. Khách hàng nào cũng muốn được ưu tiên trước xử lý ngay, nhiều khi các đơn vị cũng liên tục tăng sức ép lên bộ phận hỗ trợ, nhiều khi nói chuyện khó dễ với nhau về quy trình/hướng dẫn/sản phẩm…

Nhưng vượt lên trên những khác biệt, sau khi cùng nhau giải quyết công việc xong thì đơn vị kinh doanh – bộ phận hỗ trợ lại là những người có tình cảm chan hòa với nhau, sau 8h làm việc tại công sở các anh, chị - những người luôn tất bất vì công việc – lại trở về với gia đình yêu thương của mình, với vai trò là người cha, người mẹ, người anh, chị, người con trìu mến. Bí quyết ở đây đơn giản là họ đã học được cách đặt mình vào vị trí người khác để ra quyết định.

…để trở thành những chuyên gia

Sau khi cho đi một phần tuổi trẻ của mình tại công việc ngân hàng, khoảng chừng hơn 3 năm công tác (qui tắc 10.000h), cho đi những sự tận tâm, nhiệt huyết, hăng say công hiến cho công việc, bạn khi đó sẽ không còn là những anh chàng, cô nàng cử nhân “ngây thơ” nữa, mà thay vào đó là một con người mới, trưởng thành. Họ - những cử nhân 3 năm trước - đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn, họ rất rành về các thủ tục pháp lý, quy trình, họ nắm bắt được cơ hội và luôn học hỏi để trở thành một người thành công hơn, họ biết cách lên kế hoạch cho chính cuộc đời mình: cưới vợ/chồng, mua nhà, tậu xế hộp…..Họ bây giờ có thể là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính để tư vấn và thực thi trong chính cuộc đời của mình.

Các bạn những sinh viên mới tốt nghiệp có dám cho đi như vậy hay không? Hay là vẫn còn nhìn thấy ngân hàng là ngành quá khắt khe, bội bạc để lấy làm lý do chưa dấn thân, chưa nhiệt huyết. quyền quyết định lựa chọn thuộc về các bạn. Còn tôi và những người đang công tác trong ngành ngân hàng vẫn hàng ngày cảm ơn cuộc đời đã cho mình cơ hội, công việc tuyệt vời, một công việc mang đến hạnh phúc niềm vui cho một hay rất rất nhiều người.

Nếu bạn chưa dám dấn thân, chưa dám bắt đầu thì ước mơ thật đẹp vẫn mãi chỉ là những ước mơ. Hãy cất bước lên, các bạn nhé!

Theo Nguyễn Ngọc Ân (Giám đốc PVcomBank Bình Thạnh)

Cùng chuyên mục
XEM