Cửa hàng tiện lợi: Tích hợp mô hình bán lẻ đa kênh
Mô hình cửa hàng tiện lợi đang phát triển mạnh tại Việt Nam và lợi thế đang nghiêng về nhà đầu tư nước ngoài...
Xu hướng mới
Theo bà Võ Thị Khánh Trang - trưởng bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills TP.HCM, cách nay khoảng 10 năm, đã có những chuỗi cửa hàng tiện lợi của doanh nghiệp trong nước. Thế nhưng mô hình này vẫn chưa thành công vì giá bán chưa phù hợp với đa số người tiêu dùng nên họ cho rằng "liệu sự tiện lợi có đáng để bỏ tiền?".
Hiện nay, mô hình này đang bùng nổ theo nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là người trẻ. Theo khảo sát người tiêu dùng của Savills TP.HCM, năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi là 17%, cao hơn nhiều so với mức 4% vào năm 2015.
Báo cáo mới nhất của Nielsen về xu hướng mua hàng toàn cầu, người mua hàng Việt Nam đã giảm vào chợ truyền thống, thay vào đó họ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, cửa hàng thuốc tây hiện đại thường xuyên hơn.
Ông Gaurang Kotak - trưởng bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Nielsen Việt Nam cho biết, khi người mua hàng ở thành thị có ít thời gian hơn, phải đối mặt với tắc nghẽn giao thông và sống xa nơi làm việc nên họ cần các giải pháp và sản phẩm tiện lợi có thể giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Xu hướng tiêu dùng mới này làm bùng nổ mô hình cửa hàng tiện lợi.
Tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam hiện đã tăng tới 200% mỗi năm. Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, cuối năm 2014, Thành phố chỉ có 326 cửa hàng tiện lợi thì đến cuối tháng 3/2018 đã đạt 1.144, tăng gấp 3,5 lần. Các thương hiệu cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini Family Mart, Bs mart, Circle K, Ministop, Shop&Go... đang dần thay thế cửa tiệm tạp hóa truyền thống.
Theo chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú, cửa hàng tiện lợi kinh doanh các mặt hàng ăn nhanh với giá phải chăng, phù hợp với những người tiêu dùng trẻ. Bên cạnh đó, chính sách cho phép các doanh nghiệp FDI được mở cửa hàng bán lẻ dưới 500m2 mà không phải thực hiện quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) cũng khiến các chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng phát triển.
Cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh còn nhờ vào các dịch vụ cộng thêm như hỗ trợ khách hàng thanh toán tiền điện, nước, internet, đặt vé máy bay, mua thực phẩm, nước giải khát...
Thương hiệu nội tăng thị phần
Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam, hiện nay phân khúc cửa hàng tiện lợi đang thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài với 80% thị phần. Trong đó, Circle K có 297 cửa hàng, Family Mart 160 cửa hàng, Bs Mart 168 cửa hàng, Shop & Go có 119 cửa hàng, Ministop 116 cửa hàng. Cùng với đó, sự "đổ bộ" của 7-Eleven và GS25 vào thị trường Việt Nam tạo sự sôi động hơn cho kênh mua sắm này.
Không dừng lại ở những con số trên, các thương hiệu ngoại không ngừng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, Family Mart có kế hoạch mở 1.000 cửa hàng vào năm 2020, 7-Eleven sẽ mở rộng hoạt động với 1.000 cửa hàng sau 10 năm (vào năm 2027).
Trước sức mạnh về tiềm lực kinh tế cũng như kinh nghiệm quốc tế của doanh nghiệp ngoại, các thương hiệu Việt Nam đang tích cực mở rộng chuỗi để tăng thị phần. Chẳng hạn như chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam là Vinmart+ dự kiến mở 4.000 cửa hàng vào năm 2020. Từ đầu năm đến nay, Satra đã mở thêm 58 cửa hàng, nâng lên 213 cửa hàng Satrafood tại TP.HCM và Cần Thơ. Saigon Co.op có hơn 200 cửa hàng Co.op Food, hơn 80 cửa hàng Co.opSmile, 12 cửa hàng Cheers, và dự kiến nâng số lượng lên 150 cửa hàng Co.opSmile, 50 cửa hàng Cheers vào cuối năm nay.
Tính đến nay, Thế Giới Di Động có đến 425 cửa hàng Bách hóa Xanh. 8 tháng đầu năm 2018, doanh thu Bách hóa Xanh đạt 2.372 tỷ đồng, tăng 251% so với cùng kỳ 2017. Theo lãnh đạo của Bách hóa Xanh, sau nhiều thử nghiệm, Bánh hóa Xanh đã chuẩn hóa mô hình "thịt tươi, cá lội" để sẵn sàng nhân rộng trong thời gian tới. Các cửa hàng đang hoạt động với mô hình chuẩn (từ 160 - 220m2) đạt doanh thu trung bình trên 1,1 tỷ đồng/tháng.
Theo ông Nguyễn Tường Văn - Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra, tuy đã có nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam nhưng hệ thống bán lẻ Satra với phân khúc chuyên biệt vẫn chiếm cảm tình của người tiêu dùng. Bình quân mỗi ngày Satrafood phục vụ hơn 58.000 lượt khách.
Satra đã đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là sự ra đời của sản phẩm tươi sống, sơ chế, tẩm ướp theo đúng tiêu chí "cửa hàng thực phẩm tiện lợi". Cùng với đó, số mặt hàng đã tăng gấp đôi so với trước, từ 2.000 lên 4.000. Tỷ trọng ngành hàng cũng thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng: hơn 80% là hàng thực phẩm, trong đó 50% là thực phẩm tươi sống, sơ chế, tẩm ướp và 30% là thực phẩm khô.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhu cầu mua sắm tại kênh hiện đại của người Việt Nam mới chỉ chiếm 20 - 25% chi tiêu tiêu dùng, còn rất thấp so với các nước. Cụ thể, tại Philippines tỷ lệ mua sắm ở kênh hiện đại chiếm 33%, ở Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60% và Singapore 90%. Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn để các hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển.
Dù tiềm năng nhưng kinh doanh cửa hàng tiện lợi đòi hỏi doanh nghiệp phải trường vốn. Bởi trung bình một cửa hàng tiện lợi phải chịu lỗ trong vòng 3 năm đầu. Đây là lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng lại là nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam vốn khó khăn cả về vốn, nhân lực, chất lượng phục vụ, kiểm soát nguồn hàng. Muốn phát triển kênh bán hàng này, doanh nghiệp Việt cần khẳng định thương hiệu thông qua hàng hóa chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, giá cả cạnh tranh, thái độ phục vụ tốt, đồng thời chủ động khai thác thị trường nông thôn.
Bên cạnh đó, hiện nay nhóm người tiêu dùng trẻ đang dẫn dắt thị trường và nhu cầu về giao hàng nhanh là đòi hỏi cần nhà bán lẻ đáp ứng. Vì vậy, các nhà bán lẻ không nên phân biệt bán lẻ online hay offline mà phải tích hợp mô hình bán lẻ đa kênh để đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.