COVID-19: Mỹ có 6 ca tử vong; thống đốc bang Washington đề cập tới khả năng xin quân đội hỗ trợ về y tế

03/03/2020 08:49 AM | Xã hội

Trong khi tình hình dịch bệnh tại Italy và Iran tiếp tục xấu đi, hàng chục quốc gia khác trên thế giới đã ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Tính đến cuối ngày 2/3, số ca tử vong do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (COVID-19) trên toàn cầu đã tăng lên hơn 3.000 người.

Kể từ khi khởi phát vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã có hơn 90.000 người tại hơn 60 quốc gia trên thế giới nhiễm COVID-19, đa phần trong số đó đều được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục.

Điều tích cực là đã có hơn 45.000 người hồi phục trên toàn cầu. Các quốc gia đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, trong đó bao gồm các lệnh hạn chế nhập cảnh và cách ly bắt buộc đối với những người đến từ vùng dịch. Tại Trung Quốc, dịch COVID-19 đã có chiều hướng giảm tốc, tuy nhiên, dường như nó đang bắt đầu bùng phát mạnh tại một số khu vực khác trên thế giới.

Các "ổ dịch" Italy và Iran

Italy và Iran là 2 ổ dịch lớn tại khu vực châu Âu và Trung Đông. Trong vòng 10 ngày qua, 37 quốc gia tại 2 khu vực này đã lần lượt xác nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên sau khi dịch bùng phát tại Italy và Iran.

Tính đến cuối ngày 2/3, số ca nhiễm COVID-19 tại Iran đã tăng lên 1.501 người, số ca tử vong là 66 người. Các quốc gia lân cận bao gồm Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq đã tuyên bố tạm thời cấm nhập cảnh hoặc hạn chế di chuyển đến Iran. Một số quốc gia (bao gồm Iran) cũng đã quyết định tạm thời đóng cửa trường học để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng.

Tổng giám đốc WHO cho biết trong ngày 2/3, hàng viện trợ y tế đã được đưa tới Iran. Lô hàng bao gồm 8 tấn thuốc, 100.000 thiết bị xét nghiệm và dụng cụ bảo hộ y tế cho 15.000 người.

Trong khi đó, Italy đã xác nhận 2.036 ca nhiễm và 52 ca tử vong do COVID-19 vào cuối ngày 2/3, tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Thậm chí, tốc độ lây lan của dịch bệnh tại Italy có chiều hướng liên tục gia tăng trong những ngày gần đây.

Các nhà chức trách châu Âu đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn người dân tụ tập đông người. Ví dụ, nhiều nơi tham quan nổi tiếng như bảo tàng Louvre ở Paris hay nhà hát La Scala ở Milan đã phải tạm thời đóng cửa do lo ngại về COVID-19.

Châu Mỹ lo sợ

Số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ đã bắt đầu tăng trong vài ngày gần đây.

Đến sáng ngày 3/3 (giờ Việt Nam), Canada đã xác nhận 27 ca nhiễm COVID-19, trong khi Mỹ có 102 ca nhiễm và 6 ca tử vong. Tất cả 6 trường hợp đều tử vong đều tại bang Washington. Theo CNN, hơn 48 trường học đã đóng cửa trước mối lo ngại dịch bệnh.

Trong cuộc họp báo ngày 2/3, Jeffrey Duchin, quan chức y tế hạt King và Seattle của bang Washington, cho biết ít nhất 4 trong số 6 bệnh nhân tử vong là người cao tuổi hoặc có tiểu sử bệnh nền hoặc cả hai.

Tiến sĩ Anthony Fauci, thành viên thuộc ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của chính phủ Mỹ, cho biết số ca nhiễm virus corona không thể truy tìm nguồn gốc lây lan trực tiếp đang trở nên phổ biến ở Mỹ. Viện dưỡng lão Life Care Center hiện trở thành điểm nóng về dịch bệnh sau khi một cư dân và một nhân viên xét nghiệm dương tính với COVID-19 và hơn 50 người xuất hiện các triệu chứng bệnh hô hấp.

 COVID-19: Mỹ có 6 ca tử vong; thống đốc bang Washington đề cập tới khả năng xin quân đội hỗ trợ về y tế - Ảnh 2.

Thống đốc bang Washington Jay Inslee trong cuộc họp báo ngày 2/3. Ảnh: CNN

Thống đốc bang Washington Jay Inslee đã khuyến nghị người dân nên ở nhà khi không có việc cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh.

Ông Inslee cho biết ông có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu hủy bỏ tất cả các sự kiện có quy mô lớn, nhưng ông nghĩ rằng hiện tại chưa cần thiết phải sử dụng tới biện pháp này.

Thống đốc Inslee nói ông cũng có quyền nhờ tới sự giúp đỡ của quân đội nếu cần thêm các nhân sự y tế và an ninh. Ông cho biết ông đã bàn luận vấn đề này trong cuộc điện thoại với Phó tổng thống Mike Pence, người chịu trách nhiệm chính trong lực lượng phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền ông Trump.

Trong khi đó, các nhân viên y tế tại phòng cấp cứu ở Kirkland, Washington cho biết họ sẽ tăng cường các trang bị bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân.

Cụ thể, các y bác sĩ sẽ mặc quần áo bảo hộ mỗi khi tiếp xúc với người bệnh, kể cả khi người đó không có bất kì triệu chứng nào của virus corona. Trước đó, có 2 trường hợp nhân viên y tế đã chữa trị cho bệnh nhân không có triệu chứng đặc biệt, nhưng sau đó mới phát hiện ra bệnh nhân có hiểu hiện mắc bệnh cúm.

Ngoài các trường hợp trở về từ Vũ Hán hay du thuyền Diamond Princess, một số ca nhiễm mới lại có liên quan tới các "điểm nóng" như Italy và Iran.

Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ 7 (1/3) vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi người dân Mỹ không nên hoảng sợ trong thời điểm hiện tại, dù ông thừa nhận "có khả năng" Mỹ sẽ ghi nhận thêm nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 trong thời gian tới.

Tại Nam Mỹ, sau khi Brazil báo cáo về ca bệnh đầu tiên vào ngày 26/2, các quốc gia Mexico, Ecuador, Cộng hòa Dominica đã lần lượt ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong vài ngày sau đó.

Hàn Quốc

Khi Trung Quốc tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực, thì Hàn Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý tại châu Á. Tính đến cuối ngày 2/3, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 4.335 ca nhiễm và 26 ca tử vong do COVID-19. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất tại nước này mới chỉ 45 ngày tuổi.

Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 60% số ca nhiễm COVID-19 tại Hàn Quốc có liên quan tới giáo phái Shincheonj, đặc biệt là nhánh của giáo phái này tại thành phố "tâm dịch" Daegu.

Vốn bị các nhánh Cơ đốc giáo chính thống coi là dị giáo, giáo phái Shincheonji đã phải đối mặt với nhiều áp lực khi xuất hiện cáo buộc rằng giáo phái này đã cố tình mập mờ số liệu và bị chính phủ nghi là cố tình che giấu tín đồ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, một trong những lãnh đạo của giáo phái đã phủ nhận những cáo buộc trên.

"Chúng tôi đã đóng cửa mọi văn phòng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, và mọi công việc hành chính của chúng tôi đều bị trì hoãn do các thành viên đều phải tự cách ly và làm việc tại nhà.

Tôi biết rằng chúng tôi có thể làm tốt hơn về một số khía cạnh nào đó, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã làm hết khả năng của mình trong thời điểm hiện tại", lãnh đạo này nói.

Hôm 2/3, ông Lee Man-hee, giáo chủ Shincheonju đã lần đầu tiên xuất hiện tại buổi họp báo công khai tại Gyeonggi, sau khi ông này nhận được kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

"Dù rằng chúng tôi không cố ý nhưng đã có rất nhiều người nhiễm virus này. Chúng tôi cũng đã nỗ lực rất nhiều. Nhưng có lẽ bây giờ đã quá trễ. Tôi xin cúi đầu tạ lỗi đến toàn thể người dân Tôi phải nói gì để tạ lỗi với mọi người đây, tôi thật không còn mặt mũi nào nữa. Mong mọi người hãy tha thứ cho kẻ vô tích sự này", ông Lee Man-hee nói trong khi quỳ gối hành lễ trước sự chứng kiến của công chúng.

"Chính phủ đã nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự lây lan của virus corona tại nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu. Thế nên chúng tôi cũng đang hợp tác tích cực với chính phủ. Chúng tôi sẽ nỗ lực đến cùng và sẽ không tiếc hỗ trợ về cả nhân lực và vật chất", ông này cho biết thêm.

Giáo chủ Tân Thiên Địa giải thích, giáo phái này đã "nỗ lực hết mình, đóng cửa các nhà thờ và tạm dùng các cuộc hội họp" nhằm tránh sự lây lan của Covid-19.

 COVID-19: Mỹ có 6 ca tử vong; thống đốc bang Washington đề cập tới khả năng xin quân đội hỗ trợ về y tế - Ảnh 3.

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM