Đại diện Bộ Công Thương nói về dự án thép của Hoa Sen ở Ninh Thuận
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, việc đánh giá tác động môi trường đối với dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận) sẽ chặt chẽ hơn Formosa.
Theo ông Hoài, Luật Đầu tư mà Quốc hội ban hành năm 2014 đã quy định với các dự án trên 5.000 tỷ đồng sẽ trải qua nhiều bước, trong đó đầu tiên là phải có quy hoạch, trên cơ sở có quy hoạch chủ đầu tư mới lập dự án trình Bộ Kế hoạch đầu tư phối hợp với các bộ, ban ngành thẩm định về khả năng thực hiện từng giai đoạn của dự án, sau đó trình Chính phủ để ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
"Khi Chính phủ ra quyết định đầu tư, lúc đó các bộ ngành mới tiến hành các bước tiếp theo như: Đánh giá tác động môi trường, sau đó lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư ," ông Hoài cho hay.
Cũng theo ông Hoài, ở giai đoạn lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư đối với Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná-Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen cũng khác với giai đoạn mà Formosa thực hiện đầu tư.
Cụ thể, thay vì chỉ góp ý thiết kế cơ sở thì theo quy định mới, với các dự án lớn, các bộ chủ quản sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.
Điều này nhằm khắc phục tình trạng trước đây các bộ chủ quản chỉ dừng ở mức góp ý thiết kế cơ sở còn việc chủ đầu tư tự điều chỉnh và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật thì các bộ ngành lại khó kiểm soát được.
"Hiện pháp luật về môi trường, pháp luật về đầu tư xây dựng tương đối chặt chẽ và từ bài học kinh nghiệm Formosa, rõ ràng chúng ta đã rút ra nhiều bài học, kể cả trong quá trình đánh giá tác động môi trường, kể cả quá trình vận hành thử nghiệm các dự án thép và kể cả quá trình vận hành sau này," ông Hoài nói thêm.
Trước đó, ngày 6/9, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Tập đoàn Hoa Sen đã thông qua chủ trương triển khai đầu tư Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, với công suất thiết kế đạt 6 triệu tấn/năm, tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017 đến năm 2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Hoa Sen cũng thành lập 5 pháp nhân do tập đoàn này đầu tư 100% để tham gia đầu tư siêu dự án này với tổng vốn điều lệ của năm doanh nghiệp này là 250 tỷ đồng.
Dự kiến triển khai dự án này theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.
Theo ông Trương Thanh Hoài, hiện Bộ Công Thương đã bổ sung quy hoạch Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng, dự kiến kế hoạch đầu tư của tập đoàn Tôn Hoa Sen rất dài (phân kỳ đầu tư kéo dài 15 năm), nên việc quy mô lớn hay bé của dự án sẽ phải xem xét trong từng giai đoạn khác nhau.
"Đối với ngành thép bắt buộc phải có những tổ hợp lớn, nếu duy trì những tổ hợp với công suất vài trăm nghìn tấn trở lại sẽ không cạnh tranh được và tiêu hao nhiên liệu sẽ lớn hơn cũng như chi phí bán hàng cao do thương hiệu bé," ông Hoài nói.