COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều nước, nguy cơ biến chứng thần kinh ở trẻ chưa tiêm vaccine
Đến sáng 24/6, thế giới có trên 547,12 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,34 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 88,48 triệu ca mắc và hơn 1,039 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 36.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2 .
Gần 1/5 người Mỹ trưởng thành từng bị mắc COVID-19 hiện vẫn có các triệu chứng của COVID kéo dài . Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cứ 13 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người có các triệu chứng của COVID kéo dài tồn tại trong thời gian từ 3 tháng trở lên sau lần đầu tiên mắc bệnh.
Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, khó nhận thức, đau thần kinh mãn tính, xuất hiện những dấu hiệu bất thường về giác quan và yếu cơ. Phân tích của CDC cho thấy, nguy cơ bị COVID kéo dài ở những người trẻ tuổi cao hơn so với ở những người lớn tuổi. 9,4% phụ nữ trưởng thành ở Mỹ có các triệu chứng của COVID kéo dài so với 5,5% ở nam giới.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện trẻ em của nước này, hơn 13,6 triệu trẻ em ở Mỹ đã mắc COVID-19 kể từ khi dịch bệnh này bùng phát. Báo cáo cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 16/6 vừa qua, số trẻ em mắc COVID-19 tại Mỹ là hơn 83.000 trẻ, cao hơn nhiều so với con số 15.000 bệnh nhi COVID-19 ghi nhận một năm trước đây, trong tuần tính đến ngày 17/6/2021. Từ đầu năm 2022 đến nay có khoảng 5,7 triệu ca mắc COVID-19 tại Mỹ là trẻ em, trong đó gần 371.000 trường hợp được ghi nhận trong 4 tuần qua.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 23/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,34 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 524.900 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 669.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,89 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Italy quan ngại về một đợt bùng phát đại dịch mới trong mùa hè. (Ảnh: AP)
Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại một số nơi trên thế giới.
Italy đang lo ngại về một đợt bùng phát đại dịch mới trong mùa hè khi Bộ Bộ Y tế nước này thông báo số ca nhiễm COVID-19 mới lại gia tăng. Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận gần 54.000 ca nhiễm mới và 50 trường hợp tử vong. Các nhà dịch tễ học giải thích có 2 yếu tố có thể khiến số ca nhiễm mới tăng lên. Một là sự suy giảm khả năng miễn dịch theo thời gian, hai là các biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 vừa dễ lây lan hơn vừa có khả năng "trốn" miễn dịch tốt hơn.
Dù gia tăng số ca nhiễm mới gần đây, các quan chức y tế Italy dự báo, tỷ lệ tử vong hoặc tỷ lệ bệnh nhân phải cấp cứu sẽ không tăng cao hơn. Tính đến ngày 22/6, 90% dân số Italy trên 12 tuổi đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và hơn 70% đã tiêm mũi tăng cường.
Tại Israel, làn sóng thứ 6 của dịch COVID-19 đã xuất hiện với số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 vừa qua. Bộ Y tế Israel cảnh báo, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, nhất là nên đeo khẩu trang trong các không gian kín như trên xe bus hay máy bay.
Đợt dịch mới chủ yếu do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron gây ra, nhằm vào nhóm người có sức đề kháng thấp. BA.5 hiện chiếm trên 50% số trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính tại Israel.
Trong những ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Israel liên tục ở mức trên 10.000 ca/ngày, trong đó ngày 20/6 ghi nhận 10.235 ca, mức cao nhất kể từ ngày 1/4 vừa qua. Chỉ trong chưa đầy một tuần, số ca mắc mới đã tăng 45,7%. Số bệnh nhân bị triệu chứng nặng cũng tăng mạnh trở lại, lên 198 ca, mức cao nhất trong gần 2 tháng.
Pháp đang đối mặt với một làn sóng mới của dịch COVID-19 do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra. Đây là nhận định được Giám đốc trung tâm tiêm chủng quốc gia Pháp Alain Fischer đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tại nước này ngày 21/6 tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua, với hơn 95.000 ca. Ngày 23/6, Pháp ghi nhận 79.852 trường hợp nhiễm mới và 40 người thiệt mạng vì COVID-19
Phát biểu trên kênh truyền hình France 2, ông Fischer cho rằng, rõ ràng làn sóng dịch COVID-19 lại đang dâng cao tại quốc gia này, đồng thời cho biết cá nhân ông ủng hộ việc tái áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Tuy nhiên, điều chưa rõ ràng là mức độ nghiêm trọng của làn sóng lần này sẽ ra sao.
Đan Mạch sẽ tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 cho những người trên 50 tuổi. Kế hoạch này đã được Thủ tướng Mette Frederiksen công bố khi thông báo chiến lược ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong những tháng tới.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Đan Mạch vẫn ở mức thấp nhưng số trường hợp nhiễm mới đang gia tăng sau khi biến chủng phụ BA.5 của biến thể Omicron được xem là lây lan nhanh hơn các biến thể khác đã trở thành biến thể chủ đạo tại quốc gia Bắc Âu này.
Nam Phi đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại không gian công cộng trong nhà. (Ảnh: AP)
Nam Phi đã dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 đối với việc đeo khẩu trang tại không gian công cộng trong nhà, giới hạn quy mô tụ tập và kiểm soát nhập cảnh tại biên giới nước này. Đây là nội dung thông báo trên công báo của Chính phủ Nam Phi. Trong một thông báo ngắn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết, ông đã dỡ bỏ các quy định được ban hành vào tháng 5 theo Đạo luật Y tế quốc gia nhằm kiểm soát, giảm đà lây lan của dịch COVID-19.
Nam Phi đã ghi nhận số trường hợp mắc và tử vong do COVID cao nhất trên lục địa châu Phi, với hơn 3,98 triệu ca nhiễm được xác nhận và trên 101.000 bệnh nhân thiệt mạng.
Nghiên cứu mới nhất của Khoa Y Đại học Hong Kong cho biết, trẻ nhỏ, chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19, khi bị nhiễm biến thể BA.2 của Omircon dễ gặp biến chứng thần kinh hơn trẻ bị nhiễm virus cúm. Nghiên cứu đã so sánh số liệu của 1.144 trẻ em từ 0 đến 11 tuổi nhập viện vào tháng 2 năm nay với tổng số 48.000 trẻ em nhập viện do bị mắc virus cúm hoặc virus parainfluenza gây bệnh hô hấp từ đầu năm 2015 đến cuối năm 2019. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 15% trẻ gặp biến chứng thần kinh sau khi nhiễm Omicron, nguy cơ cao hơn nhiễm virus cúm và virus parainfluenza, 5,3% trẻ bị viêm thanh quản khí quản sau khi nhiễm biến thể Omicron, tỷ lệ này cao hơn so với virus cúm, nhưng thấp hơn một chút so với virus parainfluenza.
Sau khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 5 bùng phát, trong số hơn 1.000 trường hợp đầu tiên được xác nhận ở trẻ em, có hai trẻ tử vong và 21 trẻ cần được chăm sóc đặc biệt. Nghiên cứu kết luận rằng, biến thể Omicron có tác động không thể xem nhẹ đối với trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của biến thể Omicron đối với não và đường hô hấp trên của trẻ cao hơn đáng kể so với các loại virus khác, mọi người cần quan tâm đến những nguy cơ sức khỏe cấp tính của Omicron đối với trẻ em.
Macau (Trung Quốc) đã mở rộng những hạn chế phòng chống COVID-19 bao gồm đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim, tiệm làm tóc và công viên ngoài trời từ ngày 23/6. Các sòng bạc tại Macau tiếp tục được phép mở cửa, trong khi rạp hát, trung tâm thể dục thể thao và cơ sở giải trí phải tạm dừng hoạt động từ 17h hàng ngày (theo giờ địa phương) từ ngày 23/6, ông Hạ Nhất Thành, Trưởng đặc khu hành chính Macau cho biết trong một tuyên bố trên trang web của chính quyền đặc khu. Các cơ sở ăn uống chỉ được phép bán hàng mang đi.
Hơn 600.000 cư dân của Macau đã phải trải qua đợt xét nghiệm hàng loạt thứ hai trong tuần này vì số người nhiễm COVID-19 mới đã tăng lên hơn 100 trường hợp. Macau tuân thủ chính sách "Zero COVID" của Bắc Kinh nhằm mục đích tiêu diệt tất cả các ổ dịch bằng mọi giá, không đi theo xu hướng toàn cầu là cố gắng sống chung với virus SARS-CoV-2.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 đến ngày 22/6 vừa qua, Macau ghi nhận tổng cộng 107 ca mắc COVID-19, không có trường hợp tử vong. Macau hiện có khoảng 682.000 dân.