Cười ra nước mắt chuyện ngân hàng "đứng cho vay, quỳ đòi nợ"
Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, suốt thời gian qua Ngân hàng đang từ chủ nợ thành con nợ, đứng cho vay quỳ thu nợ. Vì thế ông mong muốn giải pháp xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành "người hành khất".
Cười ra nước mắt chuyện thu hồi nợ
Tại Hội thảo về nợ xấu diễn ra tuần qua với sự tham gia của nhiều lãnh đạo ngân hàng tên tuổi, ông Hà Sỹ Vịnh, Phó Giám đốc Trung tâm phòng ngừa và xử lý rủi ro, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, thực tế hiện nay quyền xử lý tài sản bảo đảm bảo của tổ chức tín dụng bị hạn chế, thậm chí bị vi phạm dẫn đến việc xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn.
Thực tế ở Agribank đã xảy ra nhiều trường hợp, đã có bản án, đang xử lý tài sản bảo đảm thi hành án 3, 4 năm, đã đưa tài sản bảo đảm ra đấu giá 12 lần, có người khởi kiện dân sự tranh chấp tài sản bảo đảm, mặc dù giao dịch bảo đảm với Ngân hàng hợp pháp hợp lệ, tòa án vẫn thụ lý hồ sơ, mặc dù không có bất kỳ ý kiến của Tòa án nhưng Cơ quan thi hành án vẫn quyết định tạm hoãn thi hành án.
Tại Agribank có trường hợp đấu giá thi hành án lần đầu năm 2011 với giá khởi điểm hơn 73 tỷ đồng, sau 16 phiên đấu giá, tháng 10/ 2016 đấu giá thành công ngân hàng thu nợ được 12 tỷ đồng.
Giá khởi điểm đấu giá quá cao, thời gian đấu giá kéo dài. Trong khi bên bảo đảm vẫn khai thác và hưởng lợi từ tài sản hàng tỷ đồng hàng tháng (ngân hàng không thể quản lý/quản lý hết được), trong khi đó giá trị tài sản bảo đảm suy giảm, chi phí vốn, chi phí xử lý tài sản tăng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết như Vietcombank thời gian qua có 790 vụ chuyển qua tòa án; 98 vụ tòa đã thụ lý nhưng chưa xét xử.
Thủ tục tố tụng kéo dài, thực tiễn theo thống kê thời gian bình quân 2 năm qua tòa mới giải quyết xong tranh chấp chứ chưa nói thi hành án. Có những vụ mất 7 năm nhưng vẫn chưa thi hành án.
Trong khi tòa giải quyết thủ tục thì tài sản bảo đảm xuống cấp, tổn thất ngân hàng càng lớn. Quyền thu giữ tài sản không có, tạo ra sự chây ỳ của khách hàng.
"Tại Vietcombank, có một doanh nghiệp vay tiền xây khách sạn ở Nha Trang 1.000 tỷ đồng, nhưng không trả được nợ, quá hạn cũng không bàn giao tài sản cho ngân hàng. Qua tòa án, sau 18 tháng mới có phiên hòa giải đầu tiên, nhưng chủ đầu tư vẫn giữ tài sản lại mỗi năm khai thác cho thuê từ 70-100 tỷ đồng, chây ỳ không trả nợ”, ông Thành chia sẻ.
Theo ông, nợ xấu là doanh nghiệp, khách hàng không trả nợ được nợ ngân hàng. Nguyên nhân chính là khả năng nội tại của nền kinh tế, các quốc gia phát triển thì nợ xấu thấp, ngược lại nước đang phát triển thì nợ xấu cao. Việt Nam trong 10 năm qua khó khăn, doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ ngân hàng.
Nợ xấu tăng, ngân hàng tăng trích lập dự phòng, chi phí huy động tăng, tác động đến lãi suất.
Chủ tịch Vietcombank mong mỏi những vướng mắc trong xử lý nợ xấu sẽ được lắng nghe, xem xét xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) bày tỏ: “Chúng tôi rất hồi hộp mong chờ có cơ chế chính sách hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu phát sinh trong thời gian qua”.
Theo ông, có nhiều nguyên nhân gây ra nợ xấu: từ phía người vay vốn, từ ngân hàng, từ những yếu tố bất ổn của nền kinh tế, nguyên nhân khách quan như thiên tai.
“Trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng phải xác định, hoạt động nợ xấu là vấn đề ngân hàng phải đối mặt, luôn thường trực và phát sinh. Chỉ cần nguyên nhân khách quan như thiên tai dịch họa cũng tạo ra nợ xấu khoảng 1%”, ông nói.
Thực tế nợ xấu của ngân hàng chủ yếu từ 2012- 2014, sau khi nền kinh tế có vấn đề, bong bóng bất động sản, thị trường chứng khoán vỡ. Lãi suất ngân hàng trên 20%. Trong giai đoạn này nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể trả nợ. Còn về phía ngân hàng, nguyên nhân do thẩm định, đạo đức, trích lập dự phòng thấp…
“Nếu xử lý nhanh được khoản nợ xấu sẽ có 10% dư nợ đưa vào cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, tăng trưởng GDP. Hiện nay tăng trưởng GDP phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng, cứ 2 đồng dư nợ tạo ra 1 đồng GDP”, ông Thắng cho hay.
Ngân hàng như tội đồ!
Nói về nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, ông Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp LienVietPostbank nhấn mạnh: “Có nhiều ý kiến về nợ xấu, nói tội đồ có phải ngân hàng không? Nhưng ngân hàng đang làm cho ai, trên 50% nhu cầu kinh doanh từ vốn từ ngân hàng, 2 đồng dư nợ sẽ tạo ra 1 đồng GDP. Việc ngân hàng đòi nợ nhưng đó là tiền của bao nhiêu người dân gửi tiết kiệm. Chúng ta phải nhìn khách quan, đừng nhìn phiến diện, ngân hàng có phần gây ra nợ xấu nhưng ai ở ngân hàng gây ra thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Trong dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang trình Quốc hội, ông băn khoăn hai điểm, đó là giới hạn thời gian xử lý nợ xấu từ 31/12/2016 trở về trước. Theo ông, việc ngắt ra như vậy sẽ không xuyên suốt.
Băn khoăn nữa là quyết định thu giữ tài sản. Quy trình xử lý chia làm 2 bước, nếu chủ tài sản đồng thuận thì ngân hàng được thu giữ, còn nếu không đồng thuận thì ra tòa, như vậy cũng không khác gì trước đây.
“Suốt thời gian qua Ngân hàng đang từ chủ nợ thành con nợ, đứng cho vay quỳ thu nợ. Chúng tôi phải đi xin, gõ cửa. Giả sử tôi là người đi vay, thấy quy định không đồng ý cho thu tài sản thì cho ra tòa, vậy thì tội gì không làm. Cục máu đông cứ như vậy, làm sao có nguồn cho nền kinh tế. Xử lý nợ xấu đừng biến ngân hàng thành người hành khất”, ông Hưởng khẳng định.