Cứ hút 15 điếu thuốc lá, bộ gen của bạn sẽ đột biến một lần

08/06/2016 13:53 PM | Công nghệ

Các đột biến gen không khiến họ trở thành siêu anh hùng mà sẽ chỉ gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Những người hút thuốc lá đang gây đột biến cho chính DNA của họ với mỗi 15 điếu thuốc, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Anh. Đáng tiếc, các đột biến gen không khiến họ trở thành siêu anh hùng mà sẽ chỉ gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

Trung bình, cứ 15 điếu thuốc sẽ gây ra 1 đột biến

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Viện Wellcome Trust Sanger, Cambridge. Họ đã lựa chọn một bệnh nhân ung thư phổi điển hình và phân tích toàn bộ bộ gen của anh ta. Kết quả chỉ ra có tới 23.000 đột biết DNA đã được tích lũy trong các tế bào phổi.

Nguyên nhân phần lớn đến từ việc tiếp xúc với các chất hóa học độc hại có trong khói thuốc lá. Trung bình, cứ 15 điếu thuốc sẽ gây ra 1 đột biến. Các đột biến được tìm thấy phân bổ trên một khoảng quy mô rộng. Chúng có thể chỉ là thay đổi của 1 ký tự di truyền, nhưng cũng có thể là sự khuyết thiếu hoặc tái sắp xếp của hàng trăm đến hàng ngàn kí tự.

Chúng ta đều biết rằng tất cả các bệnh ung thư đều được gây ra bởi những sai hỏng trong mã di truyền. Đột biến của DNA hoàn toàn có thể được kích hoạt bởi các tác nhân môi trường. Trong trường hợp ung thư phổi, khói thuốc lá không phải là ngoại lệ.


Các bệnh ung thư đều được gây ra bởi những sai hỏng trong mã di truyền

Các bệnh ung thư đều được gây ra bởi những sai hỏng trong mã di truyền

Tiến sĩ Andy Futreal, đến từ Viện Wellcome Trust cho biết: “Ung thư xảy ra khi tế bào mất kiểm soát hành vi của nó. Chúng phát triển theo cách không bình thường tại một vị trí và thời điểm không thích hợp. Những đột biến DNA được gây ra bằng cách, ví dụ, khói thuốc được truyền qua mọi thế hệ tế bào, gây ra những sai hỏng vĩnh viễn”.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra phải mất đến 15 năm sau khi cai thuốc, nguy cơ mắc ung thư phổi mới giảm xuống đến mức bình thường. Đó là khoảng thời gian để cho các tế bào phổi chứa đột biết có hại được thay thế bằng các tế bào mới không có khuyết tật.

Tuy nhiên , các nhà nghiên cứu hy vọng sự hiểu biết của họ về di truyền ung thư có thể ngăn chặn hoặc thậm chí mở đường cho một phương pháp điều trị mới.

Lần đầu tiên chúng ra có một bản đồ toàn diện của các đột biến trong tế bào ung thư”, tiến sĩ Peter Campbell, người dẫn đầu dự án cho biết. Nhờ đó, một loại thuốc trong tương lai có thể được phát triển để nhắm mục tiêu đúng đến các gen đã kích hoạt bệnh.


Các sai hỏng trong DNA là nguyên nhân gây ra ung thư phổi

Các sai hỏng trong DNA là nguyên nhân gây ra ung thư phổi

Một nghiên cứu tương tự cũng đã được thực hiện trên bệnh nhân ung thư da, nơi các đột biến gây ra bởi tiếp xúc với tia cực tím phải chịu trách nhiệm. “Đây là hai loại ung thư phổ biến ở các nước đang phát triển mà chúng ta biết nguyên nhân phơi nhiễm chính. Đối với ung thư phổi đó là khói thuốc lá và ung thư da đó là ánh sáng mặt trời”, giáo sư Mike Stratton cũng đến từ Viện Wellcome Trust cho biết.

Với bộ trình tự gen, chúng ta có thể khám phá sâu vào quá khứ của mỗi khối u, phát hiện ra đâu là điểm đáng lưu ý, nơi tiếp xúc môi trường gây nên đột biến DNA. Điều này có thể xảy ra nhiều năm trước khi khối u hình thành”, giáo sư Stratton cho biết thêm. Càng có nhiều hiểu biết rõ ràng hơn về ung thư, chúng ta càng có cơ hội để ngăn chặn và chữa trị nó.

Cùng chuyên mục
XEM