6 bài học kinh doanh xương máu từ Tim Cook

28/09/2014 08:36 AM | Quản trị

So với Steve Jobs, Tim Cook được đánh giá là người thân thiện hơn với Phố Wall và truyền thông, bên cạnh sự quyến rũ vốn có tỏa ra từ một người đàn ông đến từ miền Nam nước Mỹ, Tạp chí Entrepreneur ghi nhận.

Khi Steve Jobs ra đi, nhiều người đã tỏ ra mất niềm tin vào tương lai của Apple. “Thiếu đi Steve Jobs, Apple chẳng khác gì Sony”, chuyên gia công nghệ John Dvorak khẳng định.

Đối với những fan trung thành, nhà đồng sáng lập mang tính biểu tượng của Apple đã thổi vào công ty một luồng tư duy mới, hình thành văn hóa Apple, biến ông trở thành một phần không thể thiếu trong sự tồn tại của công ty.

Trong một email gửi nội bộ sau khi nhậm chức, Tim Cook đã khẳng định sẽ luôn tôn thờ văn hóa ấy.

Tôi đảm bảo rằng Apple sẽ không thay đổi. Tôi trân trọng và tâm đắc với những quy luật và giá trị riêng của Apple. Steve đã xây dựng một công ty cùng văn hóa có một không hai trên thế giới, và chúng ta sẽ trung thành với điều này, nó đã ngấm vào máu chúng ta rồi”, ông viết.

Nhưng trên thực tế, Apple đã thay đổi, đây là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng Tim Cook đã lèo lái khéo léo để một mặt trung thành với những nét tạo nên sự độc đáo của Apple, một mặt bổ sung các giá trị theo cách của riêng mình, những điều chính Steve Jobs cũng chưa làm được.

Cách Tim Cook dẫn dắt Apple mang lại nhiều bài học hữu ích cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai.

Tim Cook.

1. Không hỏng thì đừng chữa

Sau khi Tim Cook lên nắm quyền, Apple vẫn chuyển động hoàn toàn đúng hướng, vẫn là một thương hiệu mang tính biểu tượng, cho ra các sản phẩm cải tiến cao độ, lối tư duy riêng biệt và cấu trúc quản lý “phẳng”.

Tim cook chỉ “nhúng tay” vào những thứ thực sự cần chỉnh sửa, những gì vốn và vẫn đang hoạt động tốt, ông hài lòng và để chúng được tự do. Ông hiểu Apple xoay vần quanh sản phẩm và khách hàng, chứ không phải cá nhân ông.

2. Điềm tĩnh và luôn tin tưởng

Khi các nhà phân tích cho rằng công ty đã mất đi động cơ cải tiến, và cổ phiếu công ty mất trụ khỏi đỉnh 200 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường vào thời kỳ hoàng kim, Tim Cook không hề hoảng sợ.

Thay vào đó, ông triển khai chương trình mua lại cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử tại 30 tỷ USD, tăng cổ tức và chia nhỏ cổ phiếu với tỷ lệ 7:1.

Sau tuần ra mắt iPhone 6, Apple Watch và Apple Pay, cổ phiếu Apple đã tăng 3,1%, kéo thị trường chứng khoán Mỹ thoát khu vực sắc đỏ, dấu hiệu cho thấy sự kiên nhẫn của Tim Cook và nhóm lãnh đạo đã phát huy tác dụng.

 3. Không cố quá khả năng

Mọi người đặt kỳ vọng lớn vào Tim Cook, họ muốn ông trở thành một Steve Jobs thứ hai, chính ông cũng cảm thấy điều đó. Tuy nhiên, Tim Cook đã từ chối điều này. Ông không nỗ lực để trở thành một người khác.

Trong hơn một thập kỷ, công ty chuyển động quanh tài năng độc đáo và sáng chói của Steve Jobs. Còn Tim Cook, người được Steve Jobs đánh giá là biến hóa và cứng rắn, thể hiện vai trò của một người quản lý hơn là một người tiên phong.

4. Vừa thân thiện, vừa quyết liệt

So với Steve Jobs, Tim Cook được đánh giá là người thân thiện hơn với Phố Wall và truyền thông, bên cạnh sự quyến rũ vốn có tỏa ra từ một người đàn ông đến từ miền Nam nước Mỹ.

Tuy nhiên lúc cần, ông vẫn tỏ ra là một người quyết liệt. Tháng 10/2012, ông đã gửi đi một bức thư khiến toàn bộ nhân viên Apple sửng sốt, thông báo quyết định sa thải giám đốc phần mềm Scott Forstall – cha đẻ của nền tảng iOS và từng là học trò cưng của Steve Jobs.

Mặc dù Tim Cook không tiết lộ về lý do sa thải Forstall, nhưng nhiều nguồn tin cho hay nguyên do là bởi nhà phát triển danh tiếng từ chối ký vào lá thư cáo lỗi gửi tới khách hàng vì các lỗi ngớ ngẩn xuất hiện trên ứng dụng bản đồ Apple Maps. Cuối cùng sau khi Forstall ra đi, Tim Cook là người đặt bút ký vào lá thư không đáng có đó.

Đối với các công ty đối thủ như Samsung và Google, Tim Cook cũng chưa bao nương tay trong các trận chiến về sản phẩm và dịch vụ.

5. Đặt cược đầy rủi ro, nhưng thông minh

Hai thất bại thường thấy nhất của những CEO các công ty nổi tiếng là: Hoặc yên vị với thực tế và không dám đánh cược, hoặc đưa ra những chiến lược quá nhiều rủi ro, ví dụ các vụ sáp nhập quy mô lớn.

Tim Cook không phạm phải lỗi nào trong đó. Ông đã tuyển mộ nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghiệp thời trang như Paul Deneve - CEO của Yves St. Laurent và Angela Ahrendts - CEO của Burberry để áp dụng kinh nghiệm phi công nghệ của họ vào lĩnh vực bán lẻ và sản phẩm của Apple.

6. Nói là làm 

Khi cổ phiếu công ty tuột dốc không phanh, Tim Cook đã quyết định sẽ “hy sinh” 1/3 khoản thưởng cổ phiếu của mình – chiếm hầu hết khoản tiền thưởng của ông – nếu cổ phiếu Apple đuối hơn các cổ phiếu khác thuộc nhóm S&P 500.

Theo tỷ giá hiện nay, Tim Cook đã sẵn sàng từ bỏ khoản tiền 130 triệu USD trong vòng 8 năm tiếp theo mà không cần thông báo đình đám.

Mặc dù Tim Cook đã làm nhiều việc để chứng tỏ năng lực kể từ khi gia nhập Apple với chức danh quản lý điều hành 16 năm trước, các quyết định trên cương vị CEO tại Apple cho thấy tài năng lãnh đạo xuất chúng trong ông trước những thách thức, là một tấm gương lớn cho các doanh nhân đương thời.

>> Tim Cook đừng vội mừng

Theo Dương Long

Cùng chuyên mục
XEM