Cuộc chiến dầu mỏ tại quốc gia có quỹ đầu tư lớn nhất thế giới

01/08/2017 17:29 PM | Kinh tế vĩ mô

Na Uy là một quốc gia Bắc Âu giàu tài nguyên, nhưng nước này lại đang phải đau đầu với những mở giàu khi người dân trong vùng không muốn môi trường sinh sống của họ bị phá hủy.

Ngoài khơi quần đảo Vesteralen và Senja vùng Lofoten- Na Uy, các nhà thăm dò đã phát hiện mỏ dầu trữ lượng 1,3 tỷ thùng, tương đương 60 tỷ USD theo mức giá hiện hành. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực sinh sống của rất nhiều ngư dân và họ không hề muốn những công ty khai thác đặt dàn khoan nơi đây.

Trong khi nhiều chính trị gia ủng hộ việc khai thác tài nguyên nơi đây vì chúng sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho ngân sách thì câu chuyện của vùng Vesteralen lại đang khiến các chuyên gia đặt câu hỏi cho toàn Na Uy.

Nhiều thập niên qua, nền kinh tế và thị trường lao động của quốc gia Bắc Âu này đã được hỗ trợ rất nhiều bởi dầu khí. Nhờ nguồn tài nguyên dồi dào này mà Na Uy đã tạo nên được quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, sở hữu bình quân 1,3% cổ phần của mỗi công ty niêm yết trên thế giới.

Cuộc chiến dầu mỏ tại quốc gia có quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Na Uy cung cấp đến 20% nhu cầu khí đốt của Châu Âu. Khoảng 2/3 số khí đốt của Na Uy vẫn chưa được khai thác. Na Uy đang là nước xuất khẩu khí đốt lớn thứ 3 thế giới.

Dẫu vậy, chính điều này đã tạo nên nghịch lý cho Na Uy khi người dân nước này nổi tiếng tại Châu Âu về ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều nhà hoạt động xã hội đã chỉ trích Na Uy là đạo đức giả khi vừa thúc đẩy ủng hộ thỏa thuận Paris bảo vệ môi trường nhưng lại hưởng lợi trên nguồn tài nguyên giàu có.

Mới đây, Nghị viện Na Uy đã đề nghị các quỹ đầu tư quốc doanh rút vốn khỏi những công ty khai thác than cũng như xem xét từ chối đầu tư vào những doanh nghiệp dầu khí vốn thu nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, việc ủng hộ khai thác dầu khí tại Lofoten lại đi ngược lại các quyết định bảo vệ môi trường trước đây của chính phủ.

Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy để đạt mục tiêu khiến nhiệt độ trái đất không tăng lên quá 2 độ C, những vùng tài nguyên ở Bắc Cực cần được giữ nguyên và những nước như Na Uy nên tập trung vào du lịch và thủy sản cho phát triển kinh tế khu vực này hơn là khai thác dầu khí.

Cuộc chiến dầu mỏ tại quốc gia có quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Sơ đồ vùng Lofoten

Thống kê của chính phủ cho thấy nếu vùng Lofoten chấp nhận khai thác tài nguyên, họ sẽ tạo được khoảng 400-1000 việc làm hàng năm. Dẫu vậy, chính điều này càng khiến ngư dân trong vùng bất bình bởi họ có thể tạo được nhiều công ăn việc làm hơn thế với nghề đánh bắt cá và du lịch.

Về phía ngược lại, nhiều chính trị gia lại cho rằng chính nghề đánh bắt cá cũng như du lịch đang hủy hoại môi trường không kém. Hàng năm, khu vực chỉ có 23.000 dân cư này đón tiếp khoảng 1 triệu khách du lịch trên thế giới và điều này đang tàn phá môi trường nơi đây.

Câu chuyện dầu mỏ của gã nhà giàu

Trên thực tế, cái nhìn của những chính trị gia tại thủ đô Oslo khác khá xa so với những người dân vùng Lofoten. Ngành dầu mỏ đã và đang chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Cách đây 10 năm, nguồn tài nguyên này đóng góp tới 50% xuất khẩu và 1/4 GDP của quốc gia Bắc Âu.

Số liệu chính thức của chính phủ cho thấy dầu mỏ đã giúp Na Uy thu về 12 nghìn tỷ NK (1,15 nghìn tỷ Euro) trong vòng 40 năm qua. Các công ty năng lượng cũng đóng góp tới hơn 3 nghìn tỷ NK cho đất nước.

Cuộc chiến dầu mỏ tại quốc gia có quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - Ảnh 3.

Vùng biển ngoài khơi Lofoten

Xét trên khu vực Bắc Cực, Na Uy là nước đứng thứ 2 sau Nga về việc tích cực khai thác các mỏ tài nguyên ở vùng băng giá này. Do những thỏa thuận của các liên minh chính trị, chính quyền Oslo đã hạn chế khai thác các mỏ dầu ở Lofoten trong khoảng 2013-2017 nhưng lại tích cực khoan dầu ở vùng biển Barent phía Bắc. Từ đầu năm đến nay, số lượng các mỏ khoan mới đã phá kỷ lục từ trước đến nay với 93 mỏ.

Tuy vậy, nhiều mỏ khoan dầu của vùng biển Barent nằm sâu dưới lòng biển hay gặp khó khăn trong địa hình và đây là lý do mà nguồn tài nguyên vùng Lofoten với những mỏ dầu được đánh giá là khá nông bị các doanh nhân và chính trị gia để mắt đến.

Một nguyên nhân nữa khiến Na Uy hứng thú với Lofoten là sản lượng khai thác của nước này từ đầu năm 2001 đến nay đã giảm 50%. Đầu tư cho năng lượng cũng giảm mạnh 1/3 kể từ năm 2013. Với việc trở nên giàu có từ dầu mỏ, việc ngành năng lượng này suy giảm sản lượng buộc chính quyền Oslo phải tìm các biện pháp đối phó.

Hiện nay, các chính trị gia vẫn đang tranh cãi liệu họ sẽ tiếp tục duy trì nền kinh tế đánh bắt cá và du lịch tại Lofoten hay chuyển qua khai thác các mỏ dầu. Một số cho rằng việc mở cửa 1,5 nghìn tỷ NK nguồn tài nguyên dầu mỏ sẽ giúp Na Uy thu hút 150 tỷ NK đầu tư nước ngoài trong khi vẫn có thể kết hợp đánh bắt cá với khai thác dầu.

Cuộc chiến dầu mỏ tại quốc gia có quỹ đầu tư lớn nhất thế giới - Ảnh 4.

Quang cảnh trên đảo vùng Lofoten

Ban đầu, nhiều nhà bảo vệ môi trường cho rằng giá dầu giảm sẽ làm xói mòn tiếng nói khai thác dầu ở Lofoten nhưng những cuộc khảo sát lại cho thấy điều ngược lại. Khoảng 43% số cử tri phản đối việc khai thác nhưng có đến 34% số người ủng hộ.

Trước tình hình số người ủng hộ khai thác dầu ngày một nhiều hơn, các nhà hoạt động xã hội cũng như bảo vệ môi trường bắt đầu lên kế hoạch biểu tình nếu chính quyền Oslo thông qua việc khai thác dầu khí. Đây có lẽ sẽ là cuộc tranh cãi dai dẳng kéo dài gây đau đầu cho Na Uy khi họ vừa muốn là quốc gia thân thiện với môi trường nhưng cũng cần sự đóng góp của dầu mỏ nhằm duy trì chất lượng cuộc sống của người dân.

BT

Cùng chuyên mục
XEM