Nhật ký tình yêu và hành trình kiếm tìm hạnh phúc của nguyên CEO taxi Mai Linh: Những người yêu nhau rồi sẽ về với nhau

05/07/2017 14:03 PM | Kinh doanh

Bài viết được ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions, nguyên CEO taxi Mai Linh gửi tới cuộc thi "Hành trình Hạnh phúc" được tổ chức bởi Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Hà Nội – JCI Hanoi, cùng với Dự án Sách và Hành động. CafeBiz là đơn vị truyền thông chính thức cho cuộc thi này.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài chia sẻ của ông Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solutions, nguyên Tổng giám đốc Taxi Mai Linh, mang tên “Anh là gì giữa bộn bề đời em?".


Ngày ấy chúng tôi yêu nhau vật vã lắm.

Khai giảng khoá Cao học, tôi đang ngồi dự thì thấy một đôi mắt trong veo trôi vào. Nàng mảnh mai nhưng rắn rỏi, hiền nhưng nghiêm nghị, cứ như của một nhà giáo nhân dân.

Cứ tưởng đó là một bạn khoa Sinh hay Môi trường. Nào ngờ buổi học đầu lại thấy nàng vào ngồi gần chỗ. Rồi số phận đưa đẩy như thế nào đấy mà chúng tôi lại vào chung nhóm.

Ây dà, nói là nói vậy thôi. Chứ nàng đã có một mối tình thanh mai trúc mã từ thời năm 2. Còn tôi, sau thời sinh viên ba ngố, ra trường thì cũng có một mối tình đủ sâu đậm. Chưa kể đến chuyện nàng ghét tôi (thực ra là ghét tất cả những ai dính líu đến phong trào đoàn đội hội nhóm) như ghét hủi, tránh được là tránh ngay.

Do đó, thời cao học trôi qua khá nhanh mà chẳng đọng mấy cảm xúc hay kỷ niệm. Chúng tôi sơ thì không gọi là sơ, nhưng thân thì chẳng thể nói là thân khi mà chẳng bao giờ nói với nhau quá một câu, hay nhìn nhau quá một giây. Cả hai chúng tôi đều có hạnh phúc riêng của mình và sống trọn vẹn với chúng.

Hai đứa thân như những người dưng!

-----------

Một ngày của 5 năm sau, nàng gọi cho tôi hỏi thăm về công ty. Nàng chán môi trường sư phạm quá đơn điệu, trì trệ và thiếu thách thức. Tôi chia sẻ vài thông tin và để nàng quyết định. Không rủ, và cũng không can.

Thời gian sau, tôi nhận được email của HR báo là nàng vào công ty. Như những người bạn có trách nhiệm với nhau, tôi bốc điện thoại lên chúc mừng. Và như những người đi trước thường làm, tôi dẫn nàng đi ăn bữa trưa đầu tiên ở công ty.

Đó là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau như những người bạn. Vô tình tôi buộc miệng hỏi thăm về bạn trai nàng. Một khoảng lặng khủng khiếp đột nhiên xuất hiện. Sau này, tôi còn có dịp làm quen với những khoảng lặng kiểu đó, nhưng không bao giờ ấn tượng bằng lần đầu tiên ấy. Rồi nàng cho tôi biết là hai người đã chia tay một thời gian dài. Rất tình cờ là chuyện tình cảm của tôi cũng vừa tan vỡ cách đó một năm. Cả hai cùng rất ngỡ ngàng vì ai cũng đều biết tình yêu của người kia khá sâu đậm.

Câu nối câu, chúng tôi hỏi nhau thêm về câu chuyện. Dĩ nhiên là theo một cách rất nước đôi và lịch sự. Và tình cờ, chúng tôi lại cùng chia tay vì một số lý do khá tương đồng với nhau. Vài lời trao đổi dần xoá tan được những vách ngăn vô hình.

Đó là một bước ngoặt đáng kể. Vì sau đó chúng tôi dần như những người bạn thân từ rất lâu. Mỗi tuần chúng tôi đi ăn với nhau vài lần. Rồi tất cả các buổi trưa. Rồi thêm những buổi tôi nhân tiện có việc đâu đấy nên cùng đường về với nàng (nhà tôi cách nhà nàng 12km, công ty nằm ở giữa). Rồi thỉnh thoảng cuối tuần nàng ghé nhà tôi nấu gì đấy cho hai anh em tôi ăn.

Rồi chúng tôi yêu nhau. Nói đúng ra thì cả hai chúng tôi đều đã ngầm hiểu tình cảm của người kia nhưng có lẽ đổ vỡ của mối tình trước đó đã phanh chúng tôi lại, bắt chúng tôi cẩn trọng hơn trong việc đánh giá cảm xúc của mình.

Chúng tôi chính thức đến với nhau, niềm vui như vỡ oà bù đắp.

-------------

Và những ngày hạnh phúc của chúng tôi nhanh chóng biến mất.

Gia đình nàng nhanh chóng biết chuyện của chúng tôi. Những cơn thịnh nộ bùng nổ và những núi băng lừng lững thay nhau ngăn chúng tôi không cho đến với nhau.

Có những ngày đưa nàng về, mẹ nàng xách ghế ngồi đầu hẻm đợi. Nàng đối diện với những lời khuyên, và thậm chí là sự tẩy chay lạnh giá của bảy chị em gái, của mẹ, của bà. Một người chị của nàng thậm chí đã hẹn gặp riêng tôi, dẫn theo một ông thầy xem tướng, và sau hàng loạt những câu hỏi căng như dây đàn, đã năn nỉ tôi buông tha cho nàng.

Chúng tôi chia tay nhau 8 lần. Mà đúng hơn chỉ là nàng chia tay thôi. Lần nào cũng kiên quyết và đầy cảm xúc. Nhưng rồi, sau vài tuần, chúng tôi lại quay lại với nhau.

Ban đầu, tôi rất tổn thương. Nhưng sau khi biết được câu chuyện của nàng và gia đình, tôi dần thông cảm, và mong dùng thời gian và sự chân thành để thuyết phục gia đình.

Có thể nào ta nỡ kết tội những nạn nhân!

-------------

Như với hầu hết các gia đình Việt Nam khác trong chiến tranh, bàn tay số phận cũng xô đẩy tàn nhẫn gia đình nàng. Cả nhà chạy khắp nơi. Hết về Hàm Tân cuốc ruộng trồng sắn, lại xuống Sóc Trăng tát đìa đánh cá. Sợ bảy cô con gái lớn lên phải lấy chồng khác tộc, cha nàng lại xách con về Phú Nhuận trồng rau, buôn thuốc. Rồi lại chạy xuống Phú Lâm lọt xọt việc nọ việc kia. Về Cam Ranh nuôi tôm nuôi cá, khi mất hết những đồng tiền cuối cùng thì về bến xe miền Đông bán cơm góp nhặt lại từng đồng.

Từ một gia đình "sâm ăn không hết - nhung để mốc meo", nhà nàng trở thành vô sản: cái gì cũng không có. Mẹ nàng suýt chết khi sinh nàng và em gái cũng chỉ vì thiếu vài viên thuốc. Từ một gia đình "đi đến đâu trên lo, dưới rước", nhà nàng nhiều lúc phải sống chui sống lủi, bị hoạnh hoẹ, hạch sách, không coi ra gì. Chuyện chị em nàng đi học được cũng là một chuyện lạ, vì nếu nghĩ lại, chả ai hiểu được làm sao mấy đứa nhỏ không giấy tờ lại có thể vào học được. Mãi lúc nàng sắp vào đại học thì nhà mới làm được hộ khẩu, mà cũng vô vàn trần ai.

Suốt quãng thời gian 30 năm ấy, gia đình chỉ biết ôm nhau mà khóc, mà động viên nhau, mà cùng vượt qua tủi nhục. Cái tình cảm ấy mạnh đến nhường nào. Và nỗi đau ấy cay đắng đến nhường nào.

Với hoàn cảnh ấy, chắc khó gia đình nào chấp nhận một chàng rể có gia đình ở bên kia chiến tuyến.

Cho dù lý trí có thông, cõi lòng cũng khó cảm.

Nàng bị giằng xé giữa nỗi đau của gia đình và tình yêu cá nhân. Ở bên gia đình, nàng thông hiểu tất cả những trăn trở và những gì mọi người nói, mọi người nghĩ. Ở bên cạnh tôi, nàng quên cả thế giới. Chúng tôi đau thương trùm lấp yêu thương, tội lỗi chan hoà tội nghiệp. Có những khi tôi giận nàng không đủ mạnh mẽ, có những khi tôi thương nàng trớ trêu.

Tình yêu có bao giờ là có tội!

-------------

Chúng tôi cứ vật vã như vậy mà yêu…

Năm 2007, từ công nghệ thông tin, tôi chuyển sang làm cho công ty taxi lớn nhất nước. Công việc bỡ ngỡ, thách thức và tất bật nhưng cũng học được rất nhiều điều mới mẻ làm nền tảng cho sự phát triển tương lai.

Chuyện tôi và nàng cũng dần tốt hơn. Gia đình chuyển từ trạng thái phản đối sang quan sát. Sau hai năm, Tết năm 2007, tôi lần đầu được phép đến nhà nàng chơi, để tìm hiểu sâu hơn. Và thêm một năm nữa, nhà nàng đồng ý cho chúng tôi tổ chức cưới.

Nhớ đến đây thì tôi lại thấy thương nàng. Mùa kinh doanh, mà tôi lại là người đứng đầu nên không dứt ra được. Hai đứa lại kiên quyết phải tổ chức nhanh kẻo nhà lại đổi ý. Thế là, một mình nàng tất tả chọn nhà hàng. Chụp ảnh cưới chúng tôi cũng không có thời gian để lấy ảnh, chỉ kêu mang ảnh lớn đến chưng ở nhà hàng được thôi, còn mấy cuốn album 3 tháng sau mới ghé lấy. Tối 29 cưới, ngày 28 bạn bè hỏi tuần trăng mật ở đâu, tôi giật mình tìm đặt để chiều 30 bay.

Nàng như mọi khi, đơn giản và nguyên sơ. Tuy chỉ cài một nhành hoa nhỏ trên đầu và trang điểm rất nhẹ, nhưng nàng là cô dâu đẹp nhất mà tôi đã từng thấy.

-------------------------

Hai tuần vui nhất trong suốt những năm tháng đó của hai đứa rồi cũng kết thúc. Chúng tôi trở về với cuộc sống đời thường và phát hiện ra những độ vênh đáng sợ.

Một ngày điển hình của tôi là dậy lúc 3:30 sáng, chạy đi thăm 3 bãi nào đó trong số gần 60 bãi giao ca taxi tại Sài Gòn. 7:30 ăn sáng rồi họp đầu giờ hay hội ý với anh em để bắt đầu một ngày làm việc tất bật. Chiều tan tôi lại tất tả để 5:45 học MBA. Mãi 9:15 tối mới xong thì lại ngay lập tức đi đến một quán khuya, khách sạn, vũ trường hay bar nào đó để lấy điểm đón khách tối để anh em có chỗ chạy. Thậm chí có ngày tôi phải trực tiếp chỉ đạo giành điểm với taxi dù hay với các hãng khác. Cọ xát với lực lượng xã hội đông đảo và nhiều rủi ro. Có khi về đến nhà thì đã hơn 2h sáng.

Chúng tôi hầu như không còn thời gian cho nhau.

Tôi tranh thủ đôi buổi trưa đi ăn với nàng. Và Chủ nhật cuối tuần toàn diện dành riêng cho nàng.

Nhưng điều đó không ngăn được một sự trống vắng cô đơn kinh khủng trong lòng một người con gái mới chỉ hơn chục ngày trước còn được vây quanh bởi bao người thân yêu, giờ lặng lẽ một mình sau mấy bức tường, mỗi ngày gặp chồng không được mấy giờ đồng hồ.

Nàng không nói gì. Và cố gắng không thể hiện cảm xúc gì để tôi phải suy nghĩ. Nhưng tôi biết trong lòng nàng nghĩ ngợi nhiều lắm.

Suy nghĩ thêm ít thời gian, tôi quyết định nghỉ, rời khỏi vị trí công việc hiện tại, và rời khỏi công ty.

Và đến giờ, tôi vẫn chưa hề nuối tiếc quyết định ấy.

Như nàng đã chọn tình yêu cho dù phải trái ý gia đình, tôi chọn tình yêu thay vì sự nghiệp.

Đến yêu mà còn không dám thì thành công mà để làm gì!

Chúng tôi cứ như vậy mà yêu nhau…

----------------

ANH LÀ GÌ GIỮA BỀ BỘN ĐỜI EM?

Anh là gì giữa bề bộn đời em?

Là nắng ban mai, là đại ngàn lá trải,

Là nụ hôn đầu còn ấp e khờ dại,

Là trưa hè, giấc ngủ thoáng mơ vương…

Anh là gì giữa muôn vạn mùi hương?

Là khét mồ hôi, là chua giày ướt

Trời nắng đậm, đường kẹt xe luột thuột

Mưa giăng tràn, nổi hứng dạo chơi chung.

Anh là gì giữa muôn nẻo tình thương?

Chữ hiếu trở trăn, chữ tình trúc trắc,

Giá ta gặp thủa năm năm về trước,

Lúc chúng mình còn chưa vướng oan sai…

Anh là gì, có là cả tương lai,

Hay là chỉ, gấp gáp hèn hiện tại?

Anh thủ đoạn, chân tình hay vĩ đại,

Anh chỉ yêu mình, hay thực sự yêu em?

Trái hạnh phúc có thật rụng tự nhiên?

Hay phải tưới, phải vun trồng, phải hái,

Nếu giông bão có bẻ cành vặn trái,

Mình có đợi mình, ta có đợi mùa sau?

Sau cơn mưa, trời sẽ lại quang hơn

Ta sẽ thấy mặt trời thêm ấm áp,

Mình lại sẽ tay cầm tay, má áp

Mắt trong mắt nhìn bỗng thấy mắt trong hơn.

Về tác giả: Ông Trần Bằng Việt là Tổng Giám đốc Đông A Solution, Chủ tịch JCI Vietnam 2016, Nguyên Tổng Giám đốc Taxi Mai Linh. Ông Việt đã có hơn 10 năm giữ các vị trí quản lý cấp cao tại các công ty lớn trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, giao thông vận tải, sản xuất, Marketing và truyền thông.

Ảnh minh họa: Ông Trần Bằng Việt và gia đình.

Xem các bài viết trước:

>> Bí quyết sống một đời hạnh phúc của GS Nguyễn Lân Dũng: “Sống khoẻ, Chết nhanh, Ít của để dành, và Nhiều người thương tiếc”

Trần Bằng Việt

Cùng chuyên mục
XEM