'Công nghiệp ô tô Việt Nam đã chín muồi, nhưng chúng tôi không tìm nổi nhà cung ứng Việt'
Ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của VBF chỉ ra một số cản trở doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong việc gia nhập chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 (VBF), đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của VBF, cho rằng: Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng doanh nghiệp Việt đang tuột mất cơ hội của mình trong ngành công nghiệp ô tô khi ngành này đã chín muồi mà vì nhiều lý do, họ không thể tìm nổi nhà cung ứng Việt.
“Các ngành công nghiệp chẳng hạn như ngành ô tô đã chín muồi để phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là nhà cung cấp các phụ tùng và dịch vụ, nhưng các nhà cung cấp tiềm năng này bị cản trở theo nhiều cách”, ông Fred nói.
Một số cản trở doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong việc gia nhập chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô, the ông Fred, gồm:
- DN Việt gánh nhiều chi phí, đẩy phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn 20% so với Thái Lan.
Do những bất lợi về quy mô sản xuất và kinh tế nhỏ, và phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện lắp ráp CKD, các nhà sản xuất luôn cần phải ghi nợ các chi phí liên quan đến logistic, đóng gói và thuế nhập khẩu. Chính vì vậy, chi phí sản xuất trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan hay Indonesia.
“Chênh lệch chi phí sản xuất này có thể sẽ lên đến khoảng 20% sau năm 2018 khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN miễn thuế cho các loại xe nhập khẩu trong khu vực”, ông Fred cho biết.
Hệ quả là các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ đối mặt với tình huống khó khăn để tiếp tục sản xuất trong nước vì lượng xe nhập khẩu lớn từ Thái Lan và Indonesia có năng lực cạnh tranh mạnh về chi phí.
- Nhiều DNVVN không nắm rõ các quy định về thuế hay các ưu đãi mà mình có thể được hưởng, đặc biệt là:
+ Làm thế nào để tuân thủ pháp luật về các giao dịch kinh doanh xuất nhập khẩu;
+ Mức thuế giá trị gia tăng chính xác khi nhập khẩu và xuất khẩu
- Các quy định hải quan đang ngày càng minh bạch hơn nhưng để các DNVVN có thể hiểu và tuân thủ vẫn là một thách thức.
- Tiếp cận vốn: Các DNVVN Việt Nam thường gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính toàn cầu cho các hoạt động trong chuỗi cung ứng bởi họ đang phải chịu áp lực chi trả các khoản phí không chính thức, về bản chất là không hề minh bạch.
Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB), thiếu minh bạch là một trong những lý do khiến có đến 50% DNVVN Việt Nam bị từ chối khi tìm kiếm nguồn vốn cho các hoạt động trong chuỗi cung ứng, so với chỉ 10% các tập đoàn đa quốc gia.
“Các doanh nghiệp FDI sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm từ các nước khác để giúp doanh nghiệp Việt vượt qua các trở ngại trên và khuyến khích các đối tác trong nước tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Fred tâm sự.
“Nhưng dù ngành ô tô đã chín muồi để các DNVVN Việt Nam có thể trở thành nhà cung ứng phụ tùng và dịch vụ, nhưng các nhà cung ứng này vẫn đang bị cản trở theo nhiều cách”.