Cuộc chiến giá khốc liệt giữa Amazon và Walmart đẩy một loạt nhãn hàng ở Mỹ vào cảnh khốn đốn

01/04/2017 09:20 AM | Kinh doanh

Sức ép giảm giá từ cả 2 gã khổng lồ cả truyền thống và hiện đại trong ngành bán lẻ đã khiến nhiều nhãn hàng phải đối mặt với việc cắt giảm chi phí, giảm giá bán buôn.

Tháng trước, Walmart đã mời một vài nhãn hàng gia dụng lớn nhất của Mỹ đến trụ sở công ty để bàn bạc về một vấn đề khó khăn.

Mọi năm, Walmart thường thống trị thị trường bán lẻ bằng chiến lược giá "Everyday Low Price" (một dạng bình ổn giá thấp mà chuỗi siêu thị này cung cấp cho khách hàng của họ). Tuy nhiên gần dây, Walmart thường xuyên bị đánh bại về mức giá. Đó là lý do tại sao các giám đốc điều hành phải ngồi lại với bên cung cấp.

Theo tờ Recode, Walmart muốn có mức giá thấp nhất đối với 80% hàng hóa bán tại siêu thị hay website của hãng này.

Để đạt được điều đó, nhà cung cấp của Walmart sẽ phải giảm giá bán buôn hoặc cắt giảm chi phí đi 15%. Một số nhãn hàng nói rằng họ sẽ bị lỗ nếu đáp ứng theo yêu cầu của Walmart. Nhưng đổi lại, những nhãn hàng đồng ý "chơi" theo kiểu của Walmart có thể nhận được vị trí phân phối hàng tốt hơn và hỗ trợ chiến lược từ phía gã bán lẻ khổng lồ.

"3-4 năm một lần, Walmart sẽ khuyên bạn hãy lấy tiền đầu tư vào marketing để làm cho giá hàng hóa thấp xuống", Jason Goldberg - giám đốc thương mại tại SapientRazorfish - công ty số hóa làm việc với các nhãn hàng và nhà bán lẻ lớn - nhận định.

Nhưng lần này thì khác bởi nó trùng hợp với những lần Amazon giảm giá hàng hóa mà có thể tìm thấy trên kệ của Walmart. Trong vài tháng gần đây, người tiêu dùng Mỹ được chứng kiến một cuộc cạnh tranh giá gay cấn giữa gã khổng lồ thương mại điện tử và gã khổng lồ bán lẻ. Mặc dù người mua hàng được lợi vì giá giảm, các nhà cung cấp lại phải chịu áp lực khủng khiếp.

Một phần động thái ép giá cũng đến sau khi Walmart mua lại Jet.com với giá 3 tỷ USD và cựu chủ tịch kiêm CEO trang này chuyển về điều hành Walmart.com. Marc Lore cho biết nhiệm vụ của ông là tạo ra những cách mới để hãng có thể đánh bại tất cả những đối khác về giá, bao gồm cả Amazon.

Thuật toán Amazon

Trả lời về vấn đề này, một phát ngôn viên của Amazon cho biết: "Tại Amazon, chúng tôi đảm bảo khách hàng luôn được hưởng một mức giá thấp mỗi ngày mà không có một sự thay đổi mục tiêu hay cách thức tổ chức nào".

Đó chính là lý do tại sao thuật toán Amazon lại được hãng này coi trọng phát triển đến vậy. Nó đảm bảo khách hàng của Amazon luôn có được mức giá thấp hơn hoặc bằng so với các cửa hàng hoặc trang web khác.

Để hiểu được sức mạnh thần kỳ của thuật toán này, hãy tưởng tượng Costco đang bán một gói lớn bao gồm 10 túi Doritos với giá 10 USD - tương đương 1 USD/túi. Thuật toán của Amazon ghi nhận giá 1 túi ở Costco là 1 USD do đó sẽ giảm giá trên Amazon xuống đúng bằng giá đó, cho dù có mua số lượng lớn hay mua rời.

Đó là 1 lợi ích mà Amazon cung cấp cho khách hàng của họ, đồng thời cũng là hiệu ứng giúp khách hàng quyết định mua hàng nhanh hơn trên Amazon.

Nhưng rõ ràng trong ngắn hạn, chiến lược này sẽ không tốt cho Amazon bởi hãng này đang bán giá bán lẻ bằng với Costco nhưng lại không nhận được giá bán buôn giống như vậy từ phía nhà cung cấp.

Khi Walmart chứng kiến điều này, họ kinh ngạc và truyền sự lúng túng của mình sang cho những nhà cung cấp. Đối với Walmart, không quan trọng là Amazon có nhận được mức giá bán buôn mà các hãng bán lẻ khác nhận được hay không. Nói cách khác, ngay cả khi Amazon không có lợi nhuận từ mức giá cực thấp, Walmart vẫn yêu cầu mức chiết khấu tương tự cho hàng loạt mặt hàng được bán tại siêu thị và website của hãng này.

Hàng bán không có lợi nhuận

Trong một số trường hợp, Amazon sẵn sàng bán hàng không có lợi nhuận trong 1 khoảng thời gian. Công ty của Jeff Bezos biết rằng họ phải tiếp tục mở rộng sự lựa chọn của khách hàng đối với mặt hàng tạp hoá không bị hư hỏng nếu muốn thách thức Walmart tại thị trường 800 tỷ USD.

Nhưng dạo gần đây, Amazon đang khắt khe hơn đối với những nhà cung cấp có hàng hóa bán không đạt lợi nhuận. Khi Amazon cảnh báo nhà cung cấp một sản phẩm đang chuẩn bị CRaP (hàng bán không có lợi nhuận), tức là sản phẩm này sắp phải biến mất khỏi trang web của Amazon, thường thì để nhà cung cấp giảm giá buôn. Tuy nhiên cách làm này không phải lúc nào cũng có hiệu quả, đặc biệt khi nhãn hàng có lợi ích để cung cấp cho Walmart.

Trong trường hợp này, Amazon có thể chuyển sản phẩm tới Amazon Pantry - danh mục hàng hóa giới hạn dành cho thành viên thẻ Amazon Prime. Tất cả các đơn hàng tại đây đều đi kèm với 1 khoản chi phí vận chuyển 5,99 USD/hộp và được vận chuyển cùng 1 lúc nếu có ít hơn 5 sản phẩm.

Một chiến thuật khác của Amazon là cấm một số thương hiệu mua quảng cáo bên trong trang web đối với những sản phẩm mà Amazon không thể thu lợi nhuận độc lập. Giống như trả tiền cho vị trí nổi bật trong siêu thị, nhà cung cấp có thể mua quảng cáo bên trong trang web Amazon để quảng cáo sản phẩm. Chặn quảng cáo là một hình thức khác của việc "vùi dập" sản phẩm.

Một lối đi đặc biệt

Có lẽ điều khó nhất đối với 1 nhãn hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) ngày nay đó là không biết khách hàng của họ là ai bởi họ bán hàng qua 1 bên thứ 3. Và đó là lý do tại sao nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đẩy mạnh các kênh doanh thu thông qua sáp nhập. Unilever - chủ sở hữu thương hiệu Dove và Hellmann's năm ngoái đã mua lại startup Dollar Shave Club với giá 1 tỷ USD. Phần lớn doanh thu của Dollar Shave Club đến từ trang web của họ.

Nếu Unilever đi đúng hướng, áp lực giá của Walmart hay Amazon sẽ là cái cớ để các nhà cung cấp đổ lỗi và sân chơi bán lẻ lẫn thương mại điện tử sẽ có một cách chơi mới.

Theo Anh Sa

Cùng chuyên mục
XEM