Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần cho cán bộ hư thôi việc thật nhanh
“Tôi thiết nghĩ chúng ta nên sớm có cơ chế cho thôi việc thật nhanh vì hiện nay cho thôi việc cán bộ hư lâu lắm. Phải sớm có cơ chế cho thôi việc nhanh cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu, hành dân”, ông Ngân đề xuất nhằm xây dựng bộ máy hành chính công hiệu quả.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2017 chiều ngày 9/6, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết ông hoàn tòa ủng hộ việc Chính phủ quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.
“Vì nếu chúng ta điều chỉnh để rồi hoàn thành thì việc hoàn thành đó không có ý nghĩa. Mà phải để chỉ tiêu đó để chúng ta phấn đấu bằng những nỗ lực, bằng sự kết hợp giữa trung ương và địa phương, nỗ lực của cả hệ thống chính trị”, đại biểu này nhấn mạnh.
Ông Trần Hoàng Ngân gợi mở thêm 3 điểm sáng Chính phủ cần lưu ý. Điểm sáng thứ 1 về triển khai nhiều Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính và hình thành tổ công tác để giải quyết những điểm nghẽn, khai thông chính sách vừa qua đã có những kết quả đáng trân trọng.
Dẫn chứng số liệu từ đánh giá của World Bank về môi trường kinh doanh năm 2017 cũng như cơ hội bình đẳng cho mọi người thì Việt Nam đã tăng hạng từ 91 lên 82/189, thứ hạng này được ông tin tưởng sẽ cải thiện hơn nữa nếu Chính phủ quyết liệt từ trên xuống dưới nhất là bộ máy hành chính công hiệu quả, tính năng động hết lòng vì dân vì nước của đội ngũ cán bộ viên chức.
“Tôi thiết nghĩ chúng ta nên sớm có cơ chế cho thôi việc thật nhanh vì hiện nay cho thôi việc cán bộ hư lâu lắm. Phải sớm có cơ chế cho thôi việc nhanh cán bộ công chức có hành vi nhũng nhiễu, hành dân”, ông Ngân đề xuất.
Điểm sáng thứ 2 là mặc dù nợ công hiện nay ở mức xấp trần, dư địa để chúng ta thực hiện các chính sách rất hạn hẹp, nợ xấu có lúc đến 17% tổng dư nợ đe dọa an ninh tài chính tiền tệ quốc gia nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu nhập cán bộ viên chức, cán bộ hưu trí, người có công, gia đình chính sách, GDP bình quân hiện nay chúng ta đạt được là 2215 USD. Đây là năm thứ 5 liên tiếp chúng ta kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá, đảm bảo sức mua đồng nội tệ, cán cân thanh toán vãng lai tiếp tục được thặng dư 5 năm liền theo đánh giá của IMF. Điều này góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
Điểm nhấn quan trọng là trong quá trình xử lý nợ xấu thực hiện cơ cấu lại các TCTD yếu kém nhưng vẫn đảm bảo an toàn cả hệ thống ngân hàng, người dân vẫn tin tưởng vào hệ thống ngân hàng. Hiện nay số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân gửi vào ngân hàn đạt trên 6 triệu tỷ đồng, gấp 1,2 lần GDP, giúp ngân hàng có nguồn vốn đáp ứng nguồn cho nền kinh tế với độ sâu là 122% dư nợ tín dụng/gdp. Tuy nhiên ông Ngân cho rằng chỉ tiêu này cũng đặt ra một vấn đề là cần cơ cấu lại thị trường tài chính vì không nên để ngân hàng đảm đương toàn bộ vốn cả ngắn hạn, trung dài hạn vì như thế nợ xấu sẽ tiếp tục phát sinh. Vai trò trung dài hạn nên để cho thị trường chứng khoán.
Điều đáng mừng là tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody đã nâng mức đánh giá tín nhiệm từ ổn định lên tích cực.
Điểm sáng thứ 3 là thông qua hành động quyết liệt của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp với việc triển khai Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân tăng cao, tinh thần khởi nghiệp tăng nhanh. Các cấp địa phương được Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ, nhờ vậy số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng, trên 10 nghìn doanh nghiệp mỗi tháng. Tuy nhiên số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng không nhỏ cần được Chính phủ quan tâm đúng mực.
Nhưng vì sao GDP năm 2016 và quý I năm 2017 tăng thấp, theo vị đại biểu đến từ Tp.HCM có những nguyên nhân khách quan như Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chủ quan như phân bổ vốn. Hiện có những trường hợp vốn đã phân bổ nhưng giải ngân rất chậm.
“Chúng ta đã phát hành trái phiếu, phải trả lãi cho phần phát hành đó nhưng phân bổ vốn chậm. Chính phủ phải can thiệp ở đây. Những dự án nào tắc nghẽn thì chúng ta dùng tiền của dự án đó để bổ sung cho những dự án đang chạy được, đang đầu tư được, đang giải ngân được để sớm đưa vào hoạt động hiệu quả hơn. Cách làm đòi hỏi sự năng động của Chính phủ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Ngoài ra từ hiện tượng Samsung thu hồi galaxy 7 ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế, ông cho rằng “chúng ta không nên để ảnh hưởng, phụ thuộc lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài”. Hiện nay trên 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, sớm triển khai tinh thần Nghị quyết trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế và triển khai tinh thuần Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được Quốc hội thông qua”, ông Ngân kết thúc phần góp ý giải pháp của mình tới Quốc hội.