Cùng bàn về Vắc-xin Nga: “Đốt cháy giai đoạn” hay "cú lội ngược dòng ngoạn mục"?

20/08/2020 14:14 PM | Sống

Trước những nghi ngờ và chỉ trích cho rằng Nga đang “đốt cháy giai đoạn” trong phát triển vắc-xin COVID-19, một số chuyên gia đã đưa ra những quan điểm cá nhân về vấn đề này.

Sự xuất hiện của COVID-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới, gây ra hàng loạt những tổn thất và mất mát về người và của, đã khiến cho không chỉ người dân mà ngay cả các giới chức cấp cao của các nước cũng phải "điêu đứng". Bởi thế mà sự kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký lưu hành vắc-xin ngừa COVID-19 vào ngày 11/8 càng trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết.

Trước đó, Nga từng tuyên bố loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên đưa vào sản xuất, sẽ được tung ra thị trường vào cuối tháng này.

Vào ngày 15/8, Reuters dẫn nguồn tin công bố của Bộ Y tế Nga, được đăng tải trên các hãng thông tấn trong nước cho biết: "Lô vắc-xin COVID-19 đầu tiên do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật học Gamaleya phát triển, đã được sản xuất". Cơ quan này khẳng định vắc-xin đã trải qua tất cả các cuộc kiểm tra cần thiết và được chứng minh có khả năng xây dựng hệ thống miễn dịch chống nCoV.

Cũng trong ngày 15/8, Hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời người đứng đầu viện nghiên cứu Gamaleya, Alexander Gintsburg, cho biết, những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn cuối về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin sẽ được tiêm 2 lần.

Lúc này, có thể nói, bằng việc công bố là nước đầu tiên chế tạo thành công vắc-xin COVID-19, Nga đã chính thức trở lại thị trường dược phẩm thế giới. Tuy nhiên, trái ngược với những phản ứng mong muốn nhận được lúc này, ngay lập tức cộng đồng y khoa và WHO phản hồi, cho rằng Nga đã quá vội vã và có thể đưa ra những quyết sách nguy hiểm.

Liên quan tới vấn đề này, PGS. TS Huy Nga – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cùng một số chuyên gia khác đã bày tỏ những quan điểm cá nhân.

PGS. TS Huy Nga: "Muốn xem hiệu quả đến đâu cần phải chờ kết quả từ những người đầu tiên sử dụng"

Cùng bàn về Vắc-xin Nga: “Đốt cháy giai đoạn” hay cú lội ngược dòng ngoạn mục? - Ảnh 1.

Về việc Nga cho ra đời vắc-xin phòng COVID-19 và chuẩn bị tiêm chủng cho cộng đồng gây ra nhiều tranh cãi và nghi ngờ. Nguyên nhân được xuất phát từ việc Nga đã bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm tính an toàn theo chuẩn của WHO.

Tuy nhiên, Nga có lý do của họ khi đất nước này có tới hơn 90.000 người đang nằm trong bệnh viện do COVID-19, trong đó hàng ngàn người đang trải qua những cuộc "thập tử nhất sinh", đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Bởi vậy, họ phải đi tắt.

Để chứng minh và kêu gọi sự tin tưởng vào hiệu quả của loại vắc-xin này, Tổng thống Putin khẳng định con gái ông cũng đã được tiêm trước khi cha cô công bố với toàn thế giới sự có mặt của loại vắc-xin mang tên Sputnik V.

"Tôi nghĩ là vắc-xin phải đảm bảo an toàn nên họ mới tiêm. Còn hiệu quả như thế nào thì phải chờ thời gian sau khi những người tình nguyện đầu tiên được sử dụng. Đây là sinh mạng chính trị của Putin nên chắc ông ta đã cân nhắc kỹ lưỡng.", PGS. TS Huy Nga nhấn mạnh.

PGS. BS Huynh Wynn Tran: "Ai cũng mong vắc-xin nhưng không nên bỏ qua tính an toàn và hiệu quả của nó"

Cùng bàn về Vắc-xin Nga: “Đốt cháy giai đoạn” hay cú lội ngược dòng ngoạn mục? - Ảnh 2.

Dựa trên sự hiểu biết thông qua việc tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu, BS. Huynh Wynn Tran (ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Hoa Kỳ) khẳng định, vắc-xin của Nga chỉ mới được thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 trên một số ít người, chưa được thử nghiệm giai đoạn 3.

Song, tỉ lệ thành công của giai đoạn 3 và 2 là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, thông thường vắc-xin phát triển qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 và 2 thử nghiệm an toàn trên người với số ít những người khoẻ mạnh. Giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất, khi thử nghiệm tính hiệu quả qua nhóm đối chứng lâm sàng trên hàng ngàn người, bao gồm người lớn tuổi và phụ nữ có thai, trẻ em. Ở giai đoạn này, tỉ lệ thành công từ giai đoạn 3 đến thực sự chấp thuận khoảng 33% cho vắc-xin bệnh truyền nhiễm -

Một nghiên cứu từ FDA năm 2017 cho thấy có 5 vắc-xin thử nghiệm giai đoạn 3 cho kết quả hoàn toàn trái với giai đoạn 2, nghĩa là không hiệu quả. Cụ thể là vắc-xin giai đoạn 3 của vắc-xin HVTN 702 cho bệnh HIV tốn 100 triệu USD đã phải bỏ vì không có kết quả.

Đồng thời, một nghiên cứu vắc-xin khác cũng thất bại ở giai đoạn 3, cũng cho bệnh HIV, là HVTN 502, cho kết quả nhiều người bị nhiễm HIV khi chích thử nghiệm vắc-xin.

Nói cách khác, không có kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 thì chưa nên vội kết luận.

Tuy nhiên, Nga cũng đang bắt đầu cho thử nghiệm thêm trên hàng nghìn người (giai đoạn 3) vào tháng này, song song với việc được chấp thuận dùng và bán cho 20 nước khác. Nói cách khác, bộ Y tế Nga cấp giấy chứng nhận vắc-xin trong lúc bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.

"Thế giới ai ai cũng mong muốn có vắc-xin COVID-19 sớm, nhưng chúng ta không thể bỏ qua các bước nghiên cứu quan trọng, nhất là sự an toàn khi thử nghiệm trên người. Đây là điểm bắt buộc đầu tiên phải có trong y khoa.

Hiện này, có trên 168 nghiên cứu về vắc-xin toàn cầu, theo thống kê của WHO. Trong số đó, chỉ có 28 nghiên cứu vắc-xin là trong giai đoạn thử nghiệm trên người, giai đoạn 1,2, và 3 (chỉ có 6 nghiên cứu).", theo BS. Huynh Wynn Tran.

BS. Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn, Hà Nội): "Khi không đủ thông tin để đánh giá vắc-xin mà Putin tuyên bố thì mọi lời chỉ trích hay ủng hộ đều chỉ dừng lại ở mức phát biểu cảm tính"

Theo BS. Trần Văn Phúc, vắc-xin của Nga có biểu hiện rất rõ đó là thứ vũ khí được Putin gắn thêm tên lửa đẩy, đưa nó vào quỹ đạo của cuộc chạy đua với Mỹ và các quốc gia của phương Tây, để tạo ra một thế giới tam cực hậu COVID.

Cùng bàn về Vắc-xin Nga: “Đốt cháy giai đoạn” hay cú lội ngược dòng ngoạn mục? - Ảnh 4.

"Nền tảng của vắc-xin do Nga sản xuất theo công nghệ véc-tơ adenovirus, được cho là đã thực hiện từ 6 năm trước, khi các nhà khoa học Nga nghiên cứu vắc-xin phòng chống MERS-CoV và Ebola.

Đây có thể là lí do giải thích sự "thần tốc" của Sputnik-V.

Nhưng kháng thể chống lại protein S của adenovirus có tác dụng tiêu diệt SARS-CoV-2 hay không? Nếu có thì miễn dịch bền vững được bao lâu? Theo tôi, đó là 2 dấu hỏi rất lớn dành cho Sputnik-V.

Hệ thống tế bào miễn dịch của người có 2 loại là T và B.

Tế bào T gồm 2 loại phụ là CD4+ và CD8+. Tế bào CD4+ giải phóng các cytokine. Các cytokine này lại kích thích tế bào B, để trở thành tế bào plasma và tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa vi-rút. Mặt khác, CD8+ trực tiếp tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh."

Như vậy, liệu Sputnik-V có tạo nên bộ nhớ miễn dịch cho tế bào T và B hay không?

Một nghiên cứu gần đây từ Mỹ cho thấy những người bị nhiễm COVID có khả năng tạo ra tế bào T và B miễn dịch đặc hiệu. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ngay cả một số người chưa bao giờ nhiễm COVID cũng có tế bào T miễn dịch với COVID, lí do có thể trước đó đã nhiễm các vi-rút họ coronavirus như SARS-CoV-1, MERS-CoV hay một số corona gây cảm lạnh thông thường. Đây còn gọi là phản ứng chéo của protein S.

Theo logic thì Sputnik-V có thể tạo ra bộ nhớ miễn dịch cho COVID.

Một nghiên cứu khác của Viện Karolinska ở Thụy Điển cũng cho thấy một số bệnh nhân COVID có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đã tạo ra tế bào T miễn dịch. Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về các tế bào T trí nhớ ở những bệnh nhân đang dưỡng bệnh, chứng tỏ COVID tạo ra phản ứng mạnh mẽ tế bào T bộ nhớ, có thể ngăn chặn các đợt tái phát của COVID nghiêm trọng.

Đó là những tin mừng cho Sputnik-V.

Thời gian tồn tại kháng thể của COVID được bao nhiêu, đến nay vẫn chưa rõ ràng. Với các coronavirus khác, kháng thể giảm dần theo thời gian từ 12 - 52 tuần kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Một số nghiên cứu tôi đọc thấy kháng thể của bệnh nhân nhiễm COVID tồn tại không lâu, có thể chỉ 7 đến 8 tuần, nhưng cũng không loại trừ tế bào T và B bộ nhớ được tạo ra sẽ lâu hơn nữa.

"Song, có điều cần hiểu rõ rằng, khi không đủ thông tin để đánh giá vắc-xin mà Putin tuyên bố thì mọi lời chỉ trích hay ủng hộ đều chỉ dừng lại ở mức phát biểu cảm tính", BS. Trần Văn Phúc khẳng định.

Vắc-xin = AN TOÀN + HIỆU QUẢ.

Theo đó, an toàn và hiệu quả chính là câu thần chú bất di bất dịch, bởi vì sứ mệnh của vắc-xin là để cứu người, chứ không phải giết người, nên bắt buộc phải an toàn và hiệu quả. Nếu chưa rõ 1 trong 2 tiêu chuẩn "an toàn và hiệu quả" thì vắc-xin đều sẽ không được phép tiêm cho cộng đồng. Dù là bất kể quốc gia nào cũng đều sẽ không có ngoại lệ.

Trước những chỉ trích cho rằng Nga đang "đốt cháy giai đoạn" trong việc phát triển vắc-xin COVID-19, Aleksander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gameleya, hôm 16/8 cho hay, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 vẫn sẽ được tiến hành trên quy mô hàng nghìn người.

Ông Gintsburg cũng lưu ý thêm, Sputnik V dự kiến không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất tới 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như các phản ứng phụ có thể xảy ra.

Vắc-xin là một trong những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe con người. Và loại vắc-xin hữu hiệu nhất để chống lại mọi dịch bệnh chính là sức đề kháng (hệ miễn dịch) của chúng ta.

Khi mọi người nắm được những việc cần làm để không những duy trì mà còn tăng cường sức đề kháng này của cơ thể mình thì không chỉ các loại virus, vi khuẩn mà thậm chí các tế bào ung thư hoặc những biến cố sức khoẻ khác cũng rất ít có cơ hội xảy đến.

Sự kiện Nga ra mắt vắc-xin đã tạo ra nhiều luồng tranh luận khác nhau, có những người ủng hộ, cũng có những người nghi ngờ về tính an toàn và hiệu quả của loại vắc-xin này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận sự kiện theo một hướng tích cực hơn, đó là việc xuất hiện vắc-xin Sputnik-V đã mang đến những tia hy vọng mới trước những đợt sóng ngầm đang dữ dội của dịch bệnh COVID-19.

Cùng bàn về Vắc-xin Nga: “Đốt cháy giai đoạn” hay cú lội ngược dòng ngoạn mục? - Ảnh 7.



PV

Cùng chuyên mục
XEM