img

Ấn tượng đầu tiên của người viết khi gặp ông Nguyễn Thành Nam - cựu CEO Tập đoàn FPT (hiện là Hiệu trưởng Đại học trực tuyến Funix) là vào một buổi chiều Chủ nhật tại một hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội. Ông Nam với vai trò là Hiệu trưởng Funix vừa phát biểu về chuyển đổi số và nguồn nhân lực kỹ sư công nghệ thông tin trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp 4.0.

Kết thúc hội thảo, ông Nam xách ba lô, mặc quần jeans áo sơ mi, đi rất nhanh ra ngoài bắt một chiếc Grabbike, đội lên đầu chiếc mũ bảo hiểm và vụt đi. Nếu nhìn bên ngoài, không ai nghĩ đây là người từng ngồi ghế CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, và là người đã đào tạo ra hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin. Trông ông Nam chẳng "bốn chấm không" gì cả!

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 1.

Tại sao anh lại gọi Endeavor là tổ chức "từ thiện cho người giàu"?

Chính xác thì không phải là "từ thiện cho người giàu" mà giúp những người muốn thoát bẫy "giàu" thuần túy cho bản thân, để trở thành các doanh nhân có ảnh hưởng cao trong xã hội.

Ở Việt Nam vì những lý do chính trị, chiến tranh mà chúng ta gần như đánh mất toàn bộ thế hệ doanh nhân truyền thống. Thế hệ doanh nhân ở thời điểm hiện tại có thể coi là 1.0 và bố mẹ của họ đa phần là nông dân, giáo viên, kỹ sư. Có rất nhiều thách thức khi gặp phải họ không biết phải hỏi ai. Họ phải tự mày mò, và mất rất nhiều cơ hội và thời gian. Người ta nói là "học thày không tày học bạn", luôn có những người hiểu biết hơn mình, đi trước mình thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Endeavor là một tổ chức phi lợi nhuận, nhưng được vận hành như một quỹ đầu tư tạo ra một mạng lưới cộng đồng doanh nhân toàn cầu có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tổ chức này nhắm vào các doanh nhân có có tác động lớn đến xã hội như có nhiều lao động, doanh thu cao, hay có những giải pháp sáng tạo đột phá, hay có thể là những tấm gương lan truyền cảm hứng.

Các doanh nhân trong mạng lưới sẽ được kết nối và học hỏi từ những người đi trước đã thành danh (mentors) hoặc các doanh nhân khởi nghiệp khác. Cái hay là mạng lưới này ở hơn 30 nước trên thế giới trong đó có nhiều nước có điều kiện phát triển tương đồng với Việt Nam. Cái hay nữa là mạng lưới rất đa dạng, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghệ, mà còn có thể là nuôi bò, nấu rượu vang, dạy học, nhà tạo mẫu….

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 2.

Làm thế nào để các doanh nhân gia nhập tổ chức này?

Cũng khá phải tróc vi trầy vảy. Các ứng viên sẽ phải trải qua vòng phỏng vấn địa phương và vòng quốc tế. Thường thì mỗi vòng, hội đồng có 6 chuyên gia, và bạn sẽ phải thuyết phục tất cả họ. Chỉ cần một người không đồng ý là bạn sẽ bị loại.

Họ sẽ lôi vấn đề của bạn ra mổ xẻ, lật đi lật lại. Có doanh nhân chia sẻ: "Chỉ được đi phỏng vấn đã có lợi rồi. Các chuyên gia hỏi những câu trước đây em không bao giờ nghĩ đến".

Ở nhiều nơi, người ta còn phải bỏ hàng tấn tiền để đi ăn trưa với người nổi tiếng. Tại Endeavor, bạn có cả một dàn những chuyên gia xuất sắc, mổ xẻ thảo luận vấn đề của bạn miễn phí.

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 3.

Endeavor là tổ chức phi lợi nhuận, vậy kinh phí ở đâu để vận hành?

Để tổ chức hoạt động thì có người đóng tiền. Và người tiêu tiền. Các nhà sáng lập Endeavor Việt Nam (chúng tôi dịch là Chiến đạo Việt Nam), tạm coi là doanh nhân thế hệ một tự xưng, sẽ phải xuống tiền. Văn phòng Chiến đạo Việt sẽ tổ chức các hoạt động và dịch vụ cho các doanh nhân. Chủ yếu là miễn phí hoặc nếu có đóng góp thì trên tinh thần tự nguyện.

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 4.

Việc Chiến đạo Việt Nam không thu phí các doanh nhân, và cũng không có mục tiêu đầu tư vào các doanh nghiệp mà mình giúp đỡ là để tránh xung đột lợi ích. Chúng tôi sẽ không có động cơ nào khác để nói với các bạn ấy hoàn toàn sự thật chúng tôi nghĩ về cá nhân và doanh nghiệp ấy. Đơn thuần với tư cách là người đi trước đã có kinh nghiệm.

Tôi được chọn làm Chủ tịch Endeavor Việt Nam nhiệm kỳ 5 năm. Trong board và trong hệ thống mentors có nhiều người trẻ. Và tôi tin đó là tương lai của Việt Nam. Có bạn chưa đến 40 tuổi, nhưng sẵn sàng đóng góp cho đi hàng tỷ đồng và thời gian quý báu của mình để giúp đỡ các doanh nghiệp kế cận. Tôi thì đã già rồi còn các bạn đó sẽ còn hỗ trợ được rất nhiều cho các doanh nghiệp trẻ vì cùng thế hệ.

Ngoài ra, Endeavor có quản lý một quỹ đầu tư là Catalyst, chuyên đầu tư cùng các quỹ khác vào các doanh nghiệp trong mạng lưới, chú trọng vào các công ty công nghệ. Điểm khác biệt với các quỹ khác, là nhà đầu tư khi bỏ tiền vào quỹ này cam kết 50% lợi nhuận thu về sẽ được dùng để đóng góp trở lại cho Endeavor làm các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 5.

Anh có nhắc đến mạng lưới cộng đồng doanh nhân, hình như anh mới kết hợp với một nhóm bác sĩ và nhà toán học ra mắt một nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế?

Tôi có một người bạn khá thân làm bác sĩ trong lĩnh vực liền vết thương. Lĩnh vực này ở Việt Nam ít được quan tâm, thậm chí nhiều khi không coi là bệnh. Có mụn thì nặn. Bỏng, ngã, lở loét thì tự hỏi nhau rồi bôi. Rất ít khi đi gặp bác sĩ. Mà cũng ít có bác sĩ để gặp. Do bác sĩ được đào tạo bài bản về các bệnh lý liên quan đến da ở Việt Nam rất ít. Nhiều khi biến chứng dẫn đến hậu quả nặng nề.

Khi biết tôi thành lập FUNiX, anh bạn tâm sự: "Nếu anh mong muốn Funix đào tạo cho hàng triệu học sinh biết về lập trình thì em cũng mong muốn khám bệnh được cho hàng triệu bệnh nhân mà không phải đến bệnh viện".

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 6.

Tưởng là dễ mà bắt tay vào làm thì thấy thật không dễ chút nào.

Lúc đầu mình dương dương tự đắc, nhờ đàn em dựng ngay cho 1 cái phần mềm. Ông em bác sĩ không vừa lòng. Lại mời team khác - đa quốc gia. Vẫn chưa vừa lòng. Lại thay team nữa. Đầu đàn cứng cựa luôn. Ông em vẫn lắc đầu quầy quậy…

Năm ngoái sang Toulouse thăm thầy giáo cũ, đem chuyện tâm sự với ông em cùng học Toán từ thời Moscow, đã không gặp từ rất lâu. Ai ngờ ông em bảo: "Vụ này của anh phải có AI mới cứu được. Mà AI là Toán. Còn cao thủ về Toán chính là em đây. Anh kết nối em với các team ở Việt Nam". Thế là DeepClinics ra đời.

DeepClinics cho phép ứng dụng công nghệ tin học trong việc chăm sóc, chữa các bệnh da, bao gồm cả các bệnh da phổ biến như mụn trứng cá, chàm da, các vết thương, các bệnh da hiếm gặp, ung thư da… chỉ bằng một cái điện thoại. Người dùng chụp ảnh và máy sẽ phân tích bệnh trên da và đưa ra gợi ý về đơn thuốc hoặc tư vấn đi gặp bác sĩ.

Tỷ lệ chính xác của phương pháp này ra sao?

Hiện tại chúng tôi mới đặt mục tiêu máy chẩn đoán chính xác hơn bác sĩ đa khoa. Và ở một số bệnh sẽ tương đương với bác sĩ chuyên khoa mới vào nghề. Có cái hay là nếu đúng đường, chọn đúng mô hình, thì máy sẽ ngày càng thông minh lên. Mỗi lần chụp sai bác sĩ sẽ đánh dấu lại, tỷ lệ mụn như thế nào, mức độ phát triển loại mụn này nói lên vấn đề gì, chụp càng nhiều thì khả năng lớn càng chính xác.

Nhìn từ việc ứng dụng AI trong lĩnh vực khám chuyên khoa da liễu như DeepClinics, anh thấy về cơn bão cách mạng 4.0 và việc ứng dụng công nghệ ở Việt Nam hiện nay như thế nào?

Nếu có cơn bão cách mạng công nghệ thật thì nó phải như vũ bão, không thể không nhìn thấy. Vậy bạn có biết ngành nào đang áp dụng công nghệ nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay không? (ông Nam hỏi ngược lại người viết-PV).

Đó là cờ bạc, không cần kêu gọi thì người ta vẫn làm và làm từ lâu rồi. Vì sao? Vì nó có nhu cầu thật, giải quyết nhu cầu thật.

Các công ty khởi nghiệp của ta hiện nay hay gặp sai lầm là lấy bài toán không có thật để giải. Tôi hay nói đùa là "Đọc báo Tuổi trẻ xong đi khởi nghiệp ngay". Ít ai bỏ công ra tìm hiểu thực sự xem có vấn đề đấy trong thực tế không? Đã có ai giải quyết chưa? Đến đâu rồi? Nếu thế giới đã làm rồi tại sao không mua về dùng được? Còn chưa ai làm liệu mình có đi sai đường không?

Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 8.

Các thầy dạy Toán xưa luôn nhắc đi nhắc lại học trò: "đọc kỹ đầu bài trước khi làm". Không xác định rõ đầu bài đã lao vào làm và giải như điên, sai hướng, tốn thời gian và tốn tiền. Và khi gặp khó khăn sẽ nản, dễ bỏ cuộc.

Tiếp đó là phải nhìn ra vấn đề nào thiết thực nhất, khả thi nhất, vì nhu cầu thì nhiều mà nguồn lực của chúng ta có hạn. Chứ không phải là đã làm thì phải hoành tráng. Y tế thì phải chữa ung thư chứ không nặn mụn.

Lấy ví dụ, chúng ta bàn về Smart City rất nhiều. Giải thưởng quốc tế hoành tráng. Có cả Summit – Hội nghị thượng đỉnh. Vậy mà sự cố ô nhiêm nước sông Đà ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Hà Nội, tuyệt không thấy các chuyên gia 4.0 và Smart City lên tiếng. Làm sao phát hiện sớm nước ô nhiễm? Phát hiện xong thì xử lý ngay lập tức làm sạch nước thế nào? Xử lý lâu dài, thiết kế lại đường ống thế nào? Hay làm cái robot xuống thau bể để người dân khỏi bị chết thảm thương…

Làm được những cái đó chính là đem cách mạng 4.0 vào thành phố, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Hy vọng là sau khi đọc xong bài này, sẽ có một số bạn bỏ công tìm hiểu để khởi nghiệp làm sạch nước cho các đô thị khắp thế giới.

Châu Cao
Tuấn Mark
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ
Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: “Các chuyên gia Smart City sao không phát rồ lên vì có cơ hội giải bài toán nước Sông Đà?” - Ảnh 10.


Trí Thức Trẻ