Cuộc chiến chống lạm phát khiến Mỹ đối mặt với rủi ro suy thoái: Đà phục hồi mới chỉ ‘nhen nhóm’ trong 2 năm liệu có nguy cơ ‘đổ sông đổ bể’?
Cảnh báo lần đầu tiên được đưa ra bởi một ngân hàng lớn, đã cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng xoay quanh động thái siết chặt chính sách tiền tệ của FED.
Tờ CNN trích nhận định của Deutsche Bank cho biết cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED có thể sẽ châm ngòi một cuộc suy thoái mới tại Mỹ vào cuối năm tới.
Cảnh báo trên, lần đầu tiên được đưa ra bởi một ngân hàng lớn, đã cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng xoay quanh động thái siết chặt chính sách tiền tệ của FED. Đa số các chuyên gia đều lo ngại rằng điều này sẽ vô hình chung chấm dứt đà phục hồi của nước Mỹ - thứ mới chỉ ‘nhen nhóm’ được trong 2 năm ngắn ngủi.
“Chúng tôi không nhìn thấy khả năng của FED trong việc ổn định nền kinh tế hậu thay đổi chính sách nữa. Thay vào đó, quyết định thắt chặt tiền tệ mà FED đưa ra có thể sẽ đẩy nền kinh tế vào cuộc suy thoái mới’’, một báo cáo của Deutsche Bank cho biết.
Cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED có thể sẽ châm ngòi một cuộc suy thoái mới tại Mỹ
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát lớn chưa từng có, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng với tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay.
Xung đột leo thang giữa Nga và Ukraine càng khiến hy vọng hạ nhiệt lạm phát của Mỹ bị dập tắt. Khi đó, FED buộc phải nhanh chóng tăng lãi suất để kiểm soát giá cả.
“Rõ ràng, sự ổn định giá cả chỉ có thể đạt được nhờ các chính sách kinh tế thắt chặt”, báo cáo của Deutsche Bank nêu rõ.
Tuy nhiên, FED không thể ngay lập tức “bóp phanh’’ nền kinh tế. Một chính sách giúp kinh tế Mỹ giảm tốc từ từ được cho là sẽ hiệu quả và khôn ngoan hơn.
“FED cần thu hẹp bảng cân đối kế toán và có phương pháp tăng lãi suất thích hợp để hạ nhiệt lạm phát. Điều quan trọng nhất lúc này là phải khiến tỷ lệ lạm phát giảm’’, bà Lael Brainard, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang FED cho biết.
Dù Deutsche Bank không đưa ra những dữ liệu chính xác về mốc thời gian cũng như quy mô cuộc suy thoái, song phía ngân hàng này vẫn dự báo kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp trong quý cuối của năm 2023 và quý đầu tiên của năm 2024.
Thông tin tích cực là Deutsche Bank không dự báo về một cuộc suy thoái sâu và nghiêm trọng như những gì Mỹ từng trải qua. Thay vào đó, nước này có thể sẽ chỉ trải qua một "cuộc suy thoái nhẹ", với tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh trên 5% vào năm 2024. Trước đây, trong thời kỳ Đại suy thoái hậu COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ còn chạm ngưỡng 14,7% hồi năm 2020.
“Với tỷ lệ thất nghiệp không quá nghiêm trọng, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức vừa phải và giảm xuống mục tiêu 2% của FED vào năm 2025”, Deutsche Bank nhận định.
Theo CNN, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đang cảnh báo về rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái hậu chính sách của FED.
“Rủi ro suy thoái ngày một tăng cao hơn’’, nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cho biết.
Nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lạm phát lớn chưa từng có
Trước đó, Goldman Sachs cũng dự báo khả năng Mỹ đối mặt với khủng hoảng suy thoái đã lên tới 35%, trong bối cảnh sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga làm tăng nguy cơ lao dốc của nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen lại nhấn mạnh rằng thị trường việc làm và tình hình tài chính trong các hộ gia đình Mỹ vẫn đang khá tốt. Bà nói lạm phát là vấn đề cần giải quyết, song không cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái.
Chủ tịch FED ông Powell cũng đã dẫn chứng các năm 1965, 1984 và 1994 - mốc thời gian nước Mỹ chống lại bài toán lạm phát bằng cách tăng lãi suất mà không gây ra bất kỳ rủi ro suy thoái nào. Dẫu vậy, phía FED cũng thừa nhận, hiện không có gì đảm bảo rằng cơ quan này lại một lần nữa có thể làm nên kỳ tích như vậy.
Theo: CNN