Đại diện Amazon chỉ ra 5 nhóm hàng hóa người Việt bán chạy trên sàn TMĐT lớn nhất thế giới

23/07/2022 15:50 PM | Kinh doanh

Đại diện Amazon cho rằng Việt Nam là cộng đồng trực tuyến sôi động nhất Đông Nam Á và có nhiều lợi thế khi kinh doanh trên Amazon.

Trước đây, chi phí trung bình để mở một cửa hàng vật lý tại Mỹ lên tới 1 triệu USD, nhưng hiện nay, mọi chuyện đã thay đổi nhờ sự xuất hiện của các nền tảng bán hàng online, tiêu biểu là Amazon. Điều này không chỉ đem lại lợi thế cho chính người bán hàng tại Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

"Thương mại điện tử xuyên biên giới là một cấp độ cao hơn của sự đổi mới. Nó cho phép bạn bán hàng cho các quốc gia mà bạn chưa từng đặt chân đến mà không cần phải mở cửa hàng vật lý", ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành chương trình xuất khẩu qua thương mại điện tử của Amazon tại Việt Nam (Amazon Global Selling) chia sẻ tại talkshow The Next Power.

"Bạn có thể bán hàng bất cứ lúc nào, bất kỳ sản phẩm nào, nhưng điều quan trọng là khả năng cạnh tranh của nó như thế nào. Đâu là lợi thế cạnh tranh cho người bán hàng Việt Nam?"

Theo ông Gijae Seong, các nhà sản xuất đang tập trung về Việt Nam, khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Đông Nam Á và là một quốc gia sản xuất rất quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Ngay trong đại dịch, vị lãnh đạo của Amazon cũng đánh giá cao sự phát triển ổn định của nền kinh tế, cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ xuất khẩu, tạo điều kiện vô cùng to lớn cho sự tham gia của người bán hàng Việt Nam trên thế giới trong giai đoạn tiếp theo.

"Cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, và ai cũng có thể dễ dàng nắm bắt. Bạn cũng không cần phải thực sự đi ra nước ngoài hay xây dựng cái gì ở đó. Rất nhiều thứ đã nằm trong tầm tay của bạn rồi", vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Đại diện Amazon chỉ ra 5 nhóm hàng hóa người Việt bán chạy trên sàn TMĐT lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Lợi thế và bất lợi của người bán hàng Việt Nam trên Amazon

Theo thống kê của Amazon Global Selling, có 5 danh mục mà người bán hàng Việt Nam đang kinh doanh rất hiệu quả, đó là đồ gia dụng; sản phẩm nhà bếp; quần áo, thời trang; sản phẩm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc cá nhân; và các công cụ dùng để sửa nhà và các tiện ích nhỏ trong nhà.

"Lợi thế riêng của Việt Nam và các sản phẩm đến từ Việt Nam là thân thiện với môi trường, có thiết kế độc đáo và khác biệt so với các sản phẩm của các nước khác", ông nói. "Hi vọng rằng trong tương lai, sẽ có một số thay đổi trong sản phẩm để có thêm nhiều người Việt có thể ra mắt thành công trên Amazon.com."

Tuy nhiên, thực tế, hàng hóa của Việt Nam còn gặp nhiều rào cản trong việc chấp hành các tiêu chuẩn và quy định, như quy định về xuất khẩu hay giấy tờ, thủ tục. Bảo hộ thương hiệu cũng đang là một vấn đề nhức nhối với các doanh nghiệp Việt.

Ông Seong nhấn mạnh rằng trên Amazon có hàng tỷ sản phẩm. Do đó, việc sao chép và bán hàng giá rẻ sẽ không có sức hấp dẫn đối với khách hàng và cũng khó để cạnh tranh. Việc người bán biết cách bảo vệ khách hàng, bảo vệ thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia sẽ làm tăng niềm tin của khách, từ đó phát triển toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử chứa rất nhiều dữ liệu, đây là điểm khác biệt và cũng là lợi thế vô cùng lớn so với kinh doanh truyền thống. Thay vì phải khảo sát hàng quý hay năm để có dữ liệu khi kinh doanh ngoại tuyến, những nhà bán hàng ngày nay có được phản hồi của khách hàng trong thời gian thực ở mọi nơi trên thế giới.

"Có rất nhiều dữ liệu để bạn hiểu được nỗi ám ảnh của khách hàng là gì", ông nói. "Nhưng bạn có cam kết lắng nghe phản hồi của khách hàng, hay cái mà chúng tôi gọi là nỗi ám ảnh của khách hàng không?"

Đại diện Amazon chỉ ra 5 nhóm hàng hóa người Việt bán chạy trên sàn TMĐT lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Chính bởi lợi thế này, thương mại điện tử đang mang lại cơ hội như nhau cho các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, dù họ đến từ Việt Nam, từ Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác. Nền kinh tế số đưa tới cho người bán những công cụ, công nghệ, dữ liệu tương tự nhau. Tại Việt Nam, sản phẩm của những thương hiệu lớn như Gốm Minh Long, Trung Nguyên, hay các sản phẩm nhỏ như nón bảo hiểm, thiệp 3D, hạt điều, … đều đã và đang được bán thành công trên nền tảng của Amazon.

"Có rất nhiều rào cản, nhưng điều quan trọng nhất chính là sự cam kết", ông Seong nhấn mạnh. "Trên Amazon, bạn có thể bán hàng trực tiếp đến khách hàng cuối cùng, đây là cơ hội tuyệt vời. Nhưng đồng thời, đây cũng không phải là trò chơi. Bạn sẽ phải đầu tư rất nhiều, phải nỗ lực rất nhiều."

Đại diện Amazon khuyên các nhà bán hàng Việt Nam trước khi muốn tận dụng cơ hội từ những sự kiện lớn như Black Friday hay Cyber Monday của thế giới thì nên chuẩn bị trước từ 3-6 tháng, ví dụ như tích cực trang trí gian hàng online, tương tác sớm với khách để xem phản hồi và từ đó tối ưu sản phẩm theo thị hiếu của khách ở mỗi khu vực.

Theo thống kê của Amazon Global Selling, trong vòng 12 tháng (từ 1/9/2020 đến 31/8/2021), gần 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam được bán cho khách hàng Amazon trên khắp thế giới, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng SME Việt bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới cũng vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD, tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau một năm.

Amazon ước tính doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD vào năm 2026.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM