Cứ thực hiện 8 thói quen xấu này bảo sao bạn vẫn chật vật trong công việc

30/05/2018 19:20 PM | Sống

Thói quen xấu là nguyên nhân lớn nhất làm giảm năng suất làm việc của chúng ta. Mặc dù không thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của chúng nhưng đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy hậu quả khủng khiếp mà những thói quen xấu gây ra.

Những thói quen xấu khiến tốc độ, tính chính xác khi xử lý công việc giảm, hạn chế khả năng sáng tạo và giảm hiệu quả làm việc của bạn. Kiểm soát những thói quen xấu là bước đầu tiên giúp bạn đạt được thành công không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Một nghiên cứu của Đại học Minnesota phát hiện ra rằng những người có khả năng tự kiểm soát tốt có xu hướng hạnh phúc hơn nhiều cả trong hiện tại cũng như tương lai.

Một số thói quen xấu gây rắc rối nhiều hơn thói quen khác, và tám thói quen sau là những kẻ gây rối tồi tệ nhất.

1. Sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính của bạn trên giường

Đây là thói quen lớn nhất mà hầu hết mọi người thậm chí không hề nhận ra tác hại của nó đến giấc ngủ và năng suất của họ. Ánh sáng xanh bước sóng ngắn đóng một vai trò quan trọng tác động đến tâm trạng, mức năng lượng và chất lượng giấc ngủ của bạn. Vào buổi sáng, ánh sáng mặt trời chứa nồng độ cao của ánh sáng xanh dương này. Khi mắt bạn tiếp xúc trực tiếp với nó, ánh sáng màu xanh sẽ làm ngưng hoạt động của hormone melatonin gây ngủ và khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Vào buổi chiều, các tia nắng mặt trời mất dần ánh sáng xanh của chúng, cho phép cơ thể sản xuất melatonin và bắt đầu làm cho bạn buồn ngủ.

Cứ thực hiện 8 thói quen xấu này bảo sao bạn vẫn chật vật trong công việc - Ảnh 1.

Vào buổi tối, bộ não của bạn không hề mong đợi bất kỳ sự tiếp xúc nào với ánh sáng màu xanh và rất nhạy cảm với nó. Hầu hết các thiết bị ưa thích của chúng ta— máy tính xách tay, máy tính bảng, TV và điện thoại di động — phát ra ánh sáng xanh bước sóng ngắn như vậy. Vào ban đêm, sự tiếp xúc với những ánh sáng xanh này khiến cho việc sản xuất melatonin bị cản trở và làm cho chúng ta khó ngủ, đồng thời làm giảm chất lượng chất ngủ. Như bạn cũng biết rồi đấy, việc mất ngủ có thể gây ảnh hưởng đến chúng ta như thể nào: Mất tập trung, không thể tỉnh táo và làm việc không năng suất,…Vì vậy, trước khi đi ngủ, nếu không cần thiết bạn hãy cố gắng tránh xa các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ.

2. Làm việc cá nhân trong khi đang tập trung làm việc

Nghiên cứu cho thấy bạn phải mất 15 phút tập trung liên tục trước khi hoàn toàn "đắm chìm" vào công việc. Một khi như vậy, bạn rơi vào giai đoạn hưng phấn của quá trình nâng cao năng suất, còn được gọi là dòng chảy. Nghiên cứu cho thấy rằng những người ở trạng thái dòng chảy có năng suất cao gấp 5 lần so với bình thường. Sự cám dỗ phải check Facebook, kiểm tra tỷ số bóng đá ngày hôm qua,…sẽ khiến bạn bị trượt ra khỏi trạng thái dòng chảy. Điều này có nghĩa là bạn phải trai qua 15 phút tập trung khác để đạt được trạng thái dòng chảy này. Mỗi ngày hãy quy định một khoảng thời gian cụ thể để kiểm tra tin tức và làm các công việc cá nhân, đừng để dòng chảy của bạn bị ngắt quãng và làm giảm hiệu suất làm việc của mình.

3. Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo

Hầu hết các nhà văn có thể dành hàng giờ để nghĩ ra nhân vật và cốt truyện và thậm chí còn có thể viết nhiều trang giấy dù họ biết họ không bao giờ đưa chúng vào cuốn sách của mình. Họ làm vậy vì họ biêt ý tưởng cần thời gian để phát triển.

Cứ thực hiện 8 thói quen xấu này bảo sao bạn vẫn chật vật trong công việc - Ảnh 2.

Chúng ta thường có xu hướng "đóng băng" khi đến lúc phải bắt đầu vì chúng ta biết ý tưởng đó còn thiếu sót và sợ rằng sản phẩm của chúng ta có thể không tốt. Nhưng làm sao chúng ta có thể tạo ra điều đặc biệt nếu không bắt đầu và cho những ý tưởng thời gian phát triển? "Bạn có thể chỉnh sửa một trang giấy với nội dung không tốt nhưng không thể chỉnh sửa một tờ giấy trắng" – Nhà văn Jodi Picoult nhấn mạnh tầm trọng của việc tránh theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo.

4. Tham gia các cuộc họp

Những cuộc họp vô nghĩa sẽ chỉ làm phí mất thời gian quý báu của bạn. Những người làm việc cực kỳ hiệu quả thường tránh tham gia các cuộc họp khi họ có thể. Họ biết rằng một cuộc họp có thể kéo dài "mãi mãi" với những việc chẳng hề liên quan, và vì thế khi phải tham gia cuộc họp, họ yêu cầu mọi người tuân theo lịch trình dự kiến.

5. Trả lời ngay khi có email đến

Những người làm việc hiệu quả không cho phép email làm công việc của họ bị gián đoạn. Họ thường kiểm tra hòm thư điện tử theo lịch và tận dụng công cụ ưu tiên người gửi. Họ cài đặt thông báo cho những cá nhân quan trọng và ưu tiên trả lời còn những cá nhân khác, họ thường thiết lập chức năng trả lời tự động để thông báo cho người gửi biết họ sẽ kiểm tra lại email của họ sau.

6. Nhấn nút "snooze"

Cứ thực hiện 8 thói quen xấu này bảo sao bạn vẫn chật vật trong công việc - Ảnh 3.

Khi ngủ, não bộ sẽ chuyển qua một chuỗi chu kỳ phức tạp với bước cuối cùng là chuẩn bị để thức dậy khi có chuông báo thức. Đây là lý do vì sao nhiều khi bạn tỉnh dậy trước cả khi chuông báo thức kêu. Khi bạn nhấn nút "snooze" và lại ngủ tiếp, bạn sẽ mất đi cơ chế "cảnh giác" này, dậy muộn hơn, mệt mỏi và uể oải. Tệ hơn nữa, sự uể oải này sẽ kéo dài suốt cả ngày làm việc của bạn. Vì thế, dù có mệt đến mấy khi chuông báo thức kêu, hãy ép bản thân thức dậy nếu muốn có một buổi sáng làm việc hiệu quả.

7. Làm nhiều việc cùng một lúc

Làm một lúc nhiều nhiệm vụ thực ra lại là một yếu tố làm giảm năng suất. Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Stanford khẳng định rằng việc làm một lúc nhiều việc đạt được hiệu quả thấp hơn so với việc tập trung làm một việc duy nhất. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thường xuyên phải tiếp nhận nhiều luồng thông tin đan xen nhau một lúc không thể tập trung sự chú ý, xử lý thông tin một cách hiệu quả. Khi bạn cố gắng làm hai việc cùng một lúc, bộ não của bạn không khả năng thực hiện thành công cả hai nhiệm vụ.

Cứ thực hiện 8 thói quen xấu này bảo sao bạn vẫn chật vật trong công việc - Ảnh 4.

Nhưng nếu một số người có khả năng đặc biệt? Các nhà nghiên cứu Stanford so sánh các nhóm người, dựa trên xu hướng đa nhiệm của họ và niềm tin của họ rằng đa nhiệm thực sự làm tăng năng suất. Họ phát hiện ra rằng những người đa nhiệm nặng – những người làm rất nhiều việc một lúc và cảm thấy năng suất tăng lên nhiều – thực ra ra rất dở trong khoản làm việc đa nhiệm nếu so với những người thích làm việc đơn nhiệm. Những người làm việc đa nhiệm thường xuyên cho thấy năng suất kém hơn vởi vì họ gặp vấn đề với việc tổ chức những dòng suy nghĩ và lọc ra những thông tin không liên quan, và tốc độ chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác của họ cũng chậm hơn những người bình thường.

8. Bỏ qua những nhiệm vụ khó

Năng lượng tinh thần ở con người là hữu hạn và khi nguồn năng lượng này dần cạn kiệt, việc ra quyết định và năng suất làm việc từ đó cũng giảm theo nhanh chóng. Khi bạn chừa lại những công việc khó vào cuối ngày vì chúng quá đáng sợ có nghĩa bạn sẽ phải đối mặt với chúng vào trạng thái kiệt quệ nhất của bản thân. Để đánh bại tình trạng này, bạn phải xử lý những công việc phức tạp vào buổi sáng khi tinh thần sảng khoái.

Một số trong những thói quen trên thoạt trông có vẻ chẳng có gì to tát nhưng mức độ ảnh hưởng của chúng sẽ tăng theo cấp số nhân. Chung quy sự khác biệt trong lựa chọn ở mỗi người là việc thỏa mãn ý muốn tức thời hay hạnh phúc lâu dài. Đừng để những thói quen xấu khiến bạn đi chệch với mục tiêu của mình.


Diệu Bảo

Cùng chuyên mục
XEM