COVID-19 sụt giảm bất ngờ ở Nhật Bản: Chuyên gia lý giải 4 nguyên nhân, cảnh báo đáng ngại

22/11/2021 20:06 PM | Xã hội

Các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản nói có nhiều yếu tố đằng sau sự sụt giảm số ca nhiễm COVID-19 gần đây nhưng người dân chưa thể lơ là cảnh giác.

Số ca nhiễm COVID-19 trong ngày đang giảm nhanh chóng ở Osaka, Nhật Bản sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 9. Đây cũng là xu hướng trên toàn nước Nhật.

Theo báo Nhật Japan Times, làn sóng COVID-19 thứ 5 – làn sóng nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản - đã đột ngột suy giảm mạnh sau mùa hè. Trong làn sóng này, Nhật Bản ghi nhận mức đỉnh dịch là gần 26.000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, con số này đã giảm xuống dưới 200 ca/ngày.

Tỉnh Osaka chứng kiến ​​số ca nhiễm kỷ lục là 3.004 ca vào ngày 1 tháng 9, lần đầu tiên vượt mốc 3.000 ca và gần bằng 3.168 ca được ghi nhận ở Tokyo cùng ngày. Nhưng chỉ một tuần sau, con số này giảm xuống còn 2.012 ca và đến ngày 15 tháng 9, nó đã giảm xuống còn 1.160.

Ông Shigeru Omi, cố vấn hàng đầu của Nhật Bản về COVID-19, cho biết có nhiều yếu tố đằng sau sự sụt giảm này.

Người dân ra ngoài ít hơn vào buổi tối

Mutsuko Fujii, người đứng đầu Sở Y tế và Vấn đề Y tế của Chính quyền tỉnh Osaka, giải thích về nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này trong một cuộc họp 9/9: "Có một số yếu tố có thể hình dung được, nhưng không có lý do nào nổi bật".

Nhìn vào dữ liệu, có vẻ như sự thay đổi về số lượng người ra ngoài buổi tối là một trong những lý do. Theo Setsuya Kurahashi, giáo sư mô phỏng xã hội tại Đại học Tsukuba, có mối tương quan giữa số ca nhiễm và dòng người ra ngoài vào buổi tối ở Tokyo và Osaka.

COVID-19 sụt giảm bất ngờ ở Nhật Bản: Chuyên gia lý giải 4 nguyên nhân, cảnh báo đáng ngại - Ảnh 1.

Khu vực xung quanh ga JR Osaka lúc 9:28 tối ngày 16 tháng 9 năm 2021. Theo dữ liệu phân tích, ít người Nhật Bản ra ngoài hơn vào buổi tối. (Mainichi / Tatsuya Fujii)

Phân tích dữ liệu từ công ty Agoop Corp cho thấy từ khi Osaka ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư vào ngày 2 tháng 8 cho đến ngày 8 tháng 9, số lượng người xung quanh ga Umeda trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 10 giờ tối đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 4 tháng 4, trước khi làn sóng thứ tư bắt đầu lan rộng.

Trong khi đó, phân tích trên mạng xã hội cho thấy kể từ tháng 8, các bài đăng về karaoke, uống rượu và tiệc nướng đã giảm xuống khoảng 1/4 so với trước đó.

Giáo sư Kurahashi nhận xét: "Sau khi Thế vận hội kết thúc, đã có rất nhiều thông tin về sự căng thẳng của hệ thống y tế. Một đợt mưa kéo dài trong kỳ nghỉ lễ Obon cũng dẫn đến việc giảm hành vi [ra ngoài]".

Chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh

Giáo sư Takashi Nakano thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Bệnh Truyền nhiễm (CiDER) của Đại học Osaka, giải thích: "Khi mọi người thấy có ca nhiễm tại nơi làm việc hoặc ở nhà, họ có thể sẽ thay đổi hành vi và tránh tiếp xúc với bất kỳ ai mà họ thường không gặp".

Ông nói thêm: "Cho đến nay, các sóng lây nhiễm đã chết dần sau một khoảng thời gian nhất định. Trong bốn làn sóng đầu tiên, sau khi số ca nhiễm đạt đỉnh, số ca nhiễm bắt đầu giảm với tốc độ tương tự khi tăng, nhưng lần này, tốc độ giảm nhanh hơn 10%".

Giáo sư Nakano cho rằng chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh cũng đã làm giảm số người có thể dễ nhiễm bệnh.

COVID-19 sụt giảm bất ngờ ở Nhật Bản: Chuyên gia lý giải 4 nguyên nhân, cảnh báo đáng ngại - Ảnh 2.

Khu vực xung quanh ga Umeda vắng vẻ hơn khi Osaka đang trong tình trạng khẩn cấp, ngày 16 tháng 9 năm 2021. (Mainichi / Tatsuya Fujii)

Thời tiết mát bất thường

Bác sĩ Yoshiaki Katsuda thuộc Đại học Phúc lợi Xã hội Kansai, người đã tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, chỉ ra rằng thời tiết là một lý do khác. Kể từ nửa cuối tháng 8, có nhiều ngày mát mẻ bất thường. "Khi bật điều hòa..., rất khó để mở cửa sổ, nhưng khi trời mát hơn, mọi người mở cửa sổ nhiều hơn. Tôi nghĩ thông gió đã có một số tác dụng".

Ông Katsuda giải thích thêm tin tức về các chùm ca bệnh tại khu ẩm thực tại trung tâm thương mại có thể khiến mọi người ra ngoài ít hơn. "Hiệu quả của tình trạng ban bố khẩn cấp không phải bằng không", ông nói.

Chu trình của virus SARS-CoV-2

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác nói rằng dòng người di chuyển ban ngày vẫn chưa được kiểm soát. Vậy còn những lý do nào nữa đứng đằng sau sự sụt giảm số ca nhiễm gần đây? Giám đốc CiDER, Yoshiharu Matsuura, người đã có nhiều năm tham gia phát triển vaccine, nói rằng chính virus SARS-CoV-2 cũng là một nguyên nhân.

Virus chỉ có thể nhân lên trong tế bào sống. Nếu virus gây bệnh đến mức các tế bào chết đi, thì bản thân virus không thể nhân lên hiệu quả, vì vậy nó tiếp tục đột biến để tồn tại, thay đổi khả năng lây truyền và khả năng gây bệnh. Trong quá trình này, số ca nhiễm sẽ tăng và giảm.

Matsuura lưu ý rằng virus SARS-CoV-2 dễ bị đột biến hơn virus cúm - loại virus theo mùa và chỉ trải qua những thay đổi nhỏ trước khi lây lan vào mùa đông. Virus coronavirus này "đã không lây lan giữa con người trong thời gian dài, vì vậy con người và virus có thể đang trong quá trình thỏa hiệp".

Ông cho biết sự sụt giảm đột ngột này có thể nằm trong chu trình ổn định và lây lan lặp đi lặp lại của virus. Vị chuyên gia cảnh báo: "Ngay cả khi số ca nhiễm giảm tạm thời, một làn sóng mới sẽ đến".

(Nguồn: The Mainichi, The Japan Times)

Theo Trà My

Cùng chuyên mục
XEM