Cuộc trò chuyện giữa doanh nhân Nguyễn Phi Vân và người em: Người Việt trong mắt người Nhật có tật hay làm tắt, coi nhẹ tính mạng, ý thức xã hội kém
Hội nhập hay không thì phải xem lại từ nét văn minh giao tiếp của ta để học cách tương tác cùng thế giới này. Đâu chỉ là chuyên môn. Đâu chỉ là kiến thức. Bước ra tự tin và hội nhập, là phải học cả cách cám ơn và xin lỗi tương lai.
Em ngồi kể tôi nghe, chuyện một năm dài quản lý nhân sự Việt Nam đi hợp tác lao động trong nhà máy Nhật.
- Người Nhật họ đối xử tốt với mình không?
- Rất đàng hoàng chị, lo chu đáo hết.
- Vậy có điều gì làm cho họ không hài lòng về người Việt Nam không?
- Có chứ chị. Trước hết là việc tuân thủ quy trình. Người ta cải tiến bao năm rồi, giờ chỉ việc làm theo. Học chưa thuộc bài đã lo sáng tạo kiểu ''xào xáo'' thứ tự các bước của quy trình, rồi có tật hay làm tắt. Học cho thuộc đi, giỏi đi rồi sáng tạo. Gì mà chưa biết A đã lo chạy sang C. Họ lo nhất là lo cho sự an toàn.
- Ý em nói là an toàn lao động hả?
- Đúng rồi chị. Cái này là ưu tiên số 1 trong nhà máy Nhật, mà người mình hình như quen coi nhẹ tính mạng đó giờ.
- Cái đó huấn luyện riết rồi sẽ thành thói quen thôi. Còn có chuyện gì họ không nói ra nhưng vô cùng khó chịu?
- Là ý thức của người Việt mình mặt bằng chung quá kém. Trong cư xử xã hội, nếp sinh hoạt hàng ngày chênh với họ quá xa.
- Ví dụ như là sao em?
- Ví dụ họ phải gọi em lên, nhờ em nhắc các bạn Việt Nam là, thấy rác xung quanh khu vực làm việc của mình thì phải tự động nhặt bỏ vào thùng rác. Dù là rác đó chẳng phải là bạn xả, thấy rồi bỏ đi luôn là vấn đề thiếu ý thức cộng đồng. Chỉ biết nghĩ cho mình, chắng biết nghĩ gì cho ai, đến ai, là thứ mà xã hội này đâu chấp nhận. Đã là Shakai-jin mà chị.
- Shakai-jin?
- Dạ, là người của xã hội, ý chỉ những người tham gia lao động trong xã hội, bắt đầu đi làm, dù độ tuổi bao nhiêu.
- Shakai-jin thì sao?
- Thì phải có tinh thần trách nhiệm cao, trước hết là với bản thân mình. Đã là Shakai-jin rồi, thì dù công việc ra sao, công ty thế nào, cũng làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhất công việc được giao đến giờ phút cuối. Người Nhật người ta luôn tận hiến, luôn nghĩ cho người khác dù là ở hiện tại hay cả đến tương lai.
- Nghĩ cả đến tương lai á?
- Canh vào ngôn ngữ chị sẽ thấy thôi. Mở đầu luôn là 'Tôi xin lỗi sẽ làm phiền bạn trong tương lai'. Kết thúc sẽ là 'Cám ơn bạn sẽ giúp đỡ tôi trong tương lai'. Vậy đó, luôn nghĩ cho người khác. Vậy thì hụt hẫng với Việt ta là chắc chắn rồi.
Chuyện văn minh bình thường minh cư xử bất thường. Độ chênh đó, dù là chuyện nhỏ cứ như là gai đâm vào mắt. Không kỳ thị cũng khó tránh được những bất bình đâu đó. Cách cư xử là nếp ăn ở, là tác phong, văn hoá, là nền tảng giáo dục xã hội của một con người. Hội nhập hay không thì phải xem lại từ nét văn minh giao tiếp của ta để học cách tương tác cùng thế giới này. Đâu chỉ là chuyên môn. Đâu chỉ là kiến thức. Bước ra tự tin và hội nhập, là phải học cả cách cám ơn và xin lỗi tương lai.