Bán 34% cổ phần nước sạch Sông Đuống cho nước ngoài: Khẩn thiết xem xét lại

08/11/2019 08:45 AM | Xã hội

“Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống, Hà Nội. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa qua, tôi khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng, Thủ tướng xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này”, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, sáng 7/11.

An ninh nước còn quan trọng hơn cả lương thực

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng còn hơn cả an ninh lương thực. Song gần đây, có tình trạng thoái vốn đến 100% ở các công ty cung cấp nước sạch, gây nhiều lo lắng, nguy cơ về an ninh nguồn nước. “Vừa qua, dư luận phản ánh việc tỷ phú Thái Lan đã mua đến 34% cổ phần của Nhà máy nước sạch Sông Đuống. Trước tình hình cung cấp nước sạch ở Hà Nội như vừa rồi, chúng ta phải xem xét lại chủ trương này. Tôi đề nghị Bộ trưởng Công Thương cũng như Thủ tướng cho biết thêm ý kiến của mình về việc này. Tôi rất khẩn thiết đề nghị xem xét lại không nên thoái vốn hoặc Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối tại các đơn vị này”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Cùng chung quan điểm, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, việc mua bán, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, việc các thương hiệu trụ cột có khả năng dẫn dắt, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn có vốn nhà nước được bán cho đối tác nước ngoài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế. “Sabeco là một điển hình, dù Nhà nước thu được khá nhiều tiền nhưng tái đầu tư lĩnh vực khác liệu có hiệu quả? Nếu không có tầm nhìn và chiến lược phù hợp thì sẽ tạo hậu quả khó lường cho nền kinh tế”, ông Nhân cảnh báo, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương cho biết giải pháp, tham mưu cho Chính phủ, có chính sách để điều tiết làm lành mạnh hoạt động này.

Chia sẻ sự quan tâm cũng như quan điểm của ĐB Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “hứa” tiếp thu trong góc độ trách nhiệm của bộ. Theo ông Tuấn Anh, cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp. Điều này không chỉ nhằm thu nhỏ lại số lượng doanh nghiệp nhà nước mà còn tạo ra một thị trường, một thể chế và pháp luật thuận lợi hơn không chỉ cho doanh nghiệp tư nhân mà còn  cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp cận cơ hội của thị trường. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, “những doanh nghiệp có thương hiệu lớn cần giữ cũng là ý đúng, rất cần tính đến”.

Ðiện Long Phú 1 sẽ gia nhập CLB lỗ nghìn tỷ?

Liên quan Dự án điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Long Phú 1 là dự án quan trọng trong tổng sơ đồ điện 7. Dự án đặt tại tỉnh Sóc Trăng. Hiện nay, nhà thầu của Nga đang bị cấm vận của Mỹ, không cho phép tham gia hoạt động giao dịch quốc tế. “Hai năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung thúc đẩy tiến độ và tìm giải pháp để giải quyết. Đến nay, năng lực của tổng thầu không còn đủ điều kiện để thực hiện. Vì vậy, bộ đang tính đến phương án tiếp quản lại dự án và để cho đối tác khác thực hiện”, ông Tuấn Anh cho biết.

Theo Bộ trưởng Tuấn Anh, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tìm giải pháp để đảm bảo triển khai dự án này đạt hiệu quả chung, cũng như đóng góp cho cân đối điện trong thời gian tới.

Chưa hài lòng với phần trả lời, ĐB Lưu Bình Nhưỡng tranh luận lại và nói thẳng rằng, Dự án Điện Long Phú 1 cho Đồng bằng sông Cửu Long đã thất bại. “Bây giờ khả năng sẽ trở thành một trong những dự án gia nhập câu lạc bộ (CLB)  thua lỗ nghìn tỷ đồng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và Nhà nước có khả năng sẽ mất hàng trăm triệu USD”, ông Nhưỡng bày tỏ lo ngại.

Đề cập Dự án Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu, rất nhiều ĐB bày tỏ sự không hài lòng khi hơn 1 năm qua chưa thấy dự án được phê duyệt. Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng “sốt ruột” trước sự chậm trễ này. “Đây là dự án quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đề nghị bộ trưởng nói rõ từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không”?

Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến và sau đó sẽ triển khai theo đúng quy định và hy vọng sẽ sớm thực hiện việc này vào đầu năm 2020.

Báo cáo thêm với Quốc hội về dự án này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục xem xét kỹ thêm để bổ sung quy hoạch tổng thể cụm này trong tổng thể các cụm điện khí của cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là ở khu vực phía Nam để bù đắp phần thiếu hụt, giảm việc phải truyền điện từ Bắc vào Nam”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Liên quan việc “bổ nhiệm” thần tốc ông Vũ Hồng Sơn, hiện đang công tác ở Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đã rà soát và có trao đổi với các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Nội vụ cũng như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư về một số điều kiện, tiêu chuẩn liên quan cán bộ. Song Bộ trưởng Bộ Công Thương “xin báo cáo đại biểu trong văn bản mới”.

Theo VĂN KIÊN

Cùng chuyên mục
XEM