Công nhân nghèo oằn mình sau dịch Covid-19: Người mất việc, người thấp thỏm điện thoại báo đi làm như chờ "xổ số"
Chiều xuống, ngồi trong căn trọ chưa đầy 20m2, chị Phương cầm chiếc điện thoại cũ mèm, lo lắng. 2 ngày qua, chị buộc lòng phải nghỉ ở nhà chơi với con vì "hết việc". Từ lúc dịch Covid-19 bùng phát đến nay, chị Phương và nhiều công nhân khác phải sống cảnh "lay lắt" khi công việc liên tục bị gián đoạn, bữa có bữa không.
Dịch Covid-19 khiến cuộc sống công nhân ngày một khó khăn hơn khi thiếu việc làm, giảm thu nhập
Xoay trở đủ đường vẫn "mịt mù"
May mắn không thuộc diện cắt giảm nhân sự của một công ty đóng trên địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM) nhưng 2 vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Phương (40 tuổi, quê Trà Vinh) và anh Nguyễn Văn Hạnh (42 tuổi) phải đối mặt với một năm lao đao vì cảnh "thiếu trước hụt sau" luôn xuất hiện mỗi tháng.
2 ngày được "ở không", chị Phương chỉ mong nhận được thông báo đi làm để cuối tháng có tiền trang trải cuộc sống
Với đồng lương ít ỏi của mình, 2 vợ chồng chị Phương chắt mót thuê căn trọ nằm ở đường số 4 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) để sinh sống và nuôi 2 đứa con ăn học. Trước dịch Covid-19, dù cuộc sống không mấy khá giả nhưng 2 anh chị vẫn đủ xoay xở, có chút ít của để dành. Đến khi dịch bùng phát, mọi chi tiêu trong nhà bỗng trở nên eo hẹp khi tiền lương liên tục bị cắt giảm.
"Có tháng chị nghỉ đến 2-3 tuần, mình làm ăn theo ngày mà, giờ cắt hết lấy đâu tiền mà tiêu. Trước mỗi tháng nếu tăng ca, chị nhận được tầm 10 triệu, mấy tháng rồi chỉ có hơn 6 triệu, giảm gần một nửa rồi. Bây giờ thì được 8 triệu mà hết hàng, không có tăng ca được", chị Phương cười nghẹn rồi nói tiếp.
"Như 2 hôm nay, chị phải nghỉ ở nhà vì công ty hết hàng. Nói chung là giờ ngày nào có hàng thì được đi làm, không thì thôi. Cứ chiều đến chị lại canh điện thoại, mong sao quản lý gọi điện để đi làm, nếu im luôn là biết nghỉ tiếp rồi đó. Chờ đi làm như chờ xổ số vậy…", chị Phương nói.
Cho 2 đứa con theo học tại TP.HCM, chi phí mỗi tháng cho từng bé khá đắt đỏ so với thu nhập từ đồng lương công nhân
Lên Sài Gòn được hơn 10 năm, mọi sinh hoạt hằng ngày của vợ chồng chị Phương cùng 2 đứa con (đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ 4 tuổi) đều dựa vào tiền lương công nhân mỗi tháng có được. Trong khi tiền học, tiền trường, tiền sinh hoạt phí của con thì tăng nhưng thu nhập của 2 vợ chồng lại giảm khiến những ngày tháng sắp tới, chị chẳng biết tính sao…
"Giờ chị chỉ mong có công việc đều đặn để mình đi làm thôi, chứ cứ đứt đoạn hoài chắc Tết đói quá", chị Phương nói.
Là lao động chính nuôi 2 đứa con tật nguyền, cô Thu (51 tuổi) cho biết mấy tháng dịch bệnh, thu nhập của cô bị giảm khiến cuộc sống eo hẹp hơn
Mỗi ngày cô Thu tranh thủ chạy xe đi làm, buổi trưa xin phép chạy về nhà để chăm sóc cho đứa con trai đầu bị bại não, khuyết tật... Dù cuộc sống công nhân gặp nhiều khó khăn nhưng cô Thu cho biết sẽ cố gắng bám trụ vì đây là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình
Cũng giống như chị Phương, chị Trương (35 tuổi) hiện đang làm công nhân cho một công ty trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên công việc chỉ kéo dài từ 7h sáng đến 14h chiều, còn lại "nghỉ ngơi" khiến nhiều tháng qua, cuộc sống của chị trở nên túng quẫn, 2 vợ chồng phải chạy vạy làm thêm nhiều công việc khác để bám trụ lại thành phố.
Xưởng làm hành tỏi của anh Sang cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau một thời gian tạm nghỉ, xưởng đã hoạt động trở lại để tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em công nhân
Nỗi lo thưởng Tết, hết hàng…
Trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều công nhân đã mất việc làm, họ thường chọn cách về quê hoặc kiếm một công việc mới tạm thời để cầm cự.
Dù đã có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của công việc nhưng chưa bao giờ chị Trương lại thấy khó khăn như vậy. Lương bị cắt giảm, số ngày nghỉ vì "cháy hàng" cứ tăng dần lên theo tháng nên chị Trương buộc tìm kiếm một công việc phụ để có thêm thu nhập.
Chị Trương tranh thủ thời gian "chết" vì hết việc làm đi nhặt hành, tỏi cho anh Sang để kiếm thêm vài chục ngàn mỗi ngày đóng trọ
"Hết ca làm chị lại về đây để lựa hành tỏi, mỗi ký được thêm 1.000 đồng, làm từ 14h chiều đến 20 - 21h tối cũng kiếm được 50 - 60 ngàn, tiền này đủ đóng trọ rồi. Chứ giờ hàng tăng ca không có, con cái phải đóng tiền học, chi phí sinh hoạt thì đắt đỏ theo ngày, không đi làm thêm thì không trụ nổi đâu. Thà mình chịu cay, chịu cực xíu mà gia đình đủ cơm ngày 3 bữa, dịch bệnh ai cũng bị ảnh hưởng, mình chấp nhận thôi", chị Trương nói.
Ngoài chị Trương, một vài chị em công nhân khác đang làm tại xưởng hành, tỏi của anh Sang (quận Bình Tân) mong muốn cuộc sống sớm quay trở lại bình thường, các công ty không còn cảnh cắt giảm nhân sự, tiền lương, có thêm hàng tăng ca để đời sống công nhân đỡ cơ cực.
Mỗi ký hành, tỏi làm sạch sẽ được nhận về 1.000 đồng
"Giờ chị lo nhất là việc thưởng Tết, không biết năm nay như thế này có được thưởng không, đợt dịch vừa rồi công ty có cho 10kg gạo à, có việc làm là mừng rồi, nhưng mong cho nó ổn định", chị Trương tâm sự.
"Mỗi năm tụi chị chỉ mong đến Tết, nhận thưởng tháng 13 để lấy tiền về quê sắm sửa quần áo, bánh kẹo, mua quà biếu gia đình…, năm nay chờ thôi chứ biết tính sao. Lỡ mà không có chắc ai cũng điêu đứng…", chị Phương bày tỏ.
Chị Phương vừa cười, vừa lo vì không biết năm nay công ty sẽ thưởng Tết như thế nào
Hai mẹ con chị Tiên cảm thấy may mắn vì vẫn có công việc trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát
May mắn hơn chị Phương, chị Trương và nhiều công nhân khác, vợ chồng chị Cẩm Tiên (28 tuổi, quê Đồng Tháp) thoát khỏi cảnh gián đoạn việc làm. Suốt mấy tháng dịch bệnh hoành hành, vợ chồng chị vẫn có công việc đều đều.
"Em làm ở công ty may á, 2 vợ chồng đều không bị thất nghiệp mới đủ tiền lo cho thằng nhóc này. Tuy nhiên hàng tăng ca không có đều như trước nên cũng giảm chút ít, thấy mọi người bị cắt giảm em cũng buồn lắm, mong sao các công ty phục hồi sản xuất trở lại để công nhân tụi em bớt khổ", chị Cẩm Tiên chia sẻ.
Cuộc sống của công nhân hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn
Sau giờ tan làm, họ lại tất bật trở về guồng quay của cơm áo gạo tiền và nỗi lo sợ thất nghiệp, cháy hàng
Hi vọng thời gian tới, các công ty, doanh nghiệp sớm ổn định, phục hồi sản xuất để tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người công nhân
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, dựa vào kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực quý 3/2020 với 16.778 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, do Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thực hiện:
Có 69,61% doanh nghiệp chủ yếu ở các lĩnh vực như sản xuất trang phục, dệt, chế biến thực phẩm... bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có 63,73% doanh nghiệp đảo đảm cho người lao động làm việc bình thường;
26,47% doanh nghiệp giảm giờ làm, không tăng ca; 4,9% doanh nghiệp có tình trạng thiếu việc làm; và 4,9% doanh nghiệp cho lao động thôi việc.