Cuộc chiến giữa 2 gia tộc kinh doanh lâu đời của Ấn Độ sắp đến hồi kết

28/09/2020 16:26 PM | Kinh doanh

Mistry và Tata là 2 gia tộc cùng kiểm soát một trong những tập đoàn tư nhân lâu đời nhất của Ấn Độ.

Gia đình Mistry mới đây cho biết đã đến lúc phải rời khỏi Tập đoàn Tata, chấm dứt mối quan hệ kéo dài 70 năm giữa 2 gia tộc nổi tiếng Ấn Độ.

Tỷ phú Pallonji Mistry, 91 tuổi, hiện sở hữu khối tài sản trị giá 11,4 tỷ USD. Ông là người kiểm soát Shapoorji Pallonji (SP) - tập đoàn 155 tuổi kinh doanh trong lĩnh vực cơ khí và xây dựng có trụ sở tại Mumbai.

Tài sản lớn nhất của gia đình Mistry đến từ 18,4% cổ phần tại Tata Sons – công ty mẹ của Tata Group, tập đoàn gồm 30 công ty với doanh thu 113 tỷ USD.

“Dù cảm thấy rất buồn, gia đình Mistry tin rằng sự tách biệt về lợi ích là tốt nhất cho các bên liên quan”, Tập đoàn SP cho biết.

Quyết định này đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến kéo dài 4 năm giữa 2 gia tộc Mistry và Tata. Sự rạn nứt giữa 2 bên khởi nguồn từ việc hội đồng quản trị của Tata Sons bất ngờ lật đổ Cyrus – con trai của ông Pallonji Mistry khỏi vị trí chủ tịch vào tháng 10/2016.

Trong bối cảnh đó, cựu chủ tịch Ratan Tata được bổ nhiệm làm chủ tịch tạm thời trước khi vị trí này được thay thế bởi Natarajan Chandrasekaran, CEO Tata Consultancy Services - công ty IT có lợi nhuận cao nhất của tập đoàn. Việc lựa chọn Chandrasekaran nhận được sự ủng hộ lớn từ các cổ đông.

Việc Cyrus Mistry bị lật đổ trở thành cú shock lớn với nhiều công ty ở Ấn Độ bởi ông là thành viên trong gia đình nắm cổ phần lớn nhất của Tata Sons. Hơn thế nữa, hai gia đình vốn có mối quan hệ thông gia khi con gái của người đứng đầu gia tộc Mistry kết hôn với Noel Tata, em trai cùng cha khác mẹ của Ratan Tata.

Sau khi mất chức, Mistry đã đưa ra hàng loạt cáo buộc về hành vi sai trái của tập đoàn này. Vốn được coi là một doanh nghiệp có tiêu chuẩn đạo đức cao, danh tiếng của Tata chịu nhiều tổn hại từ cuộc chiến tranh giành quyền lực.

Căng thẳng giữa 2 gia tộc thậm chí phải nhờ đến sự giải quyết của tòa án. Tuy nhiên khi cuộc chiến chưa phân thắng bại, quyết định của gia tộc Mistry có thể đưa câu chuyện đến hồi kết. Tập đoàn SP đưa ra tuyên bố chỉ vài giờ sau khi Tập đoàn Tata thông báo với tòa án rằng họ sẵn sàng mua lại cổ phần.

Trước đó, gia đình Mistry đã tìm cách cầm cố cổ phần của mình tại Tata Sons để trả những khoản nợ lớn cho tập đoàn của họ. Nhưng những nỗ lực này bị cản trở bởi nhà Tata, gia tộc này cũng khẳng định họ là đối tượng đầu tiên có quyền mua lại cổ phần của gia đình Mistry.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Tập đoàn SP Group cho biết họ sẽ rời khỏi Tata Group, “nhưng điều quan trọng là phải sớm đưa ra được một giải pháp công bằng và phản ánh được giá trị của các tài sản hữu hình và vô hình cơ bản”.

Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM