Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: "Cơ hội của chúng ta nằm trong chính nền giáo dục, chứ không phải công nghiệp"
"Trên thế giới có công ty World Quant chuyên tuyển người giỏi toán để đầu tư mô hình máy tính, họ có 600 nhân viên đặt văn phòng 15 nước trên thế giới thì có tới 120 người là người Việt. Điều đó chứng tỏ các "công thần" giỏi toán giá cao lắm", Hiệu trưởng đại học Funix chia sẻ.
Tại phiên thảo luận về nhân tài trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, nằm trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Frontier Summit 2019 với chủ đề "Intelligence in Motion" được tổ chức bởi rubikAI, Nexus FrontierTech và VTV24, các diễn giả đã chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.
Ông Trương Xuân Nam, giảng viên đại học Thuỷ Lợi, admin một diễn đàn về công nghệ chỉ ra một thực trạng tại Việt Nam hiện nay là chương trình đào tạo học theo chương trình của nước ngoài nhưng do điều kiện về hạ tầng công nghệ không đủ dẫn đến việc các sinh viên phải học chay và không có cơ hội áp dụng thực tiễn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, giám đốc HPC Việt Nam, cho rằng việc đào tạo công nghệ cao tại Việt Nam hiện nay không chỉ tiếu về hạ tầng máy móc mà còn thiếu giáo sư, giảng viên. Ông Cường cho rằng hiện nay đội ngũ chuyên gia, giảng viên có kiến thức đủ sâu làm chuyên môn rất ít, như giáo sư Bùi Thế Duy trước đây là Chủ nhiệm khoa CNTT, ĐH Công nghệ và là một trong những chủ nhiệm khoa trẻ nhất tại các trường đại học thời bấy giờ thì hiện đã lên chức thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, còn những giảng viên có kinh nghiệm làm thực tế như anh Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Đại học FPT, hiệu trưởng Đại học Funix rất ít.
Theo ông Cường, các thạc sĩ tại Việt Nam khi ra nước ngoài làm đồ án tiến sĩ thường chỉ giải các bài toán của các giáo sư nước ngoài đi trước, sau đó tối ưu các mô hình. Khi về nước giải các bài toán thực tế thì họ không giải quyết được, dẫn đến việc gần như Việt Nam đang thiếu nhân sự có thể định hình ra bài toán.
Với vai trò là Hiệu trưởng trường Đại học trực tuyến Funix, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, ông Nguyễn Thành Nam, cực CEO FPT lại có một cái nhìn lạc quan hơn về việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ. Theo ông Nam, vấn đề thiếu nhân sự trong ngành công nghệ cao hiện nay chính là cơ hội của Việt Nam.
"Chúng ta có phải ai cũng hiểu về AI đâu, có khi chỉ 5-10% là hiểu, nhưng đó lại là cơ hội. Ngoài kia ùn ùn đi tuyển người lương 1.000 USD/tháng, tại sao không đi học. Việt Nam có rất nhiều cơ hội, bản chất của AI là toán học, người Việt từ xưa đến nay học toán không kém. Trên thế giới có công ty World Quant chuyên tuyển người giỏi toán để đầu tư mô hình máy tính, học có 600 nhân viên đặt văn phòng 15 nước trên thế giới thì có tới 120 người là người Việt. Điều đó chứng tỏ các "công thần" giỏi toán giá cao lắm, chúng ta có nguồn lực rất lớn nhưng để "các bạn khác" khai thác. Có sao đâu, nhân sự của chúng ta được trả lương cao. Thay vì kêu ca vấn đề chúng ta tập trung đào tạo thêm nhiều người giỏi hơn.
Tôi còn nhớ hồi tôi về nước năm 1988 (ông Nguyễn Thành Nam là tiến sỹ Toán tại Nga), khi đó Việt Nam không có nhiều giáo viên dạy công nghệ thông tin. Lập trình thời đấy chỉ basic, cả nước có dăm ba ông biết nhưng người Việt Nam có một câu rất hay là "học thầy không tày học bạn". Tất cả các lớp lập trình khi ấy, ông thầy chỉ mới học hôm qua thôi, lên lớp trò hỏi không biết thì về nghiên cứu tiếp, quá trình đó cả thầy và trò cùng học. Đấy là lời giải cực kì sáng. Chúng ta đừng hi vọng mọi thứ phải hoàn hảo, học rồi tất cả xã hội vận động theo.
Khi Funix đưa ra chương trình dạy về Data science, deep learning, mọi người kêu lấy đâu ra giáo viên? Cách của Funix là sử dụng giáo trình trên mạng, nếu trên mạng ko có thì chứng tỏ môn này chưa cần học, sớm quá. Đọc ko hiểu thì đi hỏi, hỏi không ai biết thì chứng tỏ mình giỏi nhất, cảm giác mình mày mò khám phá hôm sau mình tìm ra mình bảo cho người khác. Chúng tôi gọi đó là mentorship.
Tôi tin rằng đây là cơ hội, nếu ngành giáo dục Việt Nam phá bỏ mô hình cũ đi ông thầy biết mới dám lên dạy, khi chúng ta đủ thầy thì muộn mất rồi, thế giới chạy lâu rồi. Chúng ta mạnh dạn đứng lên mở lớp về lập trình AI, hứa là học xong thì lương 1.000 USD thì 100% người học đấy chỉ cần 1 người học thôi, cả nước có 100.000 ông giỏi AI là ngon rồi.
Tôi tin một điều sâu sắc là dạy toán ở các trường phổ thông Việt Nam không hề tệ, thậm chí còn bị chê là nặng quá. Đấy là cơ hội. Tôi không hiểu tại sao Bộ Chính trị không nhắc đến cơ hội của chúng ta nằm trong chính nền giáo dục, chứ không phải công nghiệp. Thế giới người ta chế robot lâu rồi. Chúng ta đào tạo được nhiều nguồn nhân lực, cuộc cách mạng 4.0 làm cho dân trí tăng lên thì chúng ta tự tin giải bài toán khác, điều đó quan trọng hơn nhiều.
Cơ hội này không dài mãi mãi đâu. Đã là cơ hội thì bao giờ cũng có tính thời điểm, cơ hội kéo dài mãi mãi đâu gọi là cơ hội, chúng ta phải làm rất nhanh", Hiệu trưởng Funix trăn trở.
Ông Nguyễn Việt Cường, CEO HPC Vietnam
Ngoài việc thiếu hụt nguồn đào tạo trong nước, Việt Nam đang đứng trước bối cảnh các nhân sự chất lượng cao sang nước ngoài làm việc hết. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường cho biết bản thân mình vừa là giảng viên, vừa điều hành một phòng lab bên Nhật và điều hành công ty HPC Vietnam (high performance computer) và đã có thời gian 12 năm làm việc và học tập tại Nhật. "Em đã đưa cả gia đình về nước. Các bạn em, thế hệ 8x đời đầu làm việc ở nước ngoài cũng đồng loạt về nước. Vì sao? Vì Việt Nam nhiều cơ hội hơn, vui hơn, con cái được nói tiếng Việt".
"Tại sao nhân sự ngành công nghệ cao đi học nước ngoài cần phải có thời gian ở lại đủ lâu? Để họ có thể thấm phong cách làm việc và tiếp cận biên tri thức thế giới thì khi về Việt Nam họ "có thể làm được gì đó". Thứ hai là chuyện cơ hội, càng hỗn loạn càng nhiều cơ hội, mỗi khi mình định hình được gì trong sự hỗn loạn thì mình kiếm được lợi nhuận. Mình thấy Việt Nam có quá nhiều cơ hội và chuyển cả nhà về", CEO HPC Vietnam chia sẻ. Ông Cường cũng cho biết công ty HPC Việt Nam có thể "bao thầu" về máy tính cho các trường toàn bộ khu vực phía Bắc.