Vì sao chưa đánh giá tiềm năng kinh tế của Internet of Things đúng mức?

27/06/2015 16:05 PM | Công nghệ

Báo cáo của McKinsey ước tính rằng vào năm 2025, Internet of Things có thể mang lại hơn 11 ngàn tỉ USD mỗi năm.

Bản báo cáo dài 124 trang của viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu McKinsey cho rằng chúng ta đang đánh giá chưa đúng mức tiềm kinh tế của Internet of Things. Báo cáo này ước tính rằng vào năm 2025,Internet of Things có thể mang lại hơn 11 ngàn tỉ USD mỗi năm. Và theo McKinsey, có 6 lý do khiến chúng ta đang đánh giá chưa đúng tiểm năng của Internet of Things.

1. Chúng ta chỉ đang sử dụng có 1% dữ liệu

Những gì mà McKinsey phát hiện ra trong bản phân tích hơn 150 trường hợp sử dụng Internet of Things là chúng ta chưa tận dụng hết tất cả những dữ liệu do các cảm biến và các thẻ nhận diện bằng tần số vô tuyến sản sinh ra. Trong một số trường hợp, chúng ta chỉ đang sử dụng 1% dữ liệu.

Và chúng ta cũng chỉ mới sử dụng dữ liệu cho những thứ đơn giản như các hệ thống kiểm soát và phát hiện bình thường, chứ chưa tận dụng 99% còn lại cho những việc phức tạp khác như tối ưu hóa và dự báo. Chẳng hạn như một giàn khoan dầu ngoài khơi có đến 30.000 cảm biến, nhưng các công ty dầu chỉ đang sử dụng một phần nhỏ số đó cho các quyết định của họ.

2. Chúng ta chưa có cái nhìn rộng hơn

Thay vì tập trung vào chiều dọc và các ngành công nghiệp (cách đặc trưng để tính toán giá trị kinh tế tiềm năng), McKinsey có cái nhìn sâu hơn về những thay đổi đang diễn ra ở 9 “bối cảnh” khác nhau mà Internet of Things đang được triển khai: nhà, hệ thống bán lẻ, văn phòng, nhà máy, công trường (khai thác mỏ, dầu khí, xây dựng), xe cộ, con người (tình trạng sức khỏe), ngoài trời (logistics và hàng hải), và các thành phố.

Trong số 11 ngàn tỉ USD giá trị kinh tế ước tính ở trên, có 4 trong số 9 bối cảnh này là đạt trên 1 ngàn tỉ - các nhà máy (3,7 ngàn tỉ), thành phố (1,7 ngàn tỉ), sức khỏe (1,6 ngàn tỉ) và hệ thống bán lẻ (1,2 ngàn tỉ).

Như vậy, thay vì tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, McKinsey trải đều lợi ích của Internet of Things ra 2 bối cảnh khác nhau – “xe cộ” và “thành phố”. Trong trường hợp của xe cộ, các cảm biến là rất thích hợp cho việc bảo trì (ví dụ như cảm biến cho bạn biết khi nào một bộ phận trên xe không hoạt động). Trong trường hợp của thành phố, những cảm biến này có thể giúp giải quyết những vấn đề lớn hơn như tắc nghẽn giao thông.

3. Chúng ta đang quên cơ hội B2B

Nếu bạn nghĩ rằng Internet of Things chỉ là về những ngôi nhà thông minh và các thiết bị đeo dành cho việc chăm sóc sức khỏe thì hãy nghĩ lại - McKinsey nói rằng cơ hội tiếp thị B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) có thể lớn gấp đôi cơ hội B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng).

Một ví dụ lớn mà McKinsey đưa ra là khả năng các công trường có thể tận dụng Internet of Things tốt hơn – chẳng hạn như ở một công trường khai thác dầu, bạn có máy móc, xe tải, các thùng dầu, công nhân, máy xử lý và mạng lưới vận chuyển dầu khai thác ra khỏi công trường. Nếu tất cả những thứ đó “nói chuyện” với nhau thông qua Internet thì bạn có thể tối ưu hóa công trường làm việc này.

Các giàn khoan dầu có thể cho công nhân biết có gì trục trặc không, xe tải có thể đến đúng giờ để chở những thùng dầu không, tất cả số dầu đó có thể được xử lý và vận chuyển đến nơi cần thiết đúng thời gian và kế hoạch không.

4. Chúng ta đang không biết rằng “khả năng tương tác” có thể là sự “hiệp lực” mới

Theo McKinsey, khoảng 40% tổng giá trị kinh tế của Internet of Things là được tạo ra bởi khả năng “nói chuyện” với nhau của tất cả các đồ vật thông qua máy tính, mà McKinsey gọi là khả năng tương tác. Bạn có thể nghĩ về khả năng tương tác như là một dạng “hiệp lực” mới – một cách tăng tổng năng suất mà không hề tăng số lượng bộ phận.

McKinsey cho rằng nếu máy móc không thể “nói chuyện” với nhau, thì Internet of Thingscó thể chỉ là cơ hội trị giá 3,9 ngàn tỉ USD. Một ví dụ của khả năng tương tác là món đồ đeo trên người bạn (để phục vụ cho mục đích sức khỏe) có thể “nói chuyện” được với bệnh viện hay người chăm sóc sức khỏe của bạn. Với khả năng tương tác này, Internet of Things có thể giảm chi phí điều trị bệnh kinh niên đến 50%.

5. Chúng ta đang đánh giá chưa đúng mức tác động của nó lên những nền kinh tế đang phát triển

Nói về tác động kinh tế đơn thuần, lợi ích kinh tế sẽ là 60:40 dành cho các nền kinh tế phát triển và đang phát triền. McKinsey chỉ ra rằng, một số lợi ích lớn nhất sẽ nằm ở các nước đang phát triển, đặc biệt là những lĩnh vực như bán lẻ. Trong một số trường hợp, các quốc gia đang phát triển sẽ có thể có những thành tựu tốt hơn những quốc gia phát triển vì họ không phải lo lắng về chuyện trang bị thêm thiết bị hay cơ sở hạ tầng.

6. Chúng ta đang quên mất những mô hình kinh doanh mới sẽ được tạo ra trong tương lai

Internet of Things sẽ không chỉ dẫn đến sự hiệu quả và tiết kiệm chi phí mà còn dẫn đến những cách kinh doanh hoàn toàn mới. McKinsey chỉ ra rằng, chúng ta sẽ có thể chứng kiến sự nổi lên của các mô hình kinh doanh mới tương tự như cách chúng ta đang quản lý và đánh gia dữ liệu ở thời gian thực. Ranh giới giữa các công ty công nghệ và không công nghệ sẽ bị xóa nhòa.

Chẳng hạn như hãy lấy các nhà sản xuất thiết bị công nghiệp làm ví dụ. Thay vì bán hàng hóa đắt tiền, họ sẽ bán những sản phẩm như kiểu cung cấp dịch vụ. Thay vì tính tiền một lần cho món hàng đó thì họ có thể tính theo thời lượng sử dụng. Ngoài ra, sẽ có những công ty mới xuất hiện, chuyên cung cấp các hệ thống Internet of Things.

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM