Công ty bảo hiểm - Nạn nhân ‘khổ’ nhất trong khủng hoảng tắc đường ở kênh đào Suez

29/03/2021 09:20 AM | Kinh doanh

Vụ kênh đào Suez mọi người đều quên rằng nạn nhân khổ nhất là các công ty bảo hiểm.

Tờ Bloomberg đánh giá rằng nhiều khả năng có hàng nghìn hợp đồng bảo hiểm đi kèm với những thùng container chất cao trên con tàu khổng lồ Ever Given - thủ phạm gây khủng hoảng "tắc đường" ở kênh đào Suez, khiến thương mại toàn cầu gián đoạn. Và việc này có thể dẫn tới việc các hãng bảo hiểm sẽ phải thanh toán hàng triệu USD. Tuy nhiên, hiện tại, các bên vẫn đang mải đổ lỗi qua lại cho nhau và chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về sự cố của Ever Given.

Đơn vị thuê trọn gói Ever Given là Ever Green Line nói rằng công ty sở hữu Ever Given là Shoei Kisen Kaisha của Nhật Bản sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những tổn thất. Hiện phía Shoei Kisen Kaisha nói rằng họ sẽ chịu một phần trách nhiệm tuy nhiên nhấn mạnh rằng cần phải đàm phán thêm với phía Ever Green Line.

Bất chấp điều đó, sự tắc nghẽn mà Ever Given gây ra dẫn đến hàng loạt các khiếu nại của tất cả các bên bị ảnh hưởng, từ những người trong ngành vận chuyển đến những người trong ngành kinh doanh hàng hóa. Chủ sở hữu hàng hóa trên tàu Ever Given và các tàu khác đang phải chờ đợi do tuyến đường thủy nhanh nhất nối châu Âu với châu Á bị tắc nghẽn sẽ yêu cầu các công ty bảo hiểm của họ thanh toán những tổn thất. Các công ty bảo hiểm cho hàng hóa trên container sẽ tìm đến chủ sở hữu của Ever Given để đòi bồi thường trong khi đó công ty sở hữu Ever Given sẽ lại tìm đến công ty bảo hiểm của họ để được bảo vệ quyền lợi.

Như Chris Grieveson, đối tác tại công ty luật chuyên về vận tải hàng hải Wikborg Rein LLP ở London nói: Đó chắc chắn sẽ là một "kịch bản rất phức tạp".

Trong số những thứ được bảo hiểm là chính bản thân con tàu. Theo đơn vị môi giới bảo hiểm và cố vấn rủi ro Marsh, số tiền được bảo hiểm cho 1 con tàu thường rơi vào khoảng từ 100 triệu đến 200 triệu USD. Nhưng số tiền phía bảo hiểm phải trả sẽ phụ thuộc vào mức độ tồi tệ của tai nạn. Ngoài cánh quạt bị hư hại do mắc sâu vào lòng đất, việc cát bao phủ bề mặt Ever Given có nghĩa là thiệt hại thực tế của nó có thể tồi tệ hơn rất nhiều.

Công ty bảo hiểm - Nạn nhân ‘khổ’ nhất trong khủng hoảng tắc đường ở kênh đào Suez - Ảnh 1.

Nếu một kết luận "Tổn thất chung" được công bố thì các khoản thanh toán sẽ lên tới hàng triệu USD và trở nên vô cùng phức tạp.

Marcus Baker, một lãnh đạo tại Marsh cho biết: "Sẽ vô cùng phức tạp để đưa ra được thỏa thuận bồi thường cuối cùng. Và nên nhớ rằng từ 'vô cùng phức tạp' mà tôi nói có nghĩa là sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết xong mọi vấn đề giữa tất cả các bên".

Mặc dù các chuyên gia trong ngành vẫn chưa đưa ra ước tính, nhưng khoản bồi thường cuối cùng cho con tàu sẽ trải dài trên toàn bộ các lĩnh vực bảo hiểm. Một tổ chức trực tiếp liên quan là P&I Club của Vương quốc Anh - một trong mười ba nhóm tương hỗ đảm bảo trách nhiệm pháp lý của bên thứ ba trong thị trường vận chuyển toàn cầu. Họ phụ trách Ever Given về nhiều thứ như thiệt hại đối về vật chất và yêu cầu bồi thường về việc bị mắc kẹt. Hiện P&I Club cho biết họ sẽ xem xét tất cả các yêu cầu hợp lệ trong quá trình giải quyết.

P&I có thể cũng phải chi trả cho những thứ bao gồm chi phí cứu hộ và mất doanh thu. Đây hiện là ẩn số lớn nhất bởi chính xác khi nào con tàu sẽ được giải cứu vẫn chưa rõ ràng.

Theo Rahul Khanna, trưởng bộ phận tư vấn rủi ro hàng hải tại Allianz SE, nếu buộc phải tháo dỡ bớt container trên Ever Given để giải cứu, phía bảo hiểm sẽ còn phải chịu trách nhiệm lớn hơn nữa.

"Nếu họ phải tháo dỡ các container, đó sẽ là một khoản chi phí khổng lồ khác. Ý tôi đang nói đến hàng chục, thậm chí có thể hàng trăm triệu USD".

Quá khứ từng chứng kiến vụ bồi thường bảo hiểm hàng hải khổng lồ là vụ lật tàu du lịch Costa Concordia, dẫn đến khoản chi 1,6 tỷ USD vào năm 2012. Mức độ của Ever Given còn nghiêm trọng hơn bởi tàu Costa Concordia không hề làm gián đoạn thương mại toàn cầu. 

Chưa kể đến việc, các công ty bảo hiểm có thể bị Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) của Ai Cập yêu cầu bồi thường vì gây thiệt hại doanh thu và gián đoạn hành trình của các tàu khác.

Rahul Khanna, quan chức tư vấn rủi ro hàng hải tại Allianz Global Corporate & Specialty (AGCS), cho biết các bên liên quan cũng có thể yêu cầu chủ tàu Ever Given bồi thường thiệt hại cho kênh đào Suez, sau khi xuất hiện hình ảnh cho thấy đội cứu hộ phải đào đất, đá từ bờ kênh để giải thoát con tàu bị mắc kẹt.

Vậy ai chịu trách nhiệm cho việc thương mại toàn cầu đình trệ?

Còn một câu hỏi nữa là ai sẽ trả tiền cho sự gián đoạn thương mại toàn cầu mà Ever Given gây ra? Điều đó phụ thuộc vào một loạt các yếu tố. Trong số các chính sách phổ biến hiện hành, có các chính sách hàng hải cụ thể đối với việc chậm trễ hàng hóa. Chúng thường đi kèm với các con tàu vận chuyển hàng hóa dễ hư hỏng như trái cây. 

Thông tin đáng mừng là dường như hầu hết trong số gần 300 tàu đang chờ đi qua kênh đào Suez đều không chở hàng hóa dễ hư hỏng.

Tuy nhiên, nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, sẽ có rất nhiều bên liên quan và nó khiến mọi chuyện trở nên vô cùng phức tạp.

Nguồn: Bloomberg

Vân Đàm

Từ khóa:  kênh đào Suez
Cùng chuyên mục
XEM