“Đại chiến” taxi: Hai bộ Tài chính - Công Thương lên tiếng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, khuyến mại nhiều không có nghĩa là vi phạm cạnh tranh...
Gần đây, “cuộc chiến” giữa các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh đã được đẩy lên đến đỉnh điểm khi “miếng bánh thị phần” đang phải nhường lại cho các start-up công nghệ Uber, Grab.
“Cuộc chiến” taxi không còn giữa hai hãng nữa khi mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Grab, Uber ngừng dịch vụ đi chung xe Grabshare và Uberpool.
Dịch vụ đi chung xe của Grab và Uber được ưa chuộng bởi tiết giảm chi phí cho người dùng. Chẳng hạn người dùng có thể mất tới 100.000 đồng cho một cung đường nhưng nếu dùng dịch vụ đi chung xe chỉ hết khoảng 60.000 đồng tuỳ vào từng thời điểm.
Hình thức này đang được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng và khuyến khích bởi giúp tiết giảm chi phí cho khách hàng, tiết kiệm nhiên liệu, giảm lưu lượng phương tiện,...
Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống.
“Khuyến mại nhiều nhưng không vi phạm”
Nhận định về quan điểm Uber và Grab liên tục áp dụng các hình thức khuyến mại, triển khai dịch vụ gây mất bình đẳng trong cạnh tranh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm, các doanh nghiệp có thể có nhiều khuyến mại nhưng vẫn phải đăng ký và tuân thủ đúng theo quy định pháp luật.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, sự ra đời của Uber và Grab đã đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, về giá cả và về chất lượng.
"Bất kỳ loại hình kinh doanh nào, doanh nghiệp nào khi thực hiện ở Việt Nam đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Về phía Bộ Công Thương, Bộ rất quan tâm đến tính cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng của hai loại hình kinh doanh này. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng giám sát hai loại hình này ở hai lĩnh vực mà ngành quản lý”, Thứ trưởng Hải nói.
Nhiều hãng taxi truyền thống nộp thuế thấp hơn Uber, Grab
Về ý kiến chính sách thuế bất bình đẳng giữa Uber, Grab và các hãng taxi truyền thống, Bộ Tài chính cho rằng pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp thống nhất về mức thuế suất, về điều kiện ưu đãi đầu tư, chế độ miễn, giảm thuế,...
Bộ Tài chính cho biết, Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế.
Do đó căn cứ vào các quy định hiện tại, Bộ Tài chính có hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế của Uber là tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên doanh thu được hưởng là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan).
Đối với các cá nhân ký kết hợp đồng với Uber cũng phải nộp thuế GTGT trên doanh thu là 3%, Thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu là 1,5%.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 384/TCT-TNCN gửi Cục thuế một số tỉnh, thành phố đang triển khai mô hình này hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.
Về phía các taxi truyền thống, một số doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống đề nghị được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay; đồng thời kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Uber, Grab phải trên cơ sở 100% doanh thu.
"Nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý, vì trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng", Bộ Tài chính cho hay.
Theo số liệu của ngành thuế tại Tp. HCM, trong số 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn thì 2 doanh nghiệp phát sinh số thuế GTGT còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế GTGT phải nộp (Công ty TNHH du lịch Mai Linh; Công ty TNHH du lịch Thành Bưởi), một số doanh nghiệp khác mức tỷ lệ nộp thuế GTGT/doanh thu dưới 3% (Công ty Cổ phần Gia Định, Công ty Vận chuyển Sài Gòn Tourist, hợp tác xã vận tải số 10).
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều có mức tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01% đến 0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương mức tỷ lệ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 1,97%/doanh thu (tương đương mức khoán của Uber).
"Chuyện taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber là không đúng. Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế để xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ Tài chính khẳng định.