Cuộc sống 2 mặt của nhiều phụ nữ Nhật Bản: Ban ngày làm công ăn lương, tối đến trở thành gái gọi, chồng con không ai hay

14/01/2020 09:44 AM | Xã hội

Vì hoàn cảnh và nhiều lý do khác nhau mà một bộ phận phụ nữ Nhật Bản đang lựa chọn sống cuộc đời 2 mặt.

Sống cuộc đời 2 mặt

Trong 6 năm qua, bà mẹ đơn thân Kasumi End (47 tuổi) buộc phải sống cuộc đời hai mặt. Vào các ngày trong tuần, cô làm việc toàn thời gian với tư cách là một nhân viên văn phòng để nuôi dạy cô con gái tuổi teen. Tuy nhiên, với mức lương bèo bọt của mình, Endo đã kiếm cho bản thân một nghề tay trái khác. Khi vào ngày cuối tuần, cô buộc phải giấu con gái mình để di chuyến đến con phố Ikebukuro, một trong số khu đèn đỏ ở Tokyo để kiếm thêm tiền.

Khi bước lên cầu thang ra khỏi nhà ga Ikebukuro, người phụ nữ luôn dặn lòng mình là phải chấp nhận rằng cô hiện là một con người khác, một người bán dâm chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp tình dục Fuzoku của Nhật.

"Lần đầu tiên bước chân vào ngành này, tôi không biết mình làm vậy có đúng không. Tôi cũng cảm thấy vô cùng có lỗi với con gái mình", Endo chia sẻ.

Endo thuộc nhóm người phụ nữ trung niên nghèo khó đang ngày một nhiều ở Nhật Bản gia nhập ngành công nghiệp tình dục, bất chấp nguy cơ đe dọa tính mạng. Cô Yuki, 25 tuổi, cho hay công việc đầu tiên mà cô làm là nhân viên văn phòng cho một công ty xây dựng. Tuy nhiên một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra khiến cô chấp nhận dấn thân vào ngành công nghiệp tình dục. Cách đây 1 năm, cô biết mình có thai. Đau đớn hơn cả là lúc ấy cô mới phát hiện ra bạn trai cô là người đã có vợ con.

Trở thành một bà mẹ đơn thân, cô đối mặt với áp lực từ gánh nặng kinh tế. Số tiền lương hàng tháng của cô không đủ để duy trì cuộc sống của hai mẹ con. Yuki buộc phải vay các khoản vay ngắn hạn, lãi suất cao tại các công ty tư nhân. Tuy nhiên, nợ chồng thêm nợ, nên cô quyết định trở thành gái mại dâm.

Cuộc sống 2 mặt của nhiều phụ nữ Nhật Bản: Ban ngày làm công ăn lương, tối đến trở thành gái gọi, chồng con không ai hay - Ảnh 1.

Một góc khu phố đèn đỏ ở Nhật.

Làm phụ nữ ở Nhật thật khó

Mặc dù mục tiêu của Thủ tướng Nhật Bản đặt ra trong năm 2020 là phụ nữ chiếm 30% vị trí lãnh đạo tại các ngành nghề nhưng thực tế thì hoàn toàn phũ phàng. Phụ nữ có gia đình buộc phải làm những công việc bán thời gian, lương thấp và không ổn định. Nhiều người bất đắc dĩ phải từ bỏ vị trí làm việc toàn thời gian sau khi sinh con để chăm lo cho gia đình. Đối tượng này có thu nhập trung bình thấp hơn so với mức chuẩn nghèo ở Nhật Bản.

Đối với những bà mẹ đơn thân như Endo, mọi thứ còn khó khăn hơn. Người phụ nữ làm việc quần quật cả tuần nhưng cũng chỉ đủ sống. Từ năm 35 đến 40 tuổi, Endo làm công việc bán thời gian. Năm 2010, Endo vào nghề gái gọi sau khi chồng nợ tiền vài trăm triệu yên. Ba năm sau, Endo ly hôn khi ông ta lại thêm một món nợ khác. Sau đó, người phụ nữ kiếm được một việc làm ngắn hạn toàn thời gian. Tuy nhiên, không lâu sau, Endo lại mất việc khi hợp đồng hết hạn vào tháng 6/2016. Nghĩ tới số tiền nhà cuối tháng sắp phải trả, Endo buộc phải bước vào ngành công nghiệp tình dục Fuzoku sau khi trượt hết buổi phỏng vấn này tới buổi phỏng vấn khác.

Bất chất sự kỳ thị sâu sắc và làm trái pháp luật, ngành công nghiệp tình dục bao gồm các trung tâm mát xa, khách sạn tình yêu hay gái gọi, đang phát triển mạnh. Với nhiều phụ nữ sống trong hoàn cảnh khó khăn thì đây là lựa chọn duy nhất, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân do tính chất thuận tiện của nó. Yamaguchi, 45 tuổi, ban ngày cô làm y tá ở một bệnh viện tỉnh còn đến tối, người phụ nữ lại trở thành gái gọi ở Ikebukuro. Cô bắt đầu làm nghề này một năm trước sau khi kinh tế gia đình khó khăn vì chồng mất việc.

"Fuzoku là việc bán thời gian tiện nhất mà ta có thể nghĩ tới. Làm y tá chỉ kiếm được số lương bèo bọt với điều kiện phải hoàn thành mọi công việc được giao. Tuy nhiên, làm gái mại dậm thì bạn có thể tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi và thích xuất hiện lúc nào cũng được, bất kể ngày hay đêm", Yamaguchi tiết lộ.

Cuộc sống 2 mặt của nhiều phụ nữ Nhật Bản: Ban ngày làm công ăn lương, tối đến trở thành gái gọi, chồng con không ai hay - Ảnh 2.

Nhiều phụ nữ Nhật Bản chấp nhận cuộc đời 2 mặt vì để sinh tồn.

Còn với những người luôn trong tình trạng thiếu tiền mặt như Shoko Hayama, 48 tuổi, thì công việc này là cứu cánh vì luôn được thanh toán tại chỗ. Chồng của người phụ nữ này làm nghề lái xe tải nhưng bị mất việc sau khi gặp tai nạn giao thông khiến họ phải đi vay nặng lãi xã hội đen rồi cuối cùng rơi vào khoản nợ khổng lồ.

"Chúng tôi phải chật vật nuôi sống bản thân qua ngày. Tôi lúc nào cũng rỗng túi. Khi tôi làm công việc bán thời gian thì phải đến cuối tháng mới được trả lương. Làm gái gọi thì tôi nhận được tiền mặt ngay tại chỗ", Hayama cho hay.

Những rủi ro và sự kỳ thị

Các chuyên gia kết luận rằng ly hôn, chồng thất nghiệp hay nợ nần là những lý do khiến nhiều phụ nữ tuổi trung niên lâm vào cảnh đói nghèo phải đi bán thân. Họ là nạn nhân của hai yếu tố, một là mô hình gia đình truyền thống sụp đổ, khi mà người vợ phụ thuộc quá nhiều vào người chồng, lao động chính trong gia đình; hai là sự yếu kém của hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Akiko Suzuki, nhà tâm lý học kiêm chủ tịch Mạng lưới Chống đói nghèo Kanagawa nhận xét theo mô hình truyền thống, các khoản an sinh xã hội, bảo hiểm, trợ cấp cho phụ nữ Nhật Bản gắn chặt với công việc của chồng. "Một khi tách rời khỏi chồng, những phụ nữ này sẽ nhận được cực ít hỗ trợ", Suzuki nói.

Chính vì vậy, ngành công nghiệp tình dục là biện pháp cứu cánh hấp dẫn cho những phụ nữ độc thân sau ly hôn hay những bà vợ có chồng thất nghiệp. Tuy nhiên, chấp nhận làm nghề này, phụ nữ Nhật Bản phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm cưỡng hiếp, bị quấy rối, phát tán bôi nhọ hình ảnh và mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Cuộc sống 2 mặt của nhiều phụ nữ Nhật Bản: Ban ngày làm công ăn lương, tối đến trở thành gái gọi, chồng con không ai hay - Ảnh 3.

Để đảm bảo an toàn cho đội ngũ gái gọi của mình, nhiều ông chủ đã cấm nhân viên mang chứng minh thư theo khi đi gặp khách cũng như không được phép cho khách số điện thoại liên lạc. Thậm chí có người còn lưu dữ liệu của từng khách hàng vào máy tính để quản lý họ tốt hơn. Mặc dù vậy, những người phụ nữ làm gái gọi vẫn không tránh khỏi trở thành nạn nhân của một vài loại hình tội phạm. Tuy nhiên, không phải ai trong xã hội cũng nhìn họ theo con mắt thông cảm.

Theo bà Aoyama, giáo sư xã hội học, đại học Kobe, cho hay thái độ kỳ thị, coi người hành nghề mại dâm bị ngược đãi, lạm dụng và cưỡng ép là chuyện đương nhiên đã ăn sâu vào quan niệm công chúng, không thể xóa nhòa.

"Việc gắn mác đây là ngành công nghiệp quỷ dữ, phục vụ vô điều kiện khiến phụ nữ mất đi lòng tự trọng, quyền thương lượng khi thảo luận với khách hàng hoặc nhà tuyển dụng và làm suy yếu vị thế của họ. Chúng ta cần tập trung làm thế nào để tăng cường những biện pháp hỗ trợ chống đói nghèo trong xã hội, cứu giúp những phụ nữ bất đắc dĩ phải đi vào con đường này", bà bày tỏ.

Nguồn: Japan Today, Japan Times

Theo Diệp Lục

Cùng chuyên mục
XEM