"Cú nhảy cuối cùng" của lão startup Lữ Thế Hùng: Khởi nghiệp lại ở tuổi ngoại ngũ tuần, ra mắt nền tảng bách hóa online giữa tâm bão dịch
Ở tuổi hơn 50 mới khởi nghiệp lại ở lĩnh vực công nghệ trong thời điểm khó khăn như thế này, song với kinh nghiệm và vốn sống phong phú, ông Lữ Thế Hùng không mấy lo lắng. Bởi, theo ông, đường đi của startup non trẻ Bách Hóa Việt vừa chắc chắn vừa thực tế.
Các startup thiếu vốn – thị phần nhỏ, chính là những doanh nghiệp chết đầu tiên trước ‘ăn mòn’ của dịch Covid-19. Nhưng trên cái nền u ám đó, vẫn có những startup dũng cảm ra đời, ví dụ như Bách Hóa Việt.
Ngoài việc ra đời trong lúc nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh dịch, điều đặc biệt nữa của Bách Hóa Việt là founder của nó có lẽ là lớn tuổi nhất trong các startup công nghệ mà chúng tôi biết trong thời gian gần đây. Founder Lữ Thế Hùng kiêm Phó Chủ tịch của Bách Hóa Việt, năm nay đã ngoài 50 tuổi và có trên 25 startup hoạt động trong 2 lĩnh vực là quản trị doanh nghiệp và bán lẻ và TMĐT.
Nhân bất thập toàn, nếu founder là người trẻ có cái hay và dở, thì founder là người nhiều tuổi cũng thế. Dù là một startup trong lĩnh vực công nghệ, nhưng vì được lãnh đạo bởi một người đàn ông lớn tuổi làm trong ngành truyền thống, nên Bách Hóa Việt với nền tảng GT Link có những mục tiêu khá khiêm tốn và thực tế. Ngoài ra, việc các ông/bà chủ bách hóa ngại giao tiếp với các seller trong thời gian này, sẽ là cơ hội của GT Link, bởi nếu tải app GT Link, các chủ bách hóa không cần gặp seller vẫn có thể đặt hàng qua vài cú chạm trên smartphone.
GT Link đặc biệt nhắm tới các doanh nghiệp sản xuất SMEs và startup. Trong tương lai, cơ cấu nhà sản xuất mà GT Link mong muốn là 80% trong nước – 20% tập đoàn toàn cầu, nhưng trước mắt, họ chỉ tập trung vào 80% phía trước.
Mục tiêu của GT Link trong năm 2020 là có thể thu hút được khoảng 45.000 cửa hàng bách hóa tham gia vào mạng lưới, năm 2021 có thể thêm 45.000 nữa. Doanh thu của startup này sẽ đến từ 3 nguồn: các cửa hàng bách hóa, nhà phân phối và nhà sản xuất.
Mục tiêu xa hơn, GT Link sẽ còn mở rộng với sự tham gia của khách hàng tiêu dùng cuối. Ước mơ của doanh nghiệp mới này là muốn ‘nâng cấp’ cửa hàng bách hóa trở thành e-siêu thị, như là nơi ‘trưng bày’ ảo - chứa khoảng 1.000 đến 2.000 mặt hàng, khi khách hàng đặt hàng qua e-siêu thị đó bằng máy tính bảng hoặc tivi, hàng hóa sẽ được giao trong vòng 24h và sau đó phấn đấu lên 2h.
Người tiên phong trong mảng thương mại điện tử Việt Nam và sở thích ‘thiên di’
Với những nhân vật kỳ cựu trong ngành thương mại điện tử hoặc bán lẻ ở Việt Nam, hiếm ai lại không biết đến ông Lữ Thế Hùng.
Founder Lữ Thế Hùng kiêm Phó Chủ tịch của Bách Hóa Việt
"Hồi năm 2005 – 2006, khi mà doc.com bắt đầu xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam, tôi cũng là một trong những người tham gia rất tích cực vào mảng thương mại điện tử (TMĐT). Lúc đó, Alibaba cũng chỉ là một nền tảng trong giai đoạn sơ khai.
Đa số thương mại điện tử hồi đó tại Việt Nam là dùng để xuất khẩu, tức là sàn TMĐT dùng để giới thiệu các sản phẩm nông/lâm sản của nước ta, như thủy sản, hàng tiêu dùng, đồ gỗ… Hồi đó, TMĐT chủ yếu là B2B chứ không phải B2C hay C2C như bây giờ", Founder của Bách Hóa Việt hồi tưởng.
Thời hoàng kim đó, doanh nghiệp của ông cùng với Tìm Nhanh là 2 doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam trong mảng công nghệ, được nhà đầu tư nước ngoài là Vina Capital (đại diện quỹ DFJ) rót vốn.
"Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, tôi thấy rằng, chúng ta đi sớm quá cũng chết mà đi muộn quá cũng chết. Hồi đó, có lẽ chúng tôi đã đi trước xu thế quá sớm, nên đến khoảng năm 2007-2008 đã hết tiền và phải ngừng lại. Ai cũng nói chúng tôi kiên nhẫn vài năm nữa thì ngon, nhưng lúc đó đã hết tiền rồi, không thể tiếp tục nữa.
Thực tế, trong quá khứ, tất cả các mô hình TMĐT của Việt Nam mình chết không phải đi sai mà chết vì đi sớm quá. Phải đi đến Z mới thành công, nhưng đi đến Q thì đã hết tiền. Alibaba lỗ thì vẫn lỗ, nhưng vì thị trường đủ lớn nên được nhiều người rót vốn hơn. Bây giờ, tất cả các sàn TMĐT lỗ thì vẫn lỗ, nhưng vẫn được rót vốn. Hồi xưa không thế", ông Lữ Thế Hùng ngậm ngùi kể.
Sau khi không thành công, ông Hùng bắt đầu nhảy sang mảng bán lẻ. Ông từng được một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam thuê làm Giám đốc Sale – marketing cho chuỗi siêu thị của họ, với mục tiêu phát triển hệ thống lên 10.000 cửa hàng. Tuy nhiên, cuối cùng, dự án này không thành công.
Sau những trắc trở trong nước, 10 năm tiếp theo, ông Lữ Thế Hùng đã ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội. Ông kể, mục tiêu đầu tiên của ông khi sang Myanmar chỉ là tìm một công ty để liên doanh làm TMĐT và mặc dù dự định không thành, nhưng vì thấy ‘Myanmar vui quá’, nên ông đã ở lại đây làm về cố vấn quản trị doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Ngoài ra, ông cũng đã sang Campuchia làm việc hơn 5 năm trong thời gian qua.
"Hiện tại, doanh nghiệp mà hồi xưa tôi tính sang kết nối tại Myanmar hiện đang phát triển rất tốt ở mảng công nghệ và đã gọi được vốn serie C. Nên giấc mơ của tôi là sẽ mang GT Link sang bên đó hợp tác. Những đứa em đồng nghiệp người Việt cùng làm với tôi ở Campuchia, thấy tên tôi và GT Link xuất hiện trên báo chí, cũng đã gọi điện hỏi thăm", ông Lữ Thế Hùng kể.
Chuyển đổi số cho các cửa hàng bách hóa theo 2 giai đoạn và giấc mơ mở rộng ra Đông Nam Á
Ở khía cạnh khác, ông Lữ Thế Hùng cho rằng, nền tảng GT Link của Bách Hóa Việt không phải thuộc mảng TMĐT, mà là kinh tế chia sẻ hoặc kinh tế xã hội. Nếu phải có một khái niệm cơ bản, thì hình thức này na ná chuyện nhượng quyền. Thay vì Bách Hóa Việt đầu tư mở 9.000 cửa hàng, thì họ hợp tác với 9.000 tiệm bách hoá có sẵn để đi nhanh hơn.
Nền tảng GT Link của Bách Hóa Việt sẽ giúp các cửa hàng bách hóa chuyển đổi số toàn diện để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các cửa hàng tiện lợi.
Khi các cửa hàng bách hóa truyền thống hợp tác với GT Link, họ sẽ có 2 bước chuyển đổi số cở bản: từ cửa hàng bách hóa truyền thống lên cửa hàng tiện lợi và từ cửa hàng tiện lợi lên e-siêu thị.
Giai đoạn 1: nâng cấp các cửa hàng bách hóa lên mức tự động hoá và chuyển đổi số như các cửa hàng tiện lợi hiện đại; ngoài bán hàng như bình thường, cửa hàng bách hóa còn có thể thu tiền điện – nước, bán thẻ cào… Chưa hết, thông qua nền tảng GT Link, Bách Hóa Việt còn đáp ứng được yêu cầu của nhà nước về khuyến khích các hộ tạp hoá đăng ký tư cách pháp nhân kinh doanh cụ thể, vì có thể xuất hoá đơn điện tử.
Giai đoạn 2: sau khi được chuyển đổi số trở thành cửa hàng tiện lợi, GT Link sẽ tiếp tục ‘nâng cấp’ nó trở thành một showroom điện tử như nơi trưng bày hàng hóa. Ví dụ: trong cửa hàng bách hóa trưng bày 50 món, nhưng trên ứng dụng trưng bày 200 món còn lại, ai mua sẽ được giao trong 2 ngày và phấn đấu lên 2 giờ sau đó.
"Cửa hàng bán lẻ ở dưới quê mà biến mất, thì cửa hàng tiện lợi sẽ nhảy vào chứ không thể siêu thị hoặc đại siêu thị. Nếu mình dùng GT Link để nâng cấp chị bán lẻ hay nôm na là chuyển đổi số hoặc tự động hoá các cửa hàng bách hóa sẽ biến nó giống như Amazon Go. Như vậy, các cửa hàng bách hoá sẽ không thụt lùi so với các cửa hàng tiện lợi.
Trong Đông Nam Á, mỗi Thái Lan là hệ thống cửa hàng bách hóa là gần như đã tiêu biến, chỉ còn sự thống trị của cửa hàng tiện lợi, như nhiều nước tiên tiến ở châu Âu. Nhưng, ở 9 nước còn lại, như tại Việt Nam, các cửa hàng bách hóa truyền thống vẫn đang có tiếng nói trọng lượng trong ngành bán lẻ, khi vẫn còn chiếm tới 60% thị phần. Và theo dự đoán của tôi, nếu không có sự can thiệp nào đặc biệt, phải 10 năm nữa, các cửa hàng bách hóa mới biến mất hoàn toàn ở vùng Đông Nam Á", ông Lữ Thế Hùng nhận định.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của GT Link, theo ý ông Hùng, các cửa hàng bách hóa sẽ không mất đi mà sẽ phát triển song hành cùng các chuỗi cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu lớn. Thế nên, cơ hội của GT Link tại các Đông Nam Á là rất lớn.
Mục tiêu khiêm tốn, thuyết phục từ nhà phân phối xuống
Về mục tiêu của GT Link trong 2 năm đầu đã nhắc tới ban đầu, ông Hùng cho rằng, nó rất thực tế và không khó thực hiện.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 doanh thu bán lẻ của cả nước đạt gần 162 tỷ USD. Các kênh bán lẻ hiện đại như website, các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa… hiện tại đang chiếm hơn 22%, trong khi các kênh bán lẻ truyền thống chiếm đến 70% với 1,5 triệu đại lý bán lẻ và hơn 9.000 chợ truyền thống. Nói về nhà sản xuất và nhà phân phối, tại Việt Nam cũng có cả trăm ngàn.
Nên mục tiêu mà Bách Hóa Việt đưa ra là có 45.000 cửa hàng, 200 nhà sản xuất và 600 nhà phân phối đăng ký dùng GT Link trong năm 2020 là hoàn toàn khả thi.
Đội ngũ của Bách Hóa Việt.
"Với rất nhiều thăng trầm trong vài chục năm qua ở mảng bán lẻ lẫn khởi nghiệp, tôi hiểu rằng, phải liệu cơm gắp mắm. Nếu bạn đưa ra mục tiêu lớn bạn cần nguồn lực tài chính - nhân sự lớn và ngược lại. Với việc trong đang trong giai đoạn khởi nghiệp, dựa dẫm hoàn toàn vào nguồn vốn của công ty mẹ là K-Group, chúng tôi phải thực tế và đặt mục tiêu thận trọng – khả thi thì mới có thể tồn tại được.
Chúng tôi chỉ là một vòng tròn nhỏ có 80.000 ngàn cửa hàng trong 2 năm, 10 vòng tròn thì cũng mới 800.000 ngàn. Nên nếu sau này, có một nền tảng nào đó ra đời có mô hình kinh doanh tương tự như GT Link thì chúng tôi cũng không ngại. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, sẽ khiến sức cạnh tranh của các cửa hàng bách hóa truyền thống với cửa hàng tiện lợi hiện tốt hơn", ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, ai cũng nói là thuyết phục các ông bà chủ cửa hàng bách hóa cài app GT Link là rất khó, vì đó toàn là những người lớn tuổi thường khá ngại công nghệ; nhưng ông thì không cho là thế, bởi ‘hiểu cách làm sẽ dễ". Cách làm của startup này chính là thuyết phục từ nhà phân phối xuống.
"Các chủ cửa hàng bách hóa có thể nói: tôi không dùng ứng dụng thì kệ tôi. Sự thật là họ vẫn sống tốt khi không có GT Link, nhưng nếu các nhà phân phối không chuyển đổi sổ, 3 năm nữa họ sẽ chết hoặc có thể chết sớm hơn, do không quản lý tốt nhân viên, đặc biệt là những nhà phân phối ở tỉnh lẻ.
Chúng tôi đã triển khai chương trình từ ngày 3/3 và thực tế diễn ra cho thấy, việc thuyết phục 600 nhà phân phối là không khó. Nhà phân phối nào cũng có rất nhiều khách hàng cửa hàng, chỉ cần nhà phân phối đề nghị khoảng 10 đến 30 khách hàng của họ cài app GT Link là chúng tôi có khoảng 6.000 đến 18.000 cửa hàng, đã đạt chỉ tiêu đề ra trong năm đầu tiên. Rồi cũng từ 600 nhà phân phối này, chúng tôi sẽ lựa ra khoảng 200 nhà sản xuất uy tín và thuyết phục họ cùng hợp tác. Tất nhiên, chúng tôi đã có quy trình làm việc cho tất cả các bước đó", ông Hùng tiết lộ cụ thể cách làm của doanh nghiệp mình.
Trong 3 tháng đầu tiên, GT Link sẽ không thu phí của tất cả các bên, sau 3 tháng, chỉ cần có khoảng 50 nhà sản xuất sử dụng app GT Link để kết nối với nhà phân phối và các cửa hàng, là Bách Hóa Việt đã có thể sống tốt.
"Trên thế giới, có 3 loại khởi nghiệp: khởi nghiệp con kỳ lân, con lừa và gián con. Gián con ở Việt Nam rất nhiều. Mục tiêu của tôi đơn giản là biến Bách Hóa Việt trở thành một khởi nghiệp ‘gián con’, đánh hoài không chết", ông Lữ Thế Hùng khẳng định.
Một startup công nghệ muốn phát triển tốt phải có cả đội ngũ kinh doanh - công nghệ đủ tốt và làm việc ăn ý; ông Hùng tự tin là Bách Hóa Việt có cả 2 điều đó. Như đã nói ở trên, ông Hùng là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong mảng bán lẻ lẫn thương mại điện tử; song song đó, GT Link còn được hỗ trợ một một team công nghệ ‘thiện chiến’ của công ty mẹ là K-Group. K-Group cũng là công ty mẹ của startup công nghệ khá có tiếng là Thế Giới Thợ.
Với thế mạnh về các mảng công nghệ tiên tiến như AI, machine learning…, trong tương lai, GT Link đang có ý định sẽ triển khai dịch vụ đặt hàng bằng giọng nói cho các chủ cửa hàng bách hóa thành viên.