Cùng sảy chân vì khủng hoảng truyền thông, Tân Hiệp Phát mất 3 năm đã lấy lại thị phần còn trà C2 ngày càng tuột dốc

17/07/2018 10:15 AM | Kinh doanh

Thời điểm Tân Hiệp Phát vướng phải “vụ kiện con ruồi”, URC từng vươn lên vị trí số một ngành hàng trà đóng chai với hơn 40% thị phần. Tuy nhiên, khi URC đi vào vết xe đổ tương tự như đối thủ với scandal sản phẩm nhiễm chì, thị phần của doanh nghiệp này chỉ một chiều đi xuống.

Universal Robina Corporation (URC) ngày nay được biết đến là một trong những hãng kinh doanh nước giải khát đóng chai và đồ ăn nhanh hàng đầu Đông Nam Á. URC Việt Nam - một chi nhánh của tập đoàn này, được thành lập và hoạt động từ năm 2003.

Cái tên URC có thể không nhiều người tiêu dùng biết đến, nhưng các thương hiệu của tập đoàn này lại hoàn toàn khác. C2 ở phân khúc trà xanh đóng chai, Rồng Đỏ ở nhóm sản phẩm nước tăng lực, bánh quy Cream-O, Magic, Kẹo Dynamite hay Snack Jack & Jill Puff Corn đều là những cái tên lớn trên thị trường. Trong các sản phẩm này, ngành hàng trà đóng chai là sản phẩm chủ lực mang lại doanh thu lớn nhất cho URC tại thị trường Việt Nam.

Góp mặt trên thị trường từ năm 2006, sản phẩm trà xanh C2 của URC đã làm xáo trộn thị trường khi đó, vốn nằm hoàn toàn trong tay Tân Hiệp Phát với sản phẩm Trà xanh Không độ và Dr Thanh. Ngành hàng này nhanh chóng được chia lại với quá trình đầu tư liên tục của "đại gia" Philippines, từ khâu sản xuất cho tới quảng cáo, tiếp thị. Năm 2012, URC và Tân Hiệp Phát cùng nhau nắm giữ tới gần 90% thị phần RTD Tea. Trong đó, Tân Hiệp Phát chiếm trên 51%, còn URC giữ 36 – 37%.

Giai đoạn năm 2014 – 2015 khi Tân Hiệp Phát sẩy chân với "vụ kiện con ruồi", thị phần của URC đã tiến sát với đối thủ này và có thời điểm vượt lên trên để giữ vị trí số 1 về trà đóng chai. Trong khi đó, Suntory Holding – tập đoàn Nhật Bản mang trà Ô Long vào Việt Nam qua liên doanh với PepsiCo, vẫn còn ở khoảng cách khá xa.

Tuy nhiên, giai đoạn đỉnh cao với URC tại thị trường Việt Nam không giữ được quá lâu. Giữa năm 2016, công ty này đi vào vết xe đổ của Tân Hiệp Phát khi để chính mình vướng phải khủng hoảng. Hai sản phẩm chủ lực của URC là C2 và Rồng Đỏ phải thu hồi vì lượng chì vượt quá ngưỡng cho phép. Làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng, thậm chí còn cao hơn cả khủng hoảng truyền thông của Tân Hiệp Phát trước đó 2 năm. Hậu quả để lại là thị phần các ngành hàng của URC tụt dốc không phanh.

Cùng sảy chân vì khủng hoảng truyền thông, Tân Hiệp Phát mất 3 năm đã lấy lại thị phần còn trà C2 ngày càng tuột dốc - Ảnh 1.

Chỉ trong hơn 1 năm từ tháng 3/2016 đến cuối năm 2017, thị phần trà đóng chai của URC về dưới 15%, trong khi thị phần ngành hàng nước tăng lực giảm một nửa. Đến tháng 3/2018, thị phần của URC chỉ nhích lên 15% và tiếp tục bị Suntory – tập đoàn mới vào Việt Nam được 3 năm, vượt qua.

Ảnh hưởng của khủng hoảng này với URC có thể nhìn thấy sớm nhất từ kết quả của thị trường phía Bắc. Doanh thu của URC Hà Nội năm 2016 giảm hơn 35% so với năm trước đó. Trong khi lợi nhuận năm này chỉ còn hơn 180 tỷ so với mức 367 tỷ năm 2015.

Doanh thu trong 2 năm 2015 và 2016 của URC Việt Nam mặc dù vẫn ngang ở mức hơn 4.700 tỷ đồng, tuy nhiên thị phần của công ty này, thực tế giảm mạnh nhất phải kể từ đầu năm 2017. Do đó, số liệu năm này mới có thể phản ánh hết biến động về thị phần.

Ảnh hưởng của thị trường Việt Nam khiến URC Philippines phải giảm kỳ vọng doanh thu toàn Tập đoàn xuống dưới 5% thay vì tăng trưởng 9% như kế hoạch đặt ra lúc đầu năm 2016. Lãnh đạo của tập đoàn này cũng từng nhận định: "Thật khó biết khi nào URC sẽ hồi phục lại thị phần như trước đây. Chúng tôi không đưa ra kỳ vọng đó, chúng tôi biết rằng sẽ rất khó khăn".

Đầu năm 2018, sau gần 2 nằm chìm trong khủng hoảng, tập đoàn này lên kế hoạch để đưa C2 và Rồng Đỏ quay lại thị trường với diện mạo mới. Tuy nhiên, xóa bỏ hình ảnh tiêu cực từ scandal chất lượng sản phẩm vốn là không phải điều đơn giản, đặc biệt khi niềm tin của người tiêu dùng đã bị ảnh hưởng.

Dù vậy, với một thị trường còn tiềm năng như Việt Nam, yêu cầu lấy lại thị phần là điều chắc chắn phải thực hiện.

Nền tảng tích lũy, có lẽ là điều tích cực duy nhất còn sót lại. Khác với Tân Hiệp Phát khi lợi nhuận hàng năm đều được chia cho chủ sở hữu, lợi nhuận của URC Việt Nam đều được giữ lại trong ba năm gần nhất. Theo báo cáo tài chính, tổng lợi nhuận chưa phân phối của URC Hà Nội và URC Việt Nam đến cuối năm 2016 đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Theo Tuyết Lan

Cùng chuyên mục
XEM