'Cuộc sống Chúa trời' và 'cuộc sống trẻ hư' của gen Z Hàn Quốc
Gen Z Hàn Quốc đang sử dụng phổ biến hai cụm từ "Cuộc sống Chúa trời" và "Cuộc sống trẻ hư" như một cách phản ứng với những định kiến của xã hội đối với thế hệ mình.
Cụm từ "Cuộc sống Chúa trời" (God Life) mà giới trẻ Hàn Quốc hay dùng không diễn tả bất kỳ điều gì mang tính tôn giáo hay tâm linh. "Cụm từ này ám chỉ việc theo đuổi một cuộc sống trọn vẹn, giàu ý nghĩa ở cả cấp độ cá nhân và xã hội", Kim Se-min, sinh viên Đại học Nữ sinh Seoul chia sẻ.
Cô cũng cho biết cốt lõi của thuật ngữ này là hướng đến lối sống tập trung phát triển bản thân thay vì tạo ấn tượng hay theo tiêu chuẩn của người xung quanh. Điều quan trọng nhất là trải nghiệm những niềm vui nhỏ và theo đuổi các công việc giàu ý nghĩa trong cuộc sống. Thông qua hành trình này, các bạn trẻ hiểu mình hơn, khám phá ra hướng đi phù hợp nhất.
Là sinh viên điện ảnh, Kim Se-min đam mê tìm hiểu về xã hội, văn hóa và nghệ thuật. Cô điều hành một câu lạc bộ sách để thỏa mãn sở thích cá nhân. Bên cạnh đó, cô cũng không ngừng rèn luyện môn đấm bốc trong nhiều năm qua.
"Mặc dù theo đuổi nhiều trải nghiệm đôi khi khiến bản thân mệt mỏi, nhưng tôi tin rằng hành trình này giúp tạo ra phiên bản tốt nhất của mình. Xu hướng mới sẽ giúp nhiều phụ nữ trẻ giống như tôi nhận ra giá trị bản thân. Những cô gái hiện đại không còn chấp nhận sự kỳ thị hay bất bình đẳng. Họ không còn phải sống theo khuôn mẫu xã hội đề ra mà quyết tâm tự tạo nên con đường và hạnh phúc riêng của mình", Se-min chia sẻ.
Người trẻ Hàn Quốc chịu sự cách biệt giàu nghèo lớn ngay từ vạch xuất phát. Sự phân hóa giàu nghèo ở đất nước này ngày càng rõ ràng. Bên cạnh đó, tình trạng bài trừ nữ quyền, hạ thấp phụ nữ cũng khá nặng nề. Vì thế, nhiều bạn trẻ đang cố gắng tìm lối sống phù hợp với mình, thoát khỏi các khuôn mẫu và kỳ vọng của xã hội.
Cụm từ "Cuộc sống trẻ hư" (Brat Life) mang ý nghĩa tương tự, nhưng có phần tiêu cực hơn, cũng được giới trẻ Hàn Quốc thường xuyên sử dụng. Trong văn hóa đại chúng hiện đại, từ "brat" ám chỉ một người tự tin nổi loạn, thách thức mọi luật lệ. Nhiều người trẻ tin rằng việc cân bằng giữa hai lối sống này mới mang đến hạnh phúc đích thực
"Ở Hàn Quốc, nhiều người lớn hạ thấp và chế giễu thế hệ gen Z. Họ nói rằng các bạn trẻ ngày càng lười biếng và theo đuổi chủ nghĩa vị kỷ cá nhân chỉ vì tách biệt công việc với cuộc sống, vì người trẻ rời công ty đúng giờ và tránh các cuộc tụ tập liên hoan. Tôi nghĩ rằng nói như vậy thật vô lý, thế hệ chúng tôi vẫn đang cố gắng đem lại những thay đổi tích cực tại môi trường làm việc như dành thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn", Park Yeong-seon, nữ sinh Đại học Nữ sinh Seoul nói.
Nhiều gen Z Hàn Quốc cho rằng những thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là các video ngắn như Reels, đã khiến họ hướng đến những hình mẫu không phù hợp với bản thân mình.
Bạn của Yeong-seon, nữ sinh Kang Da-eun, cho biết sự phát triển công nghệ vừa có lợi vừa có hại đối với cô: "Là người coi trọng sự phát triển cá nhân, tôi thấy một nhược điểm của công nghệ là khiến con người không giải quyết các vấn đề một cách độc lập, dần phụ thuộc nhiều vào chúng hơn, đặc biệt là AI. Cả hiện tại và tương lai đều không thể đoán định, nhưng tôi tin việc tập trung vào bản thân sẽ đem đến nhiều điều tốt đẹp".