COO Lazada Fabian Wandt: “Tôi muốn người Việt có thể ngồi nhà mua sắm bất kì đâu trên thế giới”

14/08/2017 15:30 PM | Kinh doanh

Gia nhập đội ngũ Lazada Việt Nam từ 5 năm trước với tư cách là một thực tập sinh, Fabian Wandt, chàng trai trẻ người Đức, giờ đây đã trở thành Giám đốc Vận hành của trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Là một trong những người xây dựng nền tảng hậu cần đầu tiên cho Lazada tại Việt Nam, Fabian luôn nung nấu trong mình một tham vọng: “Tôi muốn người Việt có thể ngồi nhà mua sắm bất kì đâu trên thế giới.”

Là một trong những người xây dựng nền tảng hậu cần đầu tiên cho Lazada tại Việt Nam, Fabian luôn nung nấu trong mình một tham vọng: “Tôi muốn người Việt có thể ngồi nhà mua sắm bất kì đâu trên thế giới.”

Xuất hiện với tác phong gọn gàng, giản dị, Fabian Wandt đến chỗ hẹn rất đúng giờ. Trong cuộc trò chuyện, tôi đã có dịp nghe anh chia sẻ về những nguyên tắc vàng giúp anh gặt hái thành công trong sự nghiệp, cũng như niềm đam mê và tham vọng phát triển ngành logistics (dịch vụ hậu cần) tại Việt Nam.

Hành trình từ thực tập sinh trở thành COO Lazada Việt Nam

Chào Fabian, được biết anh đến Việt Nam lần đầu tiên từ năm 2012. Cơ duyên nào đã khiến anh quyết định sống và làm việc tại đây?

Tôi vốn học chuyên ngành Intenational Logistics Managment (Quản trị hậu cần quốc tế) tại trường European School of Business ở Đức. Trường đại học của tôi có chương trình trao đổi sinh viên với trường Bách Khoa TP.HCM và tôi là một sinh viên trao đổi vào năm 2012. Ngay trong tháng đầu tiên ở trong ký túc xá của trường Bách Khoa, tôi đã nhanh chóng có được những người bạn tốt. Sau khi thích nghi hơn với nhịp sống thường ngày ở TP.HCM và chương trình học, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội được làm việc để có thêm kinh nghiệm trong thời gian ở VN. Tôi nộp đơn xin làm thực tập sinh tại Lazada, và được nhận. Sau khi hết thời gian thực tập tôi trở về Đức để hoàn hành tấm bằng của mình, rồi lại rở lại VN ngay để chính thức về đầu quân hẳn cho Lazada. Đó chính là cơ duyên khiến tôi gắn bó đến tận bây giờ.

Sau hơn 5 năm, từ một thực tập sinh anh đã trở thành Giám đốc điều hành phụ trách Logistics của Lazada Việt Nam như thế nào?

Khi tôi còn là một nhân viên thực tập, ngay trong ngày làm việc thứ hai, sếp thông báo với tôi rằng ông ấy sẽ rời Việt Nam và liệu tôi có sẵn sàng đảm nhiệm một thử thách khó khăn là lãnh đạo nhóm giao nhận với 10 thành viên không. Đó thật sự là một cơ hội lớn. Nhóm của tôi phụ trách việc giải quyết những đơn đặt hàng của người mua, và một trong những khoảnh khắc tuyệt nhất là khi lần đầu tiên chúng tôi đạt chỉ tiêu 100 đơn hàng trong một ngày. Điều đó đã tiếp thêm năng lượng to lớn cho chúng tôi.

Sau đó, tôi kinh qua nhiều vị trí khác như trưởng bộ phận kho bãi ở TP.HCM, trưởng phòng nghiên cứu thị trường, phụ trách chuỗi cung ứng, phụ trách giao nhận, và từ tháng 3/2017 thì tôi trở thành Giám đốc mảng Vận hành của Lazada.

Đó chắc chắn không phải là một con đường bằng phẳng. Tôi từng gặp thất bại, rồi lại vực dậy và tiếp tục chiến đấu để đạt được những mục tiêu trong công việc. Đồng thời tôi cũng phải chấp nhận rằng mình không có nhiều thời gian rảnh như những người bạn đồng trang lứa. Tóm lại, những gì tôi đạt được dựa trên 3 nguyên tắc chính: làm việc chăm chỉ, tin tưởng vào đồng nghiệp và không bao giờ nói không với những thử thách mới.

Tham vọng lớn với ngành logistics Việt Nam

Anh nhận định quy trình quản lý hậu cần tại Việt Nam tại thời điểm đó như thế nào?

Đó là năm 2013, Lazada chỉ có một nhà kho nhỏ ở Cát Lái. Tất cả mọi thứ đều được thực hiện một cách thủ công từ việc nhận đơn hàng, quản lý hàng hóa cho đến vận chuyển đến tay người mua. Hoàn toàn không có máy móc và thiết bị hỗ trợ như bây giờ. Chúng tôi sử dụng dịch vụ vận chuyển của Bưu Điện VN để đưa hàng đến tận nhà khách, nó thường mất vài ngày.

Sau 5 năm không ngừng xây dựng và phát triển, hiện chúng tôi đang có 3 trung tâm tiếp nhận và quản lý hàng hóa với tổng diện tích sử dụng lên đến 15.000 mét vuông cùng hệ thống kỹ thuật hiện đại. Chúng tôi cũng đang phát triển hệ thống vận chuyển của riêng mình là Lazada Express. Ngoài ra, Lazada cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới vận chuyển bằng việc hợp tác với hơn 15 công ty vận chuyển uy tín.

Ngày nay, nhiều công ty thương mại điện tử trên thế giới đã áp dụng những hình thức giao hàng vô cùng hiện đại như máy bay điều khiển từ xa (drone) để giao hàng hay trí thông minh nhân tạo (AI) trong việc quản lý đơn hàng, .v.v. Liệu những tiến bộ công nghệ này có thể áp dụng tại Việt Nam không?

Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn làm quen với thương mại điện tử và phần lớn những đối tác vận chuyển của chúng tôi chỉ mới bắt đầu đầu tư vào những kỹ thuật phù hợp. Thời điểm này chúng tôi chưa nghĩ tới việc áp dụng drone hay AI vào việc giao nhận hay quản lý hàng. Nhưng chúng tôi đang tập trung rất nhiều vào P2P (Peer to Peer) - công nghệ chia sẻ file hay còn gọi là mạng ngang hàng, và dịch vụ hỏa tốc tại các đô thị lớn. Người dùng có thể tự động kiểm tra và theo dõi đơn hàng của mình chính xác theo từng giây và giảm thời gian vận chuyển xuống còn dưới 3 giờ đồng hồ. Những công ty công nghệ như Grab, Uber đã làm những cuộc cách mạng ttrong những dịch vụ vận chuyển tốc hành. Chúng tôi hiện đang nghiên cứu để ứng dụng những mạng lưới này vào hệ thống vận chuyển của mình để nâng cao trải nghiệm mua sắm nhanh chóng và tiện lợi của khách hàng tại Lazada.

Xu hướng thương mại điện tử trong tương lai là gì, thưa anh? Liệu nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành dịch vụ logistics?

Không khí ô nhiễm và mật độ giao thông dày đặc đang có chiều hướng tăng cao. Theo tôi thì ngành dịch vụ logistics tại các đô thị cần phải nghĩ cách làm thế nào để dung hòa giữa lợi ích kinh doanh và vai trò xã hội. Go Green - Sống xanh đang là một xu hướng được hưởng ứng nhằm giảm bớt sự ô nhiễm môi trường. Lazada Express đã và đang thực hiện cách thức vận chuyển xanh bằng xe điện và cả xe đạp để giao hàng tận nhà người mua. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giao hàng cũng là một cách hay để tránh kẹt xe. Ở một số nước đã áp dụng hình thức người vận chuyển sử dụng tàu điện ngầm, xe buýt để giao hàng. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng hệ thống kênh rạch, sông ngòi để di chuyển, tránh được kẹt xe trên đường phố. Tôi nghe nói rằng sẽ có một tuyến xe buýt trên sông tại TP.HCM bắt đầu vào giữa tháng 8, tại sao chúng ta không thử giao hàng bằng thuyền?

Một xu hướng nữa là từ offline tới online. Xây dựng một sự liên kết giữa những cửa hàng thực tế và cửa hàng trực tuyến đang là một xu thế toàn cầu. Khách hàng thường thích việc được tận mắt đánh giá hàng hóa và sự tiện lợi khi mua sắm, họ không muốn ngồi nhà chờ món hàng của mình. Vậy nên, tạo điều kiện cho người tiêu dùng đặt hàng online rồi tự tay đến lấy hàng tại các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng ẩm thực sẽ giúp họ chọn thời gian đi lấy hàng vào lúc tiện cho mình nhất. Trong hội thảo vào tháng 9 sắp tới tại TP.HCM, tôi sẽ trình bày rõ hơn về cách thức này.

Việt Nam đang từng bước phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm tăng năng suất xuất khẩu hàng hóa thông qua Internet. Theo anh thì Việt Nam cần chuẩn bị gì cho điều này?

Thương mại điện tử dựa hoàn toàn vào sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ. Muốn làm tốt, chính phủ VN cần phải tập trung xây dựng hệ thống kỹ thuật hiện đại và quy trình tự động nhằm cắt giảm chi phí vận hành. Bán hàng xuyên biên giới không chỉ đơn thuần là việc xuất khẩu, nó còn là chuyện nhập khẩu những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Việc thi hành những điều luật rõ ràng trong việc thông quan và thuế sẽ giúp ích cho sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra nhanh hơn và bền vững hơn.

Vậy Lazada sẽ làm gì với kế hoạch xuyên biên giới này, thưa anh?

Hiện chúng tôi đã có nhóm làm việc cho dự án xuyên biên giới của mình tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hong Kong. Nhóm này chịu trách nhiệm trong việc nhận hàng tại nước ngoài bao gồm cả việc đào tạo, lấy hàng trực tiếp từ nhà cung cấp, phân loại hàng hóa ngay tại xưởng và chuyển hàng đến những đơn vị giao nhận quốc tế. Ngay khi kiện hàng được chuyển về đến Việt Nam và hoàn tất thủ tục thông quan, chúng tôi sẽ ngay lập tức giao hàng đến tay người mua trong nước thông qua hệ thống vận chuyển nội địa sẵn có của mình. Chúng tôi đang thử chuyển hàng bằng đường biển, đường không và cả đường bộ bằng xe tải. Thực tế địa hình Việt Nam rất thuận lợi cho dịch vụ thương mại điện tử kể cả xuất lẫn nhập khẩu. Mục tiêu của tôi là làm cho người Việt có thể dễ dàng ngồi nhà mua sắm ở bất cứ đâu trên thế giới. Tại sao phải bay tận sang Singapore hay Thái Lan trong khi bạn có thể mua bất cứ thứ gì chỉ bằng một cú click chuột?

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này! Chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!

A.D

Cùng chuyên mục
XEM