Doanh nhân Nguyễn Thành Nam: Bài học về triết lý kinh doanh từ các cô “osin” đi lao động nước ngoài khiến tôi nhớ suốt đời
Bạn có thể lý giải được không: Tại sao các cô "osin" Việt sức khoẻ yếu hơn, trình độ kém hơn, lười hơn,… vì không được đào tạo lại có thể thắng trong cuộc cạnh tranh với mấy cô Philippines? Tôi cũng rất ngạc nhiên nên hỏi tiếp: "Vậy tại sao thắng được họ?" Các cô ấy mới trả lời một câu khiến tôi nhớ đến suốt đời....
Trong Diễn đàn Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ Văn hoá kinh doanh, ông Nguyễn Thành Nam – cựu CEO FPT, Hiệu trưởng Đại học trực tuyến Funix, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT đã chia sẻ bài học về triết lý kinh doanh được học từ các cô gái người Việt sang Đài Loan làm người giúp việc. Ông khẳng định nhiều lần: “Tôi nhớ suốt đời không bao giờ quên!”.
Tôi rất tâm đắc với nhận định "Văn hoá quyết định sự thành bại của doanh nghiệp". Trong đó, hệ thống giáo dục nội bộ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng văn hoá kinh doanh. Tuy nhiên, trường học quan trọng nhất với mỗi con người vẫn là trường đời.
Năm 2000, tôi sang Mỹ thực hiện nhiệm vụ quan trọng: tìm đường xuất khẩu phần mềm. Nhưng sau đó đã phải ra về trong buồn rầu vì thấy mình "không có cửa", vì người ta chưa tin mình, đến không ai đón, về không ai tiễn…
Trong lúc quá cảnh ở sân bay Đài Bắc, tôi gặp các chị em người Việt sang Đài Loan lao động, tạm gọi họ là những "osin" – người giúp việc gia đình. Họ nói chuyện rất rôm rả, vui vẻ, lạc quan, rõ là tinh thần của người chiến thắng. Trong khi mình - một trí thức - thì đang rất buồn vì dù rất giỏi trong nước nhưng ra nước ngoài thì không là ai biết, vẫn chuốc lấy thất bại.
Tôi tò mò bèn hỏi:
- Các cô đi sang đây có phải cạnh tranh với ai không mà cười vui thế?
- Có chứ anh, chúng em phải cạnh tranh ác liệt với mấy cô Philippines.
- Các cô thắng vì khoẻ hơn ư?
- Không, chúng em yếu hơn.
- Hay các cô chăm hơn?
- Chúng em lười hơn.
- Vậy hay các cô sạch sẽ hơn, ngoan hơn?
- Cũng không anh ạ, chúng em còn hư hơn…
Bạn có thể lý giải được không? Tại sao các cô "osin" sức khoẻ yếu hơn, trình độ kém hơn, lười hơn,… vì không được đào tạo lại có thể thắng trong cuộc cạnh tranh đó? Tôi cũng rất ngạc nhiên nên hỏi tiếp: "Vậy tại sao thắng được họ?"
Các cô ấy mới trả lời một câu khiến tôi nhớ đến suốt đời: "Do chúng em nấu ăn ngon hơn, hợp khẩu vị hơn!"
Bởi, "phe" Philippines được học hành nhiều hơn, họ nấu nướng theo công thức rập khuôn có sẵn. Nhưng "phe" Việt Nam thì nếm! Một cách làm đơn giản, hiệu quả mà cô gái Việt Nam nào cũng làm dù không có trường nào dạy.
Các cô "osin" đã cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới bằng sức mạnh văn hoá có sẵn và giành chiến thắng. Trong khi đó, chúng tôi lại đi học để cạnh tranh. Làm như vậy là thua chắc! Vì những gì chúng ta mới học chỉ là những gì mà chúng ta mới biết, chưa thể biến thành thế mạnh cạnh tranh. Thay vào đó thì nên quay về xem điểm mạnh sẵn có của mình là gì để phát huy thì hơn.
Họ đã dạy cho tôi bài học rất hay về triết lý kinh doanh, sức mạnh của văn hoá mà không trường nào có thể dạy được.
Tôi ra về, cẩn thận suy nghĩ lại về lợi thế có sẵn trong văn hoá Việt Nam. Và nhận thấy rằng, lợi thế của chúng ta là thanh niên Việt học cái mới rất nhanh. Cùng một điều mới nhưng chúng ta luôn học nhanh hơn nước bạn. Từ đó, công ty chúng tôi chỉ chọn những dự án công nghệ cao, càng mới càng tốt. Vì nếu có cùng một xuất phát điểm với đối thủ nước ngoài thì mình luôn có lợi thế hơn, bởi mình học nhanh hơn!
Cho đến nay, tôi vẫn luôn đau đáu kiểm chứng giả thiết: Doanh nghiệp Việt, muốn thành công trên thị trường thế giới thì phải thấm đẫm văn hoá Việt, rất hiểu và tận dụng được những điểm mạnh nhất của văn hoá Việt.
Nếu bạn là người thích phê phán, bạn sẽ thấy toàn điểm dở. Nhưng bạn nên hiểu sâu sắc một điều rằng, đất nước này có rất nhiều điểm mạnh và hay!