Cựu Giám đốc điều hành PepsiCo: "Ngay cả khi là một CEO, tôi vẫn bị gọi là ‘honey’ ở nơi làm việc"
Bà Nooyi đã có những chia sẻ về công việc và cuộc sống cũng như đưa ra lời khuyên hữu ích trong công việc.
Cách đây không lâu, bà Indra K. Nooyi, một trong 25 nữ CEO của danh sách Fortune 500 đã rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành sau hơn một thập kỷ cống hiến cho tập đoàn Pepsi.
Trong nhiệm kỳ của mình, bà Nooyi đã thúc đẩy đầu tư vào các sản phẩm có lợi cho sức khỏe thông qua chương trình mang tên Performance with Purpose initiative. Ngoài sản phẩm nước giải khát Pepsi, snack Doritos và khoai tây chiên Lay’s, danh mục đầu tư của công ty còn bao gồm yến mạch Quacker Oats và snack hoa quả Bare Foods. Được biết, bà Nooyi vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị đến đầu năm 2019.
Mới đây, trong một buổi trò chuyện, bà kể rằng ngay cả khi ở vị trí cấp cao, đôi khi bà vẫn bị người khác giới gọi là "em yêu" hay "honey". Tuy nhiên, những trải nghiệm tiêu cực đó chỉ chiếm 20% và 80% còn lại là sự cố vấn và hỗ trợ nhiệt tình của đồng nghiệp.
Giờ đây, bà bắt đầu dồn sự tập trung vào việc giải quyết những vấn đề khiến bà từng đau đầu suy nghĩ nhưng lại không thể xử lý khi còn đang là CEO của một công ty đại chúng. Là mẹ của hai cô con gái, bà Nooyi đã quá quen thuộc với chủ đề làm sao để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Bà Nooyi bên chồng và hai con gái.
Bà chia sẻ: "Khi là một CEO, mọi thứ có vẻ dễ dàng hơn vì bạn có rất nhiều tiền. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn kể cả việc đưa con cái vào làm việc vì bạn là bà chủ và không ai dám có ý kiến gì".
Tuy nhiên, càng nắm giữ chức vụ quan trọng hơn thì lại càng có nhiều vấn đề phát sinh. Tiêu biểu nhất là khi đó, đồng hồ sinh học và "đồng hồ nghề nghiệp" sẽ xung đột với nhau.
"Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề như thế nào để giúp người phụ nữ hiện đại có thể vừa làm việc hiệu quả trong nền kinh tế đồng thời chăm lo chu đáo cho gia đình? Chúng ta cần tăng tỷ lệ sinh sản để tạo ra thế hệ mới xây dựng đất nước".
Từ quan điểm cá nhân, bà Nooyi cho biết những năm đầu, bà đã gặp không ít khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Tuy nhiên, sau một cuộc trò chuyện thẳng thắn, hai vợ chồng bà đã tìm ra cách vẹn toàn để giải quyết vấn đề.
Khi bà Nooyi đến Mỹ năm 1978, đây là một đất nước đáng mơ ước trong việc học tập và kiếm sống. Trong trí nhớ của bà, nước Mỹ đã không làm bà thất vọng.
Trước đây, khi được một Thủ tướng hỏi tại sao lại chọn nước Mỹ chứ không phải Vương quốc Anh khi rời Ấn Độ, bà trả lời: "Thưa ngài, nếu tôi chọn nước Anh thì giờ đây tôi đã không ngồi ăn trưa với ngài. Trải nghiệm nhập cư của tôi rất tích cực. Tôi đã đi du lịch vòng quanh thế giới và chưa thấy quốc gia nào hỗ trợ và chào đón nồng hậu như nước Mỹ".
Ngoài ra, bà cũng chia sẻ về trải nghiệm thời trang của mình. Trước đây, bà không có nhiều tiền để mua trang phục đẹp nhưng sau khi trở nên giàu có, bà lại không biết nên mua gì.
Để giải quyết vấn đề này, bà quyết định sẽ "chiến thắng" bằng trí tuệ chứ không phải vẻ ngoài. Vì vậy, bà đã mua 10 chiếc áo sơ mi trắng và thay phiên mặc chúng khi đi làm. Bà cũng có lời khuyên cho những người trẻ làm việc: "Đừng quá chú ý đến quần áo mà thay vào đó, hãy bận tâm đến hiệu quả công việc".