'Cuộc chiến' Streaming

18/03/2021 16:30 PM | Công nghệ

Hàng loạt dịch vụ phát trực tuyến (streaming service) được các ông lớn ngành công nghiệp giải trí tung ra những năm gần đây nhằm tận dụng sự chuyển dịch sang hạ tầng số, qua đó khơi mào một cuộc chiến mới trong ngành này.

Dịch vụ streaming nào có nhiều đăng ký nhất?

Từ một hãng cho thuê DVD, Netflix đã trở thành một thương hiệu gia đình, khiến các đại gia truyền thông như Disney hay Apple thấy rằng mô hình kinh doanh này đã đến lúc chín muồi. Tương tự, ngành công nghiệp âm nhạc cũng dần chấp nhận vị thế của Spotify khi nghe trực tuyến trở thành phương thức tiêu dùng của nhiều người.

Đại dịch Covid-19 củng cố chỗ đứng vững chắc của dịch vụ streaming, khi lượng đăng ký tăng trưởng mạnh trong năm ngoái và hình thức này được chấp nhận hầu như trên toàn thế giới.

Tổng hợp dữ liệu từ Hiệp hội truyền thông FIPP và báo cáo của từng doanh nghiệp, infographic dưới đây là bức tranh tổng quan về các dịch vụ streaming audio, video và tin tức lớn nhất thế giới - những thương hiệu có tối thiểu 5 triệu lượt theo dõi.

Cuộc chiến Streaming - Ảnh 1.

'Ông lớn' ngành streaming: Netflix và Amazon

Hai công ty đi đầu trong cuộc đua đều có những lợi thế quan trọng: người đi trước (Netflix) và sức mạnh của tập đoàn (Amazon).

Với hơn 200 triệu người đăng ký toàn cầu, Netflix là nền tảng streaming video lớn nhất. Dù người dùng cơ sở tại Mỹ đã bắt đầu bão hòa, tăng trưởng về quy mô thị trường (tiếp cận hơn 190 quốc gia) và nội dung (hơn 70 phim tự sản xuất dự kiến ​​ra mắt năm nay) giúp công ty vượt xa 50 triệu người đăng ký so với đối thủ gần nhất.

Câu chuyện cũng tương tự trong thị trường audio, khi số người đăng ký Spotify hơn gấp đôi Apple Music - đối thủ cạnh tranh gần nhất với 68 triệu người đăng ký.

Đáng ngạc nhiên khi Amazon Prime Video là dịch vụ phát trực tuyến video phổ biến thứ hai với 150 triệu người đăng ký. Tuy nhiên, gói Prime Video được bao gồm khi người dùng thành viên của Amazon Prime - vốn đạt sự tăng trưởng lớn về lượng sử dụng trong thời đại dịch.

Cuộc chiến Streaming - Ảnh 2.

Điểm nổi bật khác là số lượng dịch vụ phát trực tuyến lớn có trụ sở tại châu Á. Tencent Video (WeTV) và Baidu của iQIYI có trụ sở tại Trung Quốc đều có trên 100 triệu lượt đăng ký trả phí, trong đó Youku của Alibaba đứng sau với 90 triệu.

Bước 'nhảy vọt' của Disney

Đáng chú ý nhất là sự thăng trưởng nhanh chóng của Disney thành "gã khổng lồ" trong ngành streaming. Dù Disney + ra mắt vào cuối năm 2019 với thư viện nội dung ít ỏi so với các đối thủ, nền tảng này đã có bước "nhảy vọt"  về cả nội dung và cơ sở người đăng ký. Với gần 95 triệu lượt đăng ký, Disney+ đạt được số lượng subcriber so với dự kiến của công ty vào năm 2024 chỉ trong hơn một năm.

Cuộc chiến Streaming - Ảnh 3.

Làn sóng Disney+ cũng thúc đẩy sự tăng trưởng dịch vụ phát trực tuyến của đối tác như Hotstar và ESPN+, trong khi các dịch vụ streaming với lượng người đăng ký nhỏ đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhờ đại dịch Covid-19.

Câu hỏi đặt ra là bức tranh ngành này sẽ ra sao khi đại dịch bắt đầu đi qua và thị trường có thêm người chơi mới. Ví dụ, Peacock của đài NBC Universal đạt hơn 30 triệu người đăng ký tính đến tháng 1 năm nay nhưng công ty chưa tiết lộ có bao nhiêu tài khoản trả phí.

Tương tự như vậy, các công ty đang đầu tư vào thư viện nội dung để "đọ lại" Netflix và Disney. HBO Max dự kiến ra mắt quốc tế vào tháng 6 năm nay và Viacom CBS đã đổi tên thương hiệu và mở rộng CBS All Access thành Paramount+.

Tăng trưởng thị trường quốc tế là yếu tố sống còn. Ba trên sáu dịch vụ streaming hàng đầu có trụ sở tại Trung Quốc, trong khi các dịch vụ của Ấn Độ như Hotstar, ALTBalaji và Eros Now đều chứng kiến ​​sự gia tăng về cơ sở người đăng ký, với nhiều tiềm năng để phát triển.

Bảo Linh

Cùng chuyên mục
XEM