Sau "sự cố con ruồi", Tân Hiệp Phát vẫn thu lãi nghìn tỷ mỗi năm, tỷ suất lợi nhuận vượt cả Sabeco, Masan

22/05/2018 11:23 AM | Kinh doanh

Năm 2014, tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm công ty Tân Hiệp Phát chỉ ở mức hơn 900 tỷ đồng thì đến năm 2017, con số này đã tăng gấp đôi lên 1.840 tỷ đồng.

Tân Hiệp Phát – cỗ máy hái ra tiền

Hệ thống Tân Hiệp Phát/Number 1 được thành lập từ năm 1994, hiện là một trong những tập đoàn đồ uống, nước giải khát lớn nhất Việt Nam. Các sản phẩm chính của công ty gồm có trà xanh uống liền, trà thảo mộc, nước tăng lực, sữa đậu nành…

"Sự cố con ruồi" xảy ra vào đầu năm 2015 là một bước ngoặt lớn đối với Tân Hiệp Phát, đi kèm với nó là những hệ quả tiêu cực về sụt giảm doanh số cũng như phản ứng không tích cực từ một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Tuy nhiên khách quan mà nói thì Tân Hiệp Phát là một ví dụ thành công về một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã khai phá một phân khúc thị trường mới (trà uống liền) cũng như đã cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia để trở thành một trong những doanh nghiệp đồ uống hàng đầu.

Việc phát triển và chiếm lĩnh một phân khúc rất lớn đã mang khoản lợi nhuận khổng lồ và đều đặn lên đến cả nghìn tỷ mỗi năm cho Tân Hiệp Phát.

Tính đến trước "sự cố con ruồi", theo số liệu mà chúng tôi có được, trong năm 2014, Tân Hiệp Phát đạt gần 7.000 tỷ đồng doanh thu; lãi trước thuế 930 tỷ và lãi sau thuế 730 tỷ đồng. Với những con số này, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu cũng như lợi nhuận lớn nhất Việt Nam cũng như là một trong những công ty lớn nhất trong ngành đồ uống không cồn.

Kể từ khi xảy ra "sự cố con ruồi", doanh thu của Tân Hiệp Phát ghi nhận giảm trong 2 năm liên 2015-2016 trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2017, đạt 5.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự sụt giảm này nhiều khả năng chỉ mang tính kỹ thuật do việc điều chuyển hoạt động sản xuất sang công ty Number One Hà Nam tại miền Bắc khi nhà máy mới tại đây đi vào vận hành.

Sau sự cố con ruồi, Tân Hiệp Phát vẫn thu lãi nghìn tỷ mỗi năm, tỷ suất lợi nhuận vượt cả Sabeco, Masan - Ảnh 1.

Trong giai đoạn 2014-2017 thì ngoại trừ năm 2016, doanh thu cộng ngang của Tân Hiệp Phát và Number One Hà Nam đều đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng.

Trong khi doanh thu đi ngang thì tổng lợi nhuận của cả 2 công ty lại liên tục tăng lên. Lợi nhuận trước thuế từ mức hơn 900 tỷ đồng năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 1.840 tỷ đồng vào năm 2017. Bên cạnh tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh chính, việc lợi nhuận của nhóm Tân Hiệp Phát tăng vọt trong năm 2017 còn do phát sinh một khoản thu nhập bất thường gần 300 tỷ đồng.

Loại trừ khoản thu nhập bất thường trên, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu năm 2017 của nhóm Tân Hiệp Phát đạt 22% - chỉ đứng sau Vinamilk (24%) và xếp trên nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành thực phẩm - đồ uống như Habeco, Masan Consumer, Vinacafe Biên Hòa...

Với lợi nhuận dồi dào, các doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm - đồ uống cũng thường là những "ông vua" tiền mặt với lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn lên tới vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn tỷ. Tuy nhiên với Tân Hiệp Phát thì không như vậy.

Sau sự cố con ruồi, Tân Hiệp Phát vẫn thu lãi nghìn tỷ mỗi năm, tỷ suất lợi nhuận vượt cả Sabeco, Masan - Ảnh 2.

Làm được bao nhiêu rút ra bấy nhiêu

Với mức lợi nhuận như trên, thì việc chỉ sau vài năm Tân Hiệp Phát tích lũy được vài nghìn tỷ đồng chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, dường như nhu cầu giữ lợi nhuận để tái đầu tư không lớn nên gần như lãi được bao nhiêu là Tân Hiệp Phát lại phân phối lại cho các chủ sở hữu của mình.

Điều này cho thấy Tân Hiệp Phát chỉ giữ lại rất ít nhuận để duy trì hoạt động, còn lại phần lớn lãi tạo ra được phân phối lại cho gia đình ông Trần Quí Thanh – những người đang sở hữu 100% vốn của công ty.

Khoản lợi nhuận khổng lồ được rút ra mỗi năm từ Tân Hiệp Phát có thể là lý do chính dẫn đến việc ông Trần Quí Thanh và những người liên quan có những khoản tiền gửi tiết kiệm lên đến gần 6.000 tỷ đồng trong vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây dựng.

Rõ ràng, nếu như hàng năm Tân Hiệp Phát đều đặn tạo ra khoản lãi lên đến cả nghìn tỷ như năm 2014 mà không có nhu cầu đầu tư thêm quá lớn thì việc phân phối lại phần lớn lợi nhuận cho các chủ sở hữu sử dụng vào việc khác "có hiệu quả hơn" là một lựa chọn hợp lý.

Về bản chất, Tân Hiệp Phát là công ty của gia đình ông Thanh nên việc Tân Hiệp Phát giữ lại lợi nhuận và trực tiếp gửi tiết kiệm hay gia đình ông Thanh lấy tiền về rồi mang đi gửi không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu Tân Hiệp Phát gửi tiền vào ngân hàng thì lãi suất tiền gửi doanh nghiệp sẽ không thể cao bằng cá nhân gửi tiền tiết kiệm. Vì thế, phương án đầu tư tiền gửi tiết kiệm thông qua các cá nhân rõ ràng có lợi hơn.

Theo Kiến Khang

Cùng chuyên mục
XEM