Dabaco: “Sạch thì kém cạnh tranh”!
Trong chuyến đi khảo sát mới đây của World Bank và các tổ chức quốc tế nhằm tìm hiểu những nguy cơ của vấn đề quản lý rủi ro an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thế Tường – Phó Tổng Giám đốc Dabaco chia sẻ: “Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để hướng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng chính chúng tôi cũng đang tự đánh mất khả năng cạnh tranh của mình”.
Cách đây hai năm, Dabaco là một trong số rất ít các doanh nghiệp ý thức được việc sớm muộn cũng phải loại bỏ kháng sinh ra khỏi thức ăn chăn nuôi. Điều này vừa giúp Dabaco chuẩn bị sẵn sàng tư thế tham gia hội nhập vào các Hiệp định kinh tế thế giới, vừa giúp Dabaco đủ năng lực xuất khẩu các sản phẩm sau chế biến sang các thị trường EU và Bắc Mỹ.
Vàng thau lẫn lộn
Để loại bỏ kháng sinh và nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, Dabaco đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm:kiểm soát, phối trộn nguyên liệu đầu vào đạt tiêu chuẩn cấp quốc gia; phối hợp với các đơn vị uy tín như BioSpring đưa probiotics bào tử bền nhiệt vào trong thức ăn để hạn chế kháng sinh; sử dụng acid hữu cơ để giảm độ pH nhằm tạo môi trường cho vi khuẩn có lợi phát triển; nhập đồng bộ dây chuyền sản xuất từ các nước Anh, Pháp, Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, giảm thiểu kháng sinh và loại bỏ các chất hóa học độc hại thì Dabaco lại vấp phải những khó khăn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi buộc phải chọn giữa “Sạch” và “Bẩn”.
Theo ông Nguyễn Thế Tường – Phó Tổng Giám đốc Dabaco: Thứ nhất, khi sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm thay thế kháng sinh và các hóa chất độc hại vào trong thức ăn chăn nuôi, giá thành thức ăn sẽ bị tăng lên 3%, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Trong khi có rất nhiều loại cám giá rẻ tràn ngập trên thị trường thì việc tăng giá sẽ khiến các doanh nghiệp như Dabaco mất thị phần.
Thứ hai, do quan niệm lâu nay thường xem các sản phẩm chăn nuôi chất lượng là phải có màu đỏ tươi, nhiều nạc, ít mỡ nên những sản phẩm sạch màu hồng nhạt, bì dày, lắm mỡ lại bị coi là thực phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, yếu tố giá thành cũng là một cản trở đối với các đơn vị như Dabaco. Cụ thể, trong khi thịt ba rọi sạch bán ngoài thị trường là 130 nghìn/kg thì nuôi tăng trọng giá bán có 75 nghìn/kg.
Bên cạnh đó, việc quản lý lỏng lẻo các hóa chất và thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi đã vô tình khiến người chăn nuôi bất chấp tất cả để đạt lợi nhuận tối đa. Thay vì mất 7 – 8 tháng để nuôi một con heo nặng khoảng 90 kg, dùng chất tăng trọng heo đạt 100 kg chỉ trong 3 tháng. Chăn nuôi siêu tốc như vậy nên giá bán xuất chồng của họ cũng thấp hơn nhiều so với các sản phẩm như của Dabaco.
Một vấn đề khác, tuy không liên quan trực tiếp tới vấn đề an toàn thực phẩm nhưng nó lại gây trở ngại cho người dân nếu họ muốn tìm thức ăn chăn nuôi sạch cho đàn nuôi của mình. Nguyên nhân vì để thay đổi, bổ sung thông tin trên bao bì mất rất nhiều thời gian.
Hai năm gần đây Dabaco đã triển khai các biện pháp thay thế kháng sinh nhưng để bổ sung thông tin cùng lúc vào 300 mã sản phẩm cùng lúc thì rất khó thực hiên.
Nhiều quy định hiện nay đã vô tình gây khó cho bà con chăn nuôi và cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì giới thiệu sản phẩm dùng Probiotics thay thế kháng sinh nhưng khách hàng xem trên bao bì sản phẩm thì lại không thấy ghi.
Thiệt trước lợi lâu dài
Tuy đứng trước các khó khăn như vậy nhưng trong cuộc gặp gỡ với các tổ chức quốc tế và World Bank, ông Nguyễn Thế Tường – Phó Tổng Giám đốc Dabaco vẫn tỏ ra lạc quan: “Trước mắt đấy là những khó khăn của chúng tôi, nhưng về lâu dài nó chính là sức mạnh giúp chúng tôi đứng vững trên thị trường. Nếu chạy theo lợi nhuận thì không mấy nữa, khi các doanh nghiệp nước ngoài như Canada tràn vào đầu tư, phân phối sản phẩm chăn nuôi sạch thì các doanh nghiệp làm ăn chộp giật sẽ không còn đất sống”.
Theo ông Tường: “Thực phẩm sạch ắt giá phải cao, người có tiền đã đành nhưng người lao động thì không biết làm sao cho họ tránh khỏi tình trạng ăn gì cũng có nguy cơ bệnh tật”.
Đây chính là điều mà nhiều người dân cũng như đoàn khảo sát của World Bank đang tìm kiếm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch – chăn nuôi sạch cho Việt Nam.
Ông Võ Thanh Sơn – đại diện World Bank nhận định: “Câu chuyện của Dabaco chia sẻ rất có ý nghĩa vì nó mang đến hai hàm ý chính sách cho đoàn công tác. Hàm ý thứ nhất là đối với các cơ quan quản lý nhà nước, những quy định cứng nhắc về mẫu mã cần phải có cách hiểu cởi mở hơn. Hàm ý thứ hai là doanh nghiệp không phải chỉ có sản xuất ra sản phẩm tốt là đủ mà bản thân mình cũng phải có giải pháp cho người dùng cảm thấy tự tin để sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp”.
“Những nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian tới cùng với động thái tích cực của World Bank và các tổ chức quốc tế sẽ là cơ sở để Chính phủ hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro an toàn thực phẩm. Qua đó kịp thời ngăn chặn những yếu tố gây mất an toàn thực phẩm, vừa đem lại những bữa ăn không chứa các chất độc hại cho người dân, vừa tạo cơ sở cho các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi sạch có được môi trường cạnh tranh lành mạnh.”– ông Tường nhấn mạnh.