Đà Nẵng sẽ không cử 'nhân tài' đi học đại học nước ngoài Xã hội
Đại diện Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết sắp tới, Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ không cử học viên đi học đại học nữa bởi "từ đại học ra làm nhà nước, quản lý hành chính sẽ có độ chênh nhất định".
Ngày 25/5, Sở Nội vụ và Sở Thông tin Truyền thông thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến các trường hợp học viên "Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” (gọi tắt là Đề án 922) nghỉ việc sau khi được thành phố cử đi đào tạo ở nước ngoài.
Trước khi bắt đầu những thông tin về Đề án, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng "bình luận" rằng hai chữ “nhân tài” mà báo chí và mọi người dùng "có vẻ không chuẩn xác lắm".
“Tính đến nay, thành phố đã có trên 1.000 người diện thu hút, hơn 650 học viên được cử đi đào tạo, nếu gọi là “nhân tài” thì chắc Đà Nẵng nổi tiếng nhất thế giới về nhân tài!”, ông Chiến nói.
Ông Chiến cho hay Đề án 922 bổ sung nguồn lực cho khu vực công, nâng cao đội ngũ nhân lực đáp ứng nhân lực mũi nhọn cho ngành y tế, CNTT. Đặc biệt, nguồn nhân lực đào tạo ở nước ngoài về tạo hiệu ứng xây dựng môi trường làm việc năng động, tích cực.
“Nếu nói về hiệu quả thì rất hiệu quả, không chỉ Đà Nẵng tự đánh giá mà các tỉnh thành khác cũng công nhận. Có thể dẫn chứng ra có nhiều học viên được nhận bằng khen của Thủ tướng và của thành phố …Hay như tại Sở Nội vụ, 8/9 học viên là lao động xuất sắc”, ông Chiến nói.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội , 40 học viên đề án xin nghỉ việc là chuyện thường, nhưng đầy tiếc nuối đối với Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần.
Sở Nội vụ thông tin cụ thể lý do của 40 người xin nghỉ: 15 người muốn đoàn tụ gia đình, 6 người theo học cao hơn, 3 người vì lý do sức khỏe và 16 người muốn thay đổi công việc. Ông Chiến cho rằng chuyển dịch nhân lực từ công ra tư hoặc ngược lại là việc rất bình thường, đối với cả cán bộ công chức (CBCC) nói chung chứ không chỉ riêng học viên đề án. Tuy nhiên với Đà Nẵng, để những học viên có năng lực xin nghỉ thì cực kỳ tiếc nuối, vì rất cần người giỏi để xây dựng thành phố.
Ông Chiến cho biết sắp tới, Đề án sẽ không cử học sinh đi học đại học nữa bởi "từ đại học ra làm nhà nước, quản lý hành chính sẽ có độ chênh nhất định". Thay vào đó, đề án chuyển hướng đào tạo sau đại học cho những người đang làm việc trong hệ thống tùy vào nhu cầu, khả năng của mỗi đơn vị, cá nhân, hoặc bồi dưỡng theo các khóa, mời chuyên gia về bồi dưỡng để đáo ứng với từng nhu cầu cụ thể.
Hiện tại, còn 173 học viên của đề án chưa vào viên chức. Trả lời câu hỏi có phải việc thu hút nhân tài đã ảnh hưởng đến vị trí của các học viên được cử đi đào tạo, ông Chiến nói rằng qua đánh giá đề án, thì nhận thấy việc thu hút nhân lực và công tác đào tạo thiếu sự phối hợp. Mặc dù thời gian qua Đà Nẵng rất nỗ lực với hơn 200 học viên được vào công chức, bằng xét đặc cách và thi tuyển. "Sắp đến sẽ rà soát lại các đơn vị còn chỉ tiêu, rạo điều kiện cho các em thi vào", ông Chiến nói.