Cụ bà Singapore và những bát mỳ duy trì văn hóa ẩm thực
Bà Leong Yuet Meng, 90 tuổi, không thể đi quá 10 m nếu không có sự hỗ trợ. Tuy nhiên, cụ bà này vẫn điều hành một tiệm mỳ vằn thắn ở trung tâm Singapore, và bán được ít nhất 200 bát mỗi ngày.
Bà Leong Yuet Meng thường thức dậy vào 4 giờ sáng để tính toán sổ sách và cầu nguyện trước khi con trai chở bà đến khu chợ địa phương để mua nguyên liệu cho ngày hôm đó.
Từ 8h đến 17h, bà cặm cụi bên nồi mỳ sôi, cắt lát char siu – thịt ba chỉ lợn nướng – hoặc phục vụ bát mỳ nóng giá hời.
“Tôi sẽ cố gắng duy trì cửa hàng lâu nhất có thể, nhưng tôi cũng già rồi”, bà Leong, một trong số nhiều người bán hàng lớn tuổi tại thành phố châu Á này chia sẻ.
“Tôi sợ rằng tất cả những kinh nghiệm tôi tích lũy được những năm qua sẽ không còn được lưu lại. Không đứa con nào của tôi có thể tiếp quản cửa hàng”.
Bà Leong Yuet Meng. Ảnh: Reuters.
Singapore có khoảng 110 khu ẩm thực đường phố – những quầy hàng ăn ngoài trời được dựng lên cho những người bán hàng rong trong nỗ lực làm sạch đẹp quốc đảo những năm 1970 – và phần lớn trong số hơn 6.000 quầy đó đã được sử dụng.
Chính phủ Singapore cho biết họ sẽ nộp hồ sơ trong tháng này để bổ sung văn hóa bán hàng rong vào Danh sách đại diện của UNESCO về Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Chúng tôi đang hoàn thiện những bước cuối cùng (trong đề cử)”, ông Yeo Kirk Siang, giám đốc Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore, nói với Reuters. Hạn chót nhận đề cử cho danh sách năm tới là vào ngày 31/3.
Các đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain và Gordon Ramsay đã ca ngợi những món ăn đặc sản của Singapore như cơm gà, một số quầy bán rong phục vụ các bữa ăn đạt chuẩn sao Michelin rẻ nhất với giá 2 USD, và năm ngoái, bộ phim đình đám của Hollywood Crazy Rich Asians đã quay cảnh các ngôi sao nổi tiếng bên cạnh những chiếc đĩa chất đống tại một chợ đêm nổi tiếng ở Singapore.
Nhưng tất cả những nỗ lực đó không thể che giấu một vấn đề tiềm ẩn - những người bán hàng rong ở Singapore đang già đi, và những người con được giáo dục tốt hơn cha mẹ ngày càng xa lánh nhà bếp chật chội, nóng bức để đi tìm một công việc văn phòng.
Độ tuổi trung bình của người bán hàng rong là 59, theo báo cáo của chính phủ, cao hơn mức trung bình 43 tuổi của lực lượng lao động nước này.
“UNESCO không phải là giải pháp hoàn hảo, mà chỉ là một trong những điều chúng ta cần làm ... để giữ cho văn hóa hàng rong tồn tại”, ông Yeo nói.
Nguy cơ 'tuyệt chủng'?
Để khuyến khích những người bán hàng rong trên đường phố Singapore tái định cư vào các trung tâm những năm 1970, chính phủ đã chi một khoản lớn tiền trợ cấp thuê quầy.
Trong khi khoảng 40% những người bán hàng rong cũ vẫn được hưởng giá thuê thấp, các quầy bán hàng rong mới được bán trong một quy trình đấu thầu mở, thường đẩy giá thuê lên cao hơn nhiều, đặc biệt tại các điểm đến phổ biến.
Một suất mỳ tại quán của bà Leong Yuet Meng. Ảnh: Reuters.
Một người bán hàng rong, Lance Ngo, 38 tuổi, nói rằng việc tìm người bán hàng rong trong độ tuổi 20 “còn khó hơn tìm vàng”.
Singapore đã đưa ra các kế hoạch trong những năm gần đây để khuyến khích những người bán hàng kỳ cựu truyền nghề lại cho thế hệ tiếp theo, dạy các kỹ năng kinh doanh và trợ cấp thiết bị và tiền thuê để giúp giảm chi phí.
Điều này đã thu hút vài người bán hàng trẻ đang muốn tìm lối thoát khỏi công việc văn phòng bế tắc.
“Rất nhiều người trẻ coi đây là cơ hội để lập nghiệp và trở thành ông chủ của chính mình”, chủ quán cà phê 32 tuổi Faye Sai nói. “Vài người bán hàng trẻ tuổi và ‘dân nhảy viêc’ đã bị thu hút, nhưng số lượng không đáng kể”.
Ý kiến khác cho rằng cần phải làm nhiều hơn thế để giúp doanh nghiệp sinh lợi lâu dài.
“Trước khi nộp đơn (cho UNESCO), tôi nghĩ đầu tiên cần giải quyết các vấn đề trước mắt. Hai mươi năm nữa khi thế hệ người bán cũ qua đời, ai sẽ kế nghiệp?” Alan Choong, chủ sở hữu 24 tuổi cửa hàng thực phẩm Trung-Nhật Prawnaholic, cho biết.
Lee Sah Bah, người bán hàng rong đã ngoài 60 tuổi chuyên bán bánh gạo Chwee Kueh với giá dưới 2 SGD một phần, nói rằng ông cũng phải đối mặt với viễn cảnh không giữ được di sản của mình.
Hai con gái của ông - một giảng viên đại học ở Melbourne và một kế toán viên ở Singapore – sẽ không kế thừa công việc kinh doanh của cha.
“Tôi không nghĩ các quầy hàng rong sẽ tồn tại 50 năm tới”, ông Lee nói. “Công việc rất vất vả, đôi khi chúng tôi phải làm đến 16 giờ một ngày. Rất nóng nực. Giới trẻ ngày nay sẽ không muốn làm công việc như thế”.