Cuối tuần này, chuyến bay dài nhất lịch sử sẽ cất cánh: Đó sẽ là một đại thí nghiệm kéo dài 20 tiếng đồng hồ

18/10/2019 09:45 AM | Công nghệ

Hậu quả thường thấy khi hạ cánh, đó là sự mệt mỏi quá mức vào ban ngày hoặc mất ngủ vào ban đêm. Jet lag có thể trở nên tồi tệ hơn trong những chuyến bay về hướng đông, bởi vì đi theo hướng đó nghĩa là bạn đang đi ngược chu kỳ ngày và đêm bình thường.

Cuối tuần này, Hãng hàng không Qantas Airways của Australia sẽ khai thác một chuyến bay thương mại dài nhất trong lịch sử. Dự kiến cất cánh ở New York vào Thứ Sáu, chuyến bay sẽ vượt qua 16.200 km trong suốt 19 tiếng 30 phút để hạ cánh ở Sydney vào Chủ Nhật.

Trước đây, chưa từng có hãng hàng không nào khai thác một đường bay thẳng qua nửa hành tinh với độ dài kỷ lục như vậy. Và bởi đây là lần đầu tiên, chuyến bay sẽ trở thành một cuộc thử nghiệm khoa học thực sự.

Chiếc Boeing 787 Dreamliner của Qantas Airways sẽ giống như một ống nghiệm khổng lồ bay ở độ cao 12 km, chứa trong đó 50 "con chuột bạch" chính là phi hành đoàn và những hành khách dũng cảm.

Các nhà khoa học sẽ đi theo họ để nghiên cứu não bộ của phi công, đồng thời theo dõi chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ và hoạt động của các hành khách. Mục đích là để xem con người có khả năng chịu đựng được jet lag trong những chuyến bay dài như vậy hay không.

Những chuyến bay siêu dài

Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học vật liệu đã giúp cho những chiếc máy bay của chúng ta nhẹ đi rất nhiều. Cùng với những tiến bộ trong thiết kế khí động học, con người đã cho ra đời những chiếc máy bay có khả năng bay nhanh hơn và xa hơn.

Các hãng hàng không khi đó cũng bắt đầu khai thác những đường bay xuyên lục địa dài chưa từng có. Năm ngoái, Singapore Airlines đã thực hiện các chuyến bay thẳng tới New York. Đến cuối tuần này là Qantas Airways với đường bay New York – Sydney.

Hãng hàng không Australia thậm chí còn có kế hoạch khai thác thêm một đường bay dài hơn thế, từ London về Sydney với độ dài 17.800km thời gian bay 20 tiếng 30 phút.

Nhưng khi càng có nhiều chuyến bay đường dài được khai thác, chúng ta càng phải quan tâm đến một vấn đề không thể tránh khỏi của nó: jet lag.

Sự xáo trộn đồng hồ sinh học của những chuyến bay qua nhiều kinh tuyến dẫn đến cảm giác mệt mỏi không thể tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề, cả một ngành công nghiệp tỷ đô đang mọc lên từ đó, với hàng loạt các sản phẩm bao gồm: viên uống melatonin, thuốc chống lo âu, kính phát sáng điều chỉnh đồng hồ sinh học và cả các ứng dụng điện thoại.

Tập khách hàng tiềm năng là một con số đáng kinh ngạc. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), dự kiến trong năm 2019, sẽ có khoảng 4,6 tỷ người đi máy bay, con số sẽ tăng lên 8.2 tỷ vào năm 2037.

Nhu cầu về các liệu pháp chống jet lag đang gia tăng khoảng 6% mỗi năm và ngành công nghiệp này sẽ trị có giá 732 triệu USD vào năm 2023, theo BIS Health. Thị trường điều trị rối loạn giấc ngủ - trong đó chủ yếu là các mặt hàng thuốc - thậm chí còn rộng lớn hơn nữa.

Tại thời điểm này, nó đã có trị giá ước tính 1,5 tỷ USD và sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD vào năm 2023, GlobalData cho biết. Trong đường ống của các nhà máy thuốc, hơn 80 loại dược phẩm nhắm đến việc điều trị rối loạn giấc ngủ đang tiến tới giai đoạn lâm sàng.

Cuối tuần này, chuyến bay dài nhất lịch sử sẽ cất cánh: Đó sẽ là một đại thí nghiệm kéo dài 20 tiếng đồng hồ - Ảnh 1.

Hai chặng bay mới của Qantas Airways

Jet lag thường tấn công một hành khách khi họ bay qua khoảng cách tương đương 3 múi giờ trở lên. Họ xuống máy bay ở một địa điểm mới, một thời gian mới, trong khi chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể vẫn chạy như ở nhà.

Hậu quả thường thấy khi hạ cánh, đó là sự mệt mỏi quá mức vào ban ngày hoặc mất ngủ vào ban đêm. Jet lag có thể trở nên tồi tệ hơn trong những chuyến bay về hướng đông, bởi vì đi theo hướng đó nghĩa là bạn đang đi ngược chu kỳ ngày và đêm bình thường.

Mỗi một tế bào trong số hàng tỷ tế bào trong cơ thể con người đều có một chiếc đồng hồ riêng, nhà hóa sinh Carrie Partch, phó giáo sư tại Đại học California giải thích.

Dành 20 năm sự nghiệp để nghiên cứu nhịp sinh học trong cơ thể, Partch cho biết các quá trình quan trọng của cơ thể bao gồm chức năng tim, hấp thụ thức ăn và trao đổi chất đều bị phá vỡ khi những chiếc đồng hồ của tế bào chạy lệch giờ.

"Jet lag không chỉ là gây ra sự bất tiện. Nó còn tàn phá nặng nề sinh lý cơ thể. Nếu bạn là một người thường xuyên di chuyển xa, bạn có thể sẽ tăng cân, bạn có thể sẽ gặp vấn đề tim mạch và hành vi của bạn cũng có thể thay đổi", ông nói.

Giải bài toán jet lag

Năm 2017, giải thưởng Nobel Sinh lý học và Y khoa đã được trao cho khám phá các cơ chế phân tử kiểm soát nhịp sinh học của cơ thể. Các nhà khoa học đã dựa trên khám phá này để nghiên cứu những con đường ánh sáng đi vào não giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học cho vật chủ.

Họ nhận thấy tập thể dục và chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể giúp đồng bộ hóa cơ thể hành khách khi họ làm quen với múi giờ mới, mặc dù nghiên cứu cũng liên tục cho thấy ánh sáng mặt trời là công cụ có tác dụng mạnh nhất.

Một nghiên cứu của Đại học Boulder Colorado năm 2017 cho thấy bạn có thể nhanh chóng đồng bộ đồng hồ cơ thể chỉ bằng cách tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.

Các nhà khoa học thậm chí tìm ra cách thao tác với một protein của chuột đã giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học cho chúng. Nhưng Partch cho biết tốt nhất chúng ta nên có một công cụ đơn giản, chẳng hạn như một viên thuốc để làm điều đó.

Cuối tuần này, chuyến bay dài nhất lịch sử sẽ cất cánh: Đó sẽ là một đại thí nghiệm kéo dài 20 tiếng đồng hồ - Ảnh 2.

Giải quyết được bài toán jet lag, Qantas sẽ nắm được cơ hội dẫn đầu một cuộc chơi hoàn toàn mới trong ngành hàng không.

Tuy nhiên, việc băng qua các múi giờ không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nhịp sống của các hành khách bị đảo lộn. Sự mệt mỏi nói chung, giấc ngủ kém chất lượng, cũng như môi trường không khí khô và cả áp suất trong cabin máy bay cũng góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng jet lag, Conrad Moreira, giám đốc y tế tại phòng khám Travel Doctor-TMVC ở Sydney cho biết.

Moreira cũng đã làm việc trong lĩnh vực này hơn một thập kỷ. "Thường thì tôi thấy mọi người sẽ bị đảo lộn nhịp sống trong khoảng một tuần sau chuyến bay", ông nói. Để khắc phục vấn đề, Moreira thường kê một thuốc ngủ cho những hành khách, đặc biệt là những ai bị hội chứng lo lắng khi đi máy bay.

Các loại thuốc này bao gồm Stilnox - còn được gọi là Ambien - và Xanax. Ngoài ra, Moreira cho biết những viên nén có chứa melatonin, hooc-môn gây buồn ngủ cũng có thể giúp ích.

Trên thực tế, jet lag đã đeo bám con người kể từ thời đại máy bay phản lực ra đời. Cho tới nay, đã có ít nhất nửa tá các tuyến bay siêu dài từ 17 giờ bay trở lên được khai thác. Một trong số đó là chặng bay trực tiếp đến London từ thành phố Perth trên bờ biển phía tây Australia của Qantas Airways.

Cùng với hai tuyến bay kỷ lục sẽ được mở thêm vào năm nay, hãng hàng không này sẽ phải giải bài toán jet lag xảy ra trên những chuyến bay siêu dài.

Cuối tuần này, chuyến bay dài nhất lịch sử sẽ cất cánh: Đó sẽ là một đại thí nghiệm kéo dài 20 tiếng đồng hồ - Ảnh 3.

Cabin hạng doanh nhân trên máy bay Boeing 787 Dreamliner của Qantas Airways

Hiện tại, các phi hành đoàn làm nhiệm vụ trên các chuyến bay dài hơn 20 tiếng đồng hồ bắt buộc phải xin phép cơ quan quản lý hàng không dân dụng Australia. Qantas cũng cần những thỏa thuận mới với phi công thực hiện các chuyến bay dạng này.

Quản trị nhân lực, đặc biệt là vấn đề kiệt sức của phi hành đoàn trong các chuyến bay siêu dài là một vấn đề cho toàn bộ ngành công nghiệp hàng không. Theo hướng dẫn quản lý mệt mỏi mới nhất của IATA, một số phi hành đoàn có thể phải thức gần 21 tiếng đồng hồ cho nhiệm vụ bay đường dài - ngay cả khi thời gian thực sự làm nhiệm vụ của họ chỉ dưới 10 tiếng.

Rico Merkert, giáo sư quản lý vận tải và chuỗi cung ứng tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Sydney, nhận định các chuyến bay siêu dài của Qantas sẽ nhắm đến đối tượng là những doanh nhân, những người cảm thấy mỗi giờ làm việc của họ đều quý giá.

Bởi vậy, nếu giải quyết được bài toán jet lag, Qantas sẽ nắm được cơ hội dẫn đầu một cuộc chơi hoàn toàn mới trong ngành hàng không.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM