Cựu học sinh trường Thực nghiệm tiết lộ những điều khác biệt và vượt tầm nhờ Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại

07/09/2018 15:40 PM | Sống

Khi chưa thực sự hài lòng về phương pháp giáo dục hay thái độ của thầy cô với học trò, chúng tôi sẵn sàng lên gặp ban giám hiệu để phản ánh, nói lên tiếng nói của mình - điều mà chỉ có thể gặp (may ra) ở các ngôi trường dân lập tiên tiến ngày nay...

Thời gian gần đây, bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại tiếp tục vấp phải nhiều ý kiến khi được thử nghiệm tại các trường Tiểu học khắp cả nước. Nhiều phụ huynh lo ngại, cách phát âm "lạ" không phù hợp với con trẻ chỉ mới 7 tuổi. Đặc biệt sự xuất hiện của nhiều từ ngữ lạ khiến nhiều phụ huynh băn khoăn và lo lắng. Đó chỉ là một trong số những bất cập về phương pháp dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 mà phụ huynh phản ánh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều người đã lên tiếng bênh vực phương pháp dạy tiếng Việt của Giáo sư, TSKH Hồ Ngọc Đại và cộng sự. 

Dưới đây là chia sẻ của chị Việt Anh, một cựu học sinh trường Thực nghiệm về những giá trị mà ngôi trường và phương pháp giáo dục này mang lại. Chúng tôi xin đăng tải để quý độc giả có cái nhìn đa chiều hơn. 

Nếu CGD (công nghệ giáo dục) thực sự "có vấn đề", "xâm phạm quốc hồn quốc túy" "làm xáo trộn xã hội" "hủy hoại tiếng Việt, hủy hoại văn hóa dân tộc" như nhiều người tự cho mình là có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà lớn tiếng chỉ trích, thì tại sao Bộ Giáo dục không loại bỏ luôn từ 40 năm trước, khi nó xuất hiện tại Việt Nam, cớ sao phải đợi đến tận bây giờ?

Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực Nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn hài lòng với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả.

Xin hỏi các vị, khi có con đến tuổi đi học, cha mẹ mong nhất điều gì?

Theo tôi có 2 điều. Một là mong con được vui vẻ hạnh phúc, thích đi học, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè. Hai là mong con biết tự lập, tự tin để vững vàng bước vào cuộc sống cam go. Cả 2 điều ấy CGD đã làm được một cách xuất sắc. Hồi tôi còn bé, lúc nào chị em tôi cũng chỉ mong đến trường, mong gặp thầy, gặp bạn. Nhiều chục năm sau các con và cháu ruột tôi dù sốt 39 độ cũng nằng nặc đòi đi học.

Có thể chúng tôi chưa nổi tiếng và thành công như nhà toán học Ngô Bảo Châu, như bác sĩ - Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu hay nhiều học trò Thực Nghiệm khác nhưng chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế và chan hòa với mọi người. Vì dù đi đâu làm gì chúng tôi cũng nhớ về những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm... mà thầy Đại và các thầy cô giáo dù là dạy môn gì cũng luôn nuôi dưỡng trong chúng tôi những giá trị sống nhân văn qua từng tiết học.

Đành rằng cách đánh vần không làm cho con trẻ thông minh hay giỏi giang hơn người nhưng cũng nhờ vào phương pháp giáo dục (triết lí giáo dục) của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại và các cộng sự mà những lứa học sinh 40 năm vẫn mang tên "thực nghiệm" chúng tôi từ khi còn rất nhỏ đã biết tư duy logic, biết tập đi trên con đường của các nhà khoa học "thử - sai - thử lại", tự xây dựng kiến thức cho mình từ những gợi ý của thầy cô theo tôn chỉ: "thầy thiết kế - trò thi công", "lấy học trò làm trung tâm của bài giảng".

Những phương pháp tiếp cận kiến thức được học từ thuở thơ ấu dưới mái trường Thực Nghiệm tôi đã mang theo mình tới tận những năm tháng du học tại ngôi trường số 1 của nước Nga, chúng đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và nghiên cứu ngôn ngữ.

Dù ai có phủ nhận thì đó là quyền của họ. Chỉ biết rằng từ cách đây chẵn 40 năm, nếu khẩu hiệu của các trường học là "Tiên học lễ - Hậu học Văn", thì khẩu hiệu của trường Thực Nghiệm chúng tôi là "ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC - MỖI NGÀY ĐẾN TRƯỜNG NÁO NỨC MỘT NGÀY VUI".

Khi các bạn cùng trang lứa ở trường khác còn đang ê a đánh vần thì học sinh Thực Nghiệm chúng tôi đã đọc thơ lục bát;

Khi cả nước bỏ chữ thường chuyển sang viết chữ cải cách thì chúng tôi vẫn an nhiên viết theo lối truyền thống (rồi sau này cả nước lại bỏ chữ cải cách);

Khi các bạn trường khác đánh vật với việc tả người, tả cây, tả mưa thì chúng tôi cùng nhau đọc Paustovsky, Chekhov, Balzac, Hugo...;

Khi trường trường lớp lớp viết theo văn mẫu thì với một đề Văn, trong lớp tôi người viết văn, người viết đồng dao, người làm thơ, thậm chí có người vẽ để trả bài cho cô;

Khi cả nước học 1 buổi rồi về nhà nửa ngày thì chúng tôi vác cặp lồng cơm đi học y như công chức nhà nước; khi nhà nào bố mẹ cũng phải đưa con đi học thì chúng tôi đi xe bus tuyến;

Khi toàn quốc bậc tiểu học một cô dạy tất tần tật tất cả các môn thì từ lớp 1 chúng tôi có thầy cô dạy từng môn riêng biệt;

Khi các bạn trường khác tối về vẫn phải làm bài tập thì chúng tôi chơi, đọc sách, vẽ vời vì trong ngày đã có tiết tự học để giải quyết hết bài vở;

Khi trong suốt mấy chục năm trời Bộ Giáo Dục chưa thể quyết định nổi cho trẻ học ngoại ngữ từ lớp mấy thì chúng tôi đã học ngoại ngữ từ khi bắt đầu bước chân vào cổng trường tiểu học;

Khi chưa thực sự hài lòng về phương pháp giáo dục hay thái độ của thầy cô với học trò chúng tôi sẵn sàng lên gặp ban giám hiệu để phản ánh, nói lên tiếng nói của mình - điều mà chỉ có thể gặp (may ra) ở các ngôi trường dân lập tiên tiến ngày nay...

Và còn nhiều, còn rất nhiều điều khác biệt nữa chúng tôi được hưởng nhờ Công nghệ giáo dục, nhờ triết lí giáo dục đầy tính nhân văn mà GS. TSKH Hồ Ngọc Đại mang đến cho chúng tôi và con cháu chúng tôi trong suốt 40 năm qua.

Dưới mái trường Thực Nghiệm thân yêu chúng tôi luôn được YÊU THƯƠNG, được TÔN TRỌNG, được CHẤP NHẬN như chúng tôi vốn là, được tự tin LÀ CHÍNH MÌNH.

Trước khi các vị muốn chửi, muốn lên án, muốn xóa bỏ CGD thì hãy bình tĩnh ngồi ngẫm nghĩ một chút xem liệu tất cả những sự "khác biệt" mà tôi vừa liệt kê sơ bộ ở trên có phải là mong muốn và mơ ước (thật nhất) của mỗi cha mẹ học sinh ngày hôm nay? Nghĩ xong rồi mà vẫn thấy CGD có vấn đề, làm xáo trộn xã hội, xâm phạm văn hóa dân tộc... thì hãy lên tiếng tiếp nhé!

Và xin đừng nhầm lẫn với sáng kiến của Giáo sư Bùi Hiền - cải cách chữ viết tiếng Việt, còn CGD sử dụng phương pháp dạy trẻ học về âm rồi mới bắt đầu ghép vào chữ cái để đọc. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau.

Tóm lại, nếu thích mời bạn tìm hiểu còn theo hay không tùy bạn. Nếu không thích xin đừng chọn. Nhưng HÃY TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT - đó chính là biểu hiện của sự văn minh.

Cựu học sinh trường Thực nghiệm tiết lộ những điều khác biệt và vượt tầm nhờ Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại - Ảnh 2.

Bộ sách Tiếng Việt Giáo dục công nghệ. Ảnh: Internet

Liên quan tới sự việc này, bác sĩ, PGS - Tiến sĩ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ: 

Để cung cấp thêm thông tin, tôi xin tóm tắt 7 cột mốc trong lịch sử phát triển giáo dục sau 1975 của Việt Nam.

1. Năm 1981 cải cách giáo dục lần thứ 3, cả nước thống nhất học sách cải cách, duy chỉ có Trường Thực nghiệm CNGD học sách của GS. Hồ Ngọc Đại.

2. Năm 1986, nhận thấy có năm có tới 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh lớp 1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó đã quyết định khuyến khích các địa phương dùng bộ sách của GS. Hồ Ngọc Đại.

3. Năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) thống nhất một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước theo chương trình 2000. Sách Công nghệ giáo dục (CNGD) của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

4. Năm 2006 ngành giáo dục phát hiện nạn ngồi nhầm lớp diễn ra phổ biến, có học sinh sáng học lớp 6 chiều học lớp 1 để tập đọc. GS. Hồ Ngọc Đại đưa sách giáo khoa CNGD quay trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số".

5. Năm 2008, Bộ GD&ĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh.

6. Năm 2013 Bộ GD&ĐT bỏ thuật ngữ "thí điểm", tài liệu Tiếng Việt 1 CNGD được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh thành lựa chọn.

7. Năm 2016 đã có 48 tỉnh tham gia

Vị Đại biểu Quốc hội này khẳng định: "Tôi là bác sĩ, nhưng cũng là giảng viên gần 20 năm. Tôi dạy học sinh dựa trên y học bằng chứng (Evidence based medecine). Tôi không khuyến khích học sinh phải coi những gì tôi nói là chân lý, mỗi người có thể có suy luận của riêng mình, nhưng xin hãy tôn trọng những đóng góp với mục đích làm cho xã hội phát triển tốt đẹp hơn". 

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
XEM